Theo trang tin CNBC, thị trường chứng khoán các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chuyển biến tích cực hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm hoãn tăng lãi suất trong tháng 6.
Quyết định mới nhất này khiến mức lãi suất cho vay của Fed vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu từ 5-5,25% trong ít nhất là 6 tuần tới, trước khi cơ quan này họp bàn để ban hành các chính sách tháng 7.
Tuy nhiên, theo kỳ vọng của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan này khả năng cao vẫn sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, để đến cuối cùng lãi suất cho vay tại Mỹ đạt 5,6%.
Quay lại với thị trường châu Á, kinh tế New Zealand hiện rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi tổng GDP quý đầu tiên của nước này giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nối tiếp chuỗi giảm 0,7% trong quý cuối cùng của năm 2022.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ nhưng Topix - chỉ số chứng khoán Tokyo - lại tăng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày. Tương tự, Kospi - chỉ số rộng nhất trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc - cũng giảm nhẹ, trong khi chỉ số công nghệ Kosdaq lại tăng 0,49%.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay trung hạn vào thứ năm tuần trước (8/6), khi một loạt chỉ số kinh tế, bao gồm sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và giá nhà cứ liên tục giảm.
Nhờ động thái nới lỏng này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã lập chuỗi tăng 5 ngày liên tiếp, và gần đây nhất là tăng 0,84% vào thứ tư (14/8). Kéo theo đó, thị trường chứng khoán tại Trung Quốc đại lục cũng tăng điểm khi Shanghai Composite và Shenzhen Component đều nhích nhẹ 0,29%.
Ở Australia, chỉ số S&P/ASX 200 đã tăng 0,13% khi tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng 5 giảm nhẹ xuống còn 3,6% - thấp hơn một chút so với mức 3,7% mà các nhà kinh tế của Reuters dự kiến.
Trong khi đó tại Mỹ, 3 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán liên tục biến động trái chiều sau thông báo của ngân hàng trung ương, với S&P 500 tăng nhẹ 0,08% và Nasdaq Composite tăng 0,39%, còn Dow Jones giảm 0,68%.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.