Trong bối cảnh các thiết bị công nghệ cao, đòi hỏi kết nối Internet mạnh như TV 8K, thiết bị đeo metaverse ngày càng phát triển, việc nghiên cứu chuẩn Wi-Fi tốc độ cao, ổn định là một điều tất yếu. Ảnh: Shutterstock. |
Trong những năm gần đây, chuẩn kết nối Wi-Fi đã có những bước nhảy vọt đáng chú ý. Năm 2019, Wi-Fi 6 được hoàn thiện và chính thức công bố, chỉ 5 năm sau khi ra mắt Wi-Fi 5. Chuẩn kết nối này sở hữu tốc độ và băng tầng rất tốt so với thế hệ trước.
Một năm sau, Wi-Fi 6E ra đời và được xem là đột phá so với Wi-Fi 6 khi hoạt động trên dải tần số 6 GHz. Điều này giúp Wi-Fi 6E mang lại tốc độ truyền tải cao, tăng khả năng hỗ trợ nhiều người dùng hơn, ngay cả trong môi trường tắc nghẽn với nhiều thiết bị di động.
Đến năm 2023, các công ty công nghệ tiếp tục chinh phục chuẩn Wi-Fi thế hệ mới, thành công phát triển Wi-Fi 7, hứa hẹn thay thế mạng dây Ethernet.
Wi-Fi 7 được phát triển dựa trên tiêu chuẩn IEEE 802.11be. Điểm sáng của Wi-Fi thế hệ mới là hoạt động trên kênh tần số 320 Hz thay vì 160 Hz như Wi-Fi 6/6E. Wi-Fi 7 còn được hỗ trợ công nghệ Multi-Link Operation (MLO), sử dụng linh hoạt tất cả băng tần và kênh có sẵn để tăng tốc kết nối hoặc tránh các băng tần có độ nhiễu cao.
Trong khi đó, các thế hệ Wi-Fi trước chỉ có thể kết nối với thiết bị thông qua một băng tầng duy nhất. Người dùng thường phải kết nối các thiết bị có băng thông thấp như máy đọc sách, bộ điều chỉnh nhiệt độ thông minh qua dải tần 2.4 GHz và chuyển sang 5 GHz khi dùng laptop, đầu TV box thông minh.
Với MLO, Wi-Fi 7 có thể quét tìm băng tần tốt nhất để truyền dữ liệu và chuyển đổi giữa các băng tần khác nhau một cách thông minh. Điều này giúp tận dụng nhiều băng tần cùng một lúc, giảm độ trễ mạng vì không tốn thời gian các kênh bận hoặc tắc nghẽn, dữ liệu có thể truyền theo yêu cầu mà không cần chờ đợi.
Bên cạnh đó, Wi-Fi 7 còn có công nghệ Quadrature Amplitude Modulation (QAM), truyền và nhận dữ liệu bằng sóng tần số vô tuyến, giúp tăng lượng dữ liệu truyền tải trong hệ thống mạng.
Với những công nghệ tân tiến trên, chuẩn Wi-Fi thế hệ thứ 7 được đánh giá là nâng cấp mạnh so với thế hệ trước. Tốc độ dữ liệu tối đa trên lý thuyết đạt gần 30 GB/s, nhanh gấp đôi so với tốc độ của Wi-Fi 6E và gấp 3 so với Wi-Fi 6.
Wi-Fi 7 sẽ nhanh hơn và có độ trễ thấp hơn thế hệ trước. Ảnh: MediaTek. |
Tuy nhiên, đây chỉ là những con số trên lý thuyết. Tốc độ thực của Wi-Fi 7 rất khó để chạm đến ngưỡng 30 GB/s như các nhà mạng khẳng định. Dù vậy, nhìn chung Wi-Fi 7 vẫn sở hữu tốc độ ấn tượng hơn hẳn thế hệ trước, giúp người dùng kết nối Internet và truyền tải dữ liệu nhanh, mọi lúc mọi nơi dù với dung lượng lớn.
Wi-Fi 7 sẽ giúp giảm độ trễ và sự thiếu ổn định của hệ thống mạng. Nhờ đó, kết nối thế hệ mới hứa hẹn sẽ mở đường cho những công nghệ thông minh trong nhà như phát video 8K, thiết bị thực tế ảo cho metaverse, vốn đòi hỏi băng thông rộng.
Để tận dụng các tính năng mới và hiệu suất được cải thiện trên Wi-Fi 7, người dùng cần phải nâng cấp thiết bị của mình. Điều đó có nghĩa là bạn cần mua bộ định tuyến mới, cùng với smartphone, laptop, TV mới… Do đó, MediaTek đã khẳng định loạt thiết bị Wi-Fi 7 đầu tiên sẽ ra thị trường vào năm 2023.
Song, Forbes cho rằng ở thời điểm hiện tại, người dùng không nên chi tiền để mua bộ router Wi-Fi 7 mới vì giá thành đắt đỏ, có thể lên đến hàng nghìn USD. Bên cạnh đó, người dùng sẽ khó nhận ra sự thay đổi giữa Wi-Fi 7 và Wi-Fi 6 với nhu cầu sử dụng laptop, smartphone, máy tính bảng thông thường.
Theo Forbes, phải đến năm 2024, phổ tần của Wi-Fi 7 mới hoàn toàn tương thích với chuẩn kết nối trên các thiết bị di động. Đặc biệt là với những sản phẩm của Apple, thời gian đợi có thể còn kéo dài lâu hơn.
Hiện việc chuyển đổi sang Wi-Fi 7 vẫn chưa mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Vì thế, người dùng nên đợi đến khi chuẩn kết nối này xuất hiện trên các thiết bị công cộng và có giá thành phải chăng hơn. Nhìn chung, Wi-Fi 7 vẫn là bước tiến đáng mong đợi trong năm 2023 nhưng vẫn chưa thích hợp để sở hữu, Forbes nhận định.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.