Sau diễn biến tăng tích cực trong hầu hết tháng 1, thị trường chứng khoán trong nước đã bắt đầu đối mặt với áp lực bán mạnh những phiên gần đây.
Trong phiên giao dịch cuối tháng 1 hôm qua (31/1), chỉ số VN-Index cũng chịu áp lực bán mạnh trong buổi sáng, nhưng đến buổi chiều, chỉ số này đã bất ngờ đảo chiều, đóng cửa tăng 8,61 điểm lên 1.111,18 điểm. Đến hôm nay, thị trường lại ghi nhận diễn biến trái ngược khi tăng vào phiên sáng rồi giảm sâu vào cuối ngày.
Cụ thể, chỉ số đại diện sàn HoSE đã duy trì sắc xanh trong buổi sáng nhưng bất ngờ đảo ngược trong phiên chiều, đặc biệt, áp lực bán tháo xuất hiện mạnh trong những phút cuối phiên.
Kết quả, VN-Index rớt mạnh 35,21 điểm (-3,17%) về mức thấp nhất trong phiên tại 1.075,97 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số chứng khoán này trong vòng 2 tháng vừa qua.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với các chỉ số trên sàn Hà Nội. Trong đó, chỉ số HNX-Index duy trì sắc xanh trong hầu hết ngày nhưng cũng chuyển màu cuối phiên, rơi 6,42 điểm (-2,89%) xuống 216,01 điểm; chỉ số UPCoM-Index mất 1,2% xuống còn 74,93 điểm.
VN-Index bất ngờ lao dốc cuối phiên giao dịch 1/2. Đồ thị: TradingView. |
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu vốn hóa lớn là nhóm gây ra tác động tiêu cực nhất lên chỉ số chung. Trong đó, rổ chỉ số VN30 đã giảm gần 37 điểm (-3,29%) với 23/30 mã chìm trong sắc đỏ.
Trong khi đó, rổ chỉ số đại diện nhóm vốn hóa vừa VNMID ghi nhận mức giảm 3,64% trong ngày và chỉ số đại diện nhóm vốn hóa nhỏ VNSML mất 2,89% giá trị.
Tính riêng từng cổ phiếu, VCB của Vietcombank là mã chứng khoán có tác động xấu nhất lên thị trường hôm nay khi giảm 3%, về mức 89.100 đồng. Tiếp đến là VHM của Vinhomes rơi 5,7%, xuống mức 48.000 đồng; BID của ngân hàng BIDV lao dốc 5,1%, xuống 42.800 đồng...
Theo nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản và xây dựng bị bao trùm bởi sắc xanh lơ (giảm sàn). Đơn cử như mã DXG của Đất Xanh giảm sàn 7%, về 13.900 đồng; DIG của DIC Corp rớt kịch biên độ về 16.300 đồng; mã VCG của Vinaconex hay CTD của Coteccons cũng giao dịch trong tình trạng trắng bên mua...
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán cũng không khá hơn với SSI rớt mạnh 6,7%, xuống 20.150 đồng. Các cổ phiếu HCM, VCI, VND, VIX, FTS, CTS, BSI đều bị bán tháo xuống mức thấp nhất trong phiên.
Các nhóm ngành chịu áp lực bán mạnh về quanh giá sàn hôm nay còn bao gồm sắt thép, phân bón, thủy sản, điện, dầu khí, đầu tư công, bán lẻ, thực phẩm...
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất lên thị trường. Nguồn: FireAnt. |
Trong phiên, thị trường vẫn có những mã chứng khoán đi ngược xu hướng chung, thậm chí là tăng trần. Đáng kể nhất là nhóm cổ phiếu sản xuất đường như LSS của Đường Lam Sơn; KTS của Đường Kon Tum; SBT của TTC Sugar tăng trần với khối lượng giao dịch lớn.
Ngoài ra, sắc tím cũng ghi nhận với các mã VCA của Thép Vicasa; ASP của Dầu khí Alpha... Tương tự, cổ phiếu KHG của Khải Hoàn Land bứt phá 6,5% phiên hôm nay, đạt mức 5.270 đồng; mã SVC của Savico tiến sát giá trần tại 53.800 đồng; hay DAG của Nhựa Đông Á tăng thêm 4,7%, đạt 35.750 đồng.
Tuy vậy, đây chỉ là những điểm sáng hiếm hoi, thị trường nhìn chung vẫn chịu áp lực bán tháo quyết liệt. Toàn thị trường có đến 629 mã giảm giá (trong đó có 72 mã giảm sàn) và 256 mã tăng giá, còn lại là cổ phiếu đứng giá tham chiếu.
Áp lực bán tháo đã đẩy giá trị giao dịch trên toàn thị trường lên mức cao, toàn sàn ghi nhận thanh khoản đạt 20.243 tỷ đồng. Riêng giá trị giao dịch sàn HoSE chiếm hơn 17.623 tỷ, tăng gần 30% so với phiên hôm qua.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng đã quay lại con số tích cực những vẫn chưa đủ để đảo chiều xu hướng. Khối ngoại chỉ mua ròng hơn 125 tỷ đồng phiên hôm nay, tập trung vào các mã HPG, HCM và HDB.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...