Thị trường chứng khoán khởi đầu phiên thứ hai khá thuận lợi với lực kéo đến từ nhóm vốn hóa lớn. VN-Index đã có thời điểm leo lên mức kỷ lục hơn 1.536 điểm vào đầu giờ chiều.
Tuy nhiên, mọi thứ đảo ngược rất nhanh khi lực bán lớn bất ngờ xuất hiện. VN-Index theo đó cũng trở mặt nhanh chóng khi loạt cổ phiếu phút trước còn "xanh tím" thì ngay phút chốc đã đổ sàn khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng về diễn biến, nhất là pha đảo chiều của nhóm bất động sản.
Đà giảm của các chỉ số tiếp tục bị nới rộng khi áp lực bán ngày càng mạnh. Có thời điểm bảng giá của các công ty chứng khoán lớn bị "đứng yên", không hiển thị đúng trạng thái lệnh đã khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang.
Kết phiên VN-Index lao dốc 24,77 điểm (1,62%) về mức thấp nhất trong ngày tại 1.503,71 điểm. Diễn biến rơi bất ngờ cũng xuất hiện trên HNX khi chỉ số mất 10,95 điểm (2,22%) về mức 482,89 điểm. UPCoM-Index cũng rơi 1,12% về 114,3 điểm.
VN-Index bất ngờ rơi tự do phiên chiều ngày 10/1. Đồ thị: TradingView. |
Áp lực bán dâng cao ở hầu hết nhóm cổ phiếu trên thị trường và ngành nghề. Chỉ riêng nhóm vốn hóa lớn nhất VN30 đã mất 17,5 điểm (1,14%) với 24/30 mã giảm giá. Trong khi chỉ số đại diện nhóm vốn hóa vừa và nhỏ cũng lao dốc khi VNMID mất 3,11% và VNSML giảm 1,64%.
Trong đó, thị giá GAS của PV Gas rơi 5,1% là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số. Hàng loạt cổ phiếu trụ khác cũng lao dốc như BCM của Becamex hay POW của PV Power thậm chí giảm kịch sàn.
Xét riêng từng nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản và xây dựng là nhóm "trở mặt" nhanh nhất khi hàng loạt mã chuyển từ trạng thái "xanh tím" sang giảm điểm rất sâu vào cuối phiên, thậm chí nhiều cổ phiếu nóng còn giảm sàn như BCM, CEO, CII, LDG, HBC, VCG... Dù vậy vẫn còn số ít cổ phiếu vẫn tăng giá rất tích cực trong phiên như DC4, SGR, QCG hay VPH vẫn còn ở giá trần.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến khá tiêu cực trong ngày đầu tuần khi hàng loạt mã chìm trong sắc đỏ với khung giảm phổ biến 1-4%. Tương tự cổ phiếu chứng khoán giảm điểm phần lớn với khung phổ biến 3-7%. Cổ phiếu nhóm dầu khí rơi khoảng 2-6%.
Các cổ phiếu riêng lẻ khác cũng ghi nhận biến động khá thất thường. HAG của Hoàng Anh Gia Lai vẫn tăng trần với dư mua lớn. Nhóm cổ phiếu họ Licogi vẫn kết phiên trong sắc tím. Nhóm đầu cơ khác như IDI, SJF, TNI, TSC vẫn kết phiên tăng điểm dù trước đó giảm sâu.
Ngược lại cổ phiếu họ FLC Group bị bán tháo rất mạnh. Riêng FLC từ mức giá trần lao dốc nhanh chóng về sát giá sàn với lượng giao dịch kỷ lục hơn 129 triệu cổ phiếu được sang tay. Tương tự là ROS từ trần rơi về giá sàn với lượng bán hơn 56 triệu cổ phiếu.
Áp lực bán xuất hiện trên toàn thị trường đã đẩy thanh khoản thị trường ở mức rất cao. Tổng giá trị khớp lệnh tăng 33% so với phiên liền trước lên mức 47.345 tỷ đồng; trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 35% lên mức 39.475 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng có một phiên giao dịch sôi động khi bán ra tổng cộng 2.525 tỷ và mua vào 2.057 tỷ đồng trên sàn HoSE, tương ứng với giá trị bán ròng gần 470 tỷ đồng. Các mã bị bán mạnh nhất là nhóm bất động sản như CII, VRE và NVL.