Kể từ đầu phiên sáng 3/1, thị trường chứng khoán trong nước luôn duy trì trạng thái thận trọng. Các chỉ số hầu như chỉ dao động quanh tham chiếu và không xuất hiện bất cứ tín hiệu đột biến nào.
Tuy nhiên, việc dòng tiền nhập cuộc vào cuối phiên nhanh chóng đưa hoạt động giao dịch sôi động trở lại. Bên cạnh đó, đà tăng tốt đến từ các cổ phiếu trụ cũng giúp chỉ số nhận được lực đẩy mạnh mẽ.
Kết phiên, VN-Index tăng 12,45 điểm (+1,1%) lên 1.144,17 điểm; HNX-Index tăng 1,65 điểm (+0,72%) lên 231,64 điểm; UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,25%) lên 87,8 điểm.
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 hôm nay chứng kiến 27 mã tăng, chỉ có SAB của Sabeco giữ tham chiếu trong khi BCM của Becamex và SSB của SeABank giảm lần lượt 0,7% và 2,7%.
Nhóm vực dậy chỉ số chủ yếu là những cái tên đến từ ngành ngân hàng, điển hình như SHB (+2,7%), STB (+2,7%), ACB (+2,3%). Cổ phiếu VCB của Vietcombank và BID của BIDV cũng đóng vai trò dẫn dắt chỉ số hôm nay.
Chiều ngược lại, áp lực tiêu cực từ cổ phiếu SSB, BCM hay những mã khác như BMP, HDG, SIP là không đáng kể.
Phiên giao dịch 3/1 ghi nhận nhiều cổ phiếu được giao dịch khởi sắc. Đáng chú ý nhất có thể kể đến mã HVN của Vietnam Airlines với mức tăng kịch biên độ lên mốc 13.100 đồng/cổ phiếu, khối lượng dư mua khoảng 308.000 cổ phiếu.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán. Trong đó, Điều 120 về hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”. Đây có thể là điều khoản “mở đường” để những cổ phiếu như HVN có thể được duy trì niêm yết trên HoSE, phần nào lý giải nguyên nhân dòng tiền tranh nhau tìm đến mã chứng khoán này.
Hiện tại, 2,2 tỷ cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do vi phạm cả 3 điều kiện gồm kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Kể từ giữa tháng 12 năm ngoái, cổ phiếu HVN liên tục nhận được thông tin hỗ trợ tích cực. Gần đây nhất, HoSE đã có quyết định đưa cổ phiếu HVN ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26/12/2023 sau khi doanh nghiệp tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Cũng trong hôm nay, cổ phiếu HNG của HAGL Agrico tiếp tục là điểm đến của dòng tiền. Chốt phiên 3/1, cổ phiếu này tăng kịch trần lên mức 5.370 đồng/đơn vị. Như vậy, cổ phiếu HNG đã có 4 phiên tăng trần trong chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp gần nhất.
Về giao dịch khối ngoại, dòng tiền nước ngoài tiếp tục bị rút ròng ra khỏi thị trường với quy mô 224 tỷ đồng. Trong đó, chứng chỉ quỹ FUESSVFL bị bán tới 204 tỷ đồng trong khi các mã đứng sau như SSI, PVS hay DXG chỉ bị bán 22-27 tỷ đồng.
Cổ phiếu VCB tiếp tục dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với giá trị 63 tỷ đồng, kế đó là VHC (+40 tỷ đồng), STB (+36 tỷ đồng), HDB (+23 tỷ đồng).
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...
Cổ phiếu Vietnam Airlines được 'mở đường' thoát cảnh hủy niêm yết
Theo dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán, doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc có thể quay trở lại sàn giao dịch nếu thuộc trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết.
Doanh nghiệp duy nhất khởi đầu năm 2024 với vốn hóa gần nửa triệu tỷ
Vietcombank tiếp tục có năm thứ 3 dẫn đầu thị trường về vốn hóa với quy mô 448.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn hóa của một số doanh nghiệp như Vingroup, Vinhomes lại bị thu hẹp.
Chứng khoán 2/1: Cổ phiếu ngân hàng gồng gánh thị trường
Thị trường chứng khoán phiên 2/1 rơi vào tình trạng "xanh vỏ, đỏ lòng". Nếu không có cổ phiếu VCB làm trụ đỡ, VN-Index có thể đối mặt một phiên điều chỉnh ngay đầu năm mới.