Thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tháng 10 kém khởi sắc khi xu hướng chưa rõ ràng và tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng bởi thông tin chứng khoán Mỹ giảm mạnh. Các chỉ số nhanh chóng chìm trong sắc đỏ.
Thị trường càng về cuối phiên chiều càng gặp áp lực bán lớn hơn. Chốt phiên VN-Index mất hơn 7 điểm (0,53%) và mất mốc 1.335 điểm. Sắc đỏ chiếm áp đảo khi có đến 269 mã giảm giá so với 137 mã tăng và 47 mã đi ngang.
Xu hướng tương tự trên sàn niêm yết HNX khi chỉ số giảm gần 1 điểm (0,24%) xuống dưới 356,5 điểm, trong đó có 147 mã giảm và 90 mã tăng. Sàn giao dịch UPCoM cũng giảm 0,6% về dưới 96 điểm.
Áp lực bán kèo lùi VN-Index trong phiên đầu tháng 10. Đồ thị: TradingView. |
Cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng là lực cản lớn nhất hôm nay. Trong đó chỉ số VN30 mất gần 12 điểm (0,82%) khi có đến 19/30 mã giảm giá tiêu biểu như VHM của Vinhomes, MSN của Masan Group, VRE của Vincom Retail và đặc biệt là nhóm ngân hàng.
Cổ phiếu của các nhà băng Việt Nam phần lớn diễn biến khá tiêu cực khi các mã vốn hóa lớn như VPB, VCB, CTG, BID, TCB, STB, VIB... đều giảm giá sâu để trở thành tác nhân chính kèo lùi chỉ số. Trương hợp đi ngược hiếm hoi là TPB của TPBank tăng 2,4% sau thông tin các công ty liên quan đến SoftBank đăng ký mua hơn 28 triệu đơn vị.
Ngược lại diễn biến tích cực nhất đến với nhóm dầu khí với hàng loạt mã bứt phá. Trong đó GAS của PV Gas tăng gần hết biên độ trong hôm nay, trở thành mã có đóng góp lớn nhất đến 3,35 điểm vào chỉ số chung.
Ngoài ra các mã liên quan đến ngành khí tại Việt Nam cũng đồng loạt tăng trần đáng kể như ASP, PCG, PVG, PGC, PGS, CNG, TDG... Nhóm liên quan đến sản xuất xăng dầu cũng bật tăng như PXS, PLX, PVD, PVS, BSR, PVC...
GAS trở thành điểm sáng "gồng gánh" thị trường phiên 1/10. Nguồn: VNDirect. |
Đà tăng của nhóm dầu khí được cho là hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng khí đốt và năng lượng tại châu Âu, các trạm xăng dầu cạn nhiên liệu và nguồn cung khí đốt cạn kiệt. Tại Việt Nam giá gas vừa tăng thêm 3.500 đồng/kg và là tháng tăng thứ 5 liên tiếp.
Cổ phiếu ngành phân bón cũng khả quan với nhiều mã bứt phá như NFC và VAF tăng trần, DCM tăng gần hết biên độ, DPM tăng 3,5%, BFC tăng 5,1%... Agriseco dự báo giá phân bón có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022, bởi giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí cước vận tải vẫn cao, chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và nhu cầu tích trữ lương thực gia tăng hậu đại dịch Covid 19 để đảm bảo an ninh lương thực.
Áp lực bán khiến thanh khoản thị trường phiên cuối tuần tăng mạnh với tổng giá trị khớp lệnh đạt 22.522 tỷ đồng, tăng 42% so với phiên trước. Giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 18.194 tỷ đồng, tăng 38%. Khối ngoại vẫn bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Trước đó, Chứng khoán Asean dự báo phiên hôm nay sẽ có áp lực bán khiến VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.335 – 1.340 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.325 – 1.330 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số hồi phục, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Chứng khoán BIDV nhận định biên độ dao động thấp cùng với thanh khoản suy giảm đang cho thấy lực tăng của VN-Index khá yếu. Nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng và chờ đợi thị trường xác lập xu hướng rõ ràng hơn.
Yuata Việt Nam cho rằng thị trường có thể tiếp tục đi ngang trong phiên giao dịch kế tiếp trong bối cảnh dòng tiền tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Áp lực bán có thể tiếp tục gia tăng nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và tác động tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể nắm giữ tỷ trọng ở mức 40 – 45% danh mục và xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp. Trên quan điểm an toàn, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục quan sát thị trường ở những phiên tới và chưa nên bán hết toàn bộ cổ phiếu trong danh mục.