Theo trang tin CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ đã có nhiều biến động tích cực trong phiên giao dịch ngày thứ hai (12/6), với 2 chỉ số S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 - dưới bối cảnh nhà đầu tư đang đợi báo cáo lạm phát và kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 189,55 điểm - tương đương tăng 0,56% - và chốt phiên ở mức 34.066,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,93%, đạt 4.338,93 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,53%, đạt 13.461,92 điểm.
Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh. Ảnh: AP. |
Dưới sự dẫn dắt của những cổ phiếu vốn hoá lớn như Amazon, Apple và Tesla, S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - hiện đã phục hồi 21% kể từ mức đáy thiết lập vào tháng 10/2022.
Theo nhận định của một số nhà đầu tư, chứng khoán Mỹ đang ở trong một thị trường đầu cơ giá lên (bull market), hay còn gọi là "thị trường bò".
“Mức đáy của tháng 10 càng lùi xa thì nhà đầu tư càng tự tin hơn. Liệu họ có đang tự mãn quá mức không? Có lẽ là họ có, nhưng đây thực chất lại là một tín hiệu tốt”, CEO Jake Dollarhide của công ty quản lý tài sản Longbow Asset Management chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Reuters.
Trong phiên này, cổ phiếu Tesla tiếp tục tăng 2,2% - đánh dấu phiên tăng thứ 12 liên tiếp - một kỷ lục đối với hãng xe điện Mỹ. Trong khi đó, Apple và Microsoft tăng 1,5% mỗi cổ phiếu, và mức tăng từ đầu năm đến nay của hai hãng này đã đạt lần lượt 41% và 38%.
Trong những gì giới đầu tư đang chờ đợi, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ sẽ được Bộ Lao động nước này công bố vào ngày thứ Ba. Giới phân tích dự báo CPI toàn phần tiếp tục giảm nhẹ nhưng CPI lõi có thể vẫn cao dai dẳng.
Trong khi đó, các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones lại kỳ vọng CPI toàn phần tháng 5 tăng 0,1% so với tháng trước, so với mức tăng 0,4% trong tháng 4. So với cùng kỳ năm ngoái, các nhà kinh tế này cũng dự báo mức tăng lạm phát 4% - thấp hơn một chút so với con số 4,9% của tháng trước.
Ngày thứ ba (13/6) cũng là ngày đầu tiên của cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed.
Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 72% Fed giữ nguyên lãi suất tháng 6 ở mức 5-5,25% khi công bố kết quả cuộc họp vào ngày hôm sau. Còn đối với tháng 7, theo dữ liệu từ CME FedWatch, khả năng Fed tăng lãi suất là 71%.
“Có khả năng Fed sẽ tiếp tục dựa vào các dữ liệu kinh tế. Bởi vậy, chúng tôi không nhất thiết loại trừ khả năng dừng tăng lãi suất trong tương lai, nhưng trong ngắn hạn thì chúng tôi thấy họ sẽ tạm dừng”, Giám đốc Đầu tư Dylan Kremer của Certuity nhận định.
Tuy nhiên, một báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến vẫn có thể phá vỡ các dự báo nói trên - nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty dữ liệu Oanda cảnh báo. “Nếu số liệu lạm phát bất chợt tăng cao, Fed có thể phải tính đến việc tăng lãi suất trong lần họp này và thậm chí phát tín hiệu rằng sẵn sàng tăng thêm lần nữa”, ông Moya cho biết.
Giới đầu tư đang kỳ vọng nhiều vào khả năng dừng tăng lãi suất của Fed. Ảnh: AP. |
Lợi nhuận từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, lợi nhuận hàng quý tốt hơn mong đợi của các công ty niêm yết và kỳ vọng Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt là những yếu tố đưa các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng trong những tuần gần đây.
Đợt phục hồi này cũng đã lan sang các lĩnh vực có độ nhạy cảm cao hơn với chu kỳ kinh tế như năng lượng và công nghiệp, cũng như các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, khi các dữ liệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế Mỹ vững vàng bất chấp lãi suất tăng.
Ngoài ra, ngân hàng Goldman Sachs tuần vừa qua đã nâng mục tiêu cuối năm cho S&P 500 từ 4.000 điểm lên 4.500 điểm, với lý do đà phục hồi của thị trường đang mở rộng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.