Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (Ban Quản lý), đơn vị này vừa vận chuyển một mô hình đầu tàu metro từ Nhật Bản về để nghiên cứu, sau đó lấy ý kiến của UBND TP để đi đến kết luận cho việc thống nhất thiết kế tuyến tàu điện ngầm metro, chuẩn bị vận hành vào năm 2020.
Tiêu chuẩn quốc tế
Dự kiến, để phục vụ cho toàn tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Ban Quản lý phải đặt hàng 17 toa tàu, đóng tại Nhật Bản với kinh phí ước hơn 8,6 tỷ yen. Vỏ tàu làm bằng nhôm và thép không gỉ, bên trong có hệ thống máy lạnh. Tàu có cửa sổ lớn, vách ngăn chia rõ khu vực khách đứng và ngồi.
Mô hình tàu cho tuyến metro số 1. |
Theo thiết kế, mỗi đoàn tàu gồm 3 toa. Mỗi toa có thể vận chuyển 382 hành khách. Trong đó, 2 toa có gắn động cơ. Hệ thống vận hành của tàu được nối với điện lưới quốc gia. Trong trường hợp có sự cố, máy phát điện đủ cung cấp năng lượng cho tàu vận hành trong vòng 3 giờ để tàu về ga an toàn.
Tàu được vận hành dưới dạng tự động, công nghệ của Nhật, thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Trên tàu không có nhân viên phục vụ. Phí lên tàu được thu ngay từ cửa kiểm soát của nhà ga.
Để vận hành và bảo dưỡng cho toàn tuyến metro số 1, dự tính có khoảng 400 nhân viên, kỹ sư sẽ được đào tạo. Tài xế trên tàu có thể quan sát hành khách và các hoạt động khác bằng hệ thống camera để xử lý kịp thời các tình huống xấu.
Dự kiến, thời gian vận hành của các đoàn tàu cách nhau khoảng 5 phút, giờ cao điểm thì 2 phút 10 giây; thời gian dừng tại ga khoảng 30 giây. Hành khách lên xuống tàu bằng hệ thống tự động. Đặc biệt, hành khách trên tàu không được ăn uống và hút thuốc.
Chờ TP quyết định
Ông Đặng Hữu Hòa, Phó Giám đốc tuyến metro số 1, cho biết tàu được thiết kế hiện đại nên khi vận hành rất ít phát ra tiếng ồn và độ rung.
Theo thiết kế, vận tốc khoảng 80 km/h là bình thường. Sau khi hoàn thành 17 đoàn tàu cho toàn tuyến metro số 1 để đưa vào vận hành trước, sau đó hàng loạt đoàn tàu cho các tuyến metro khác cũng sẽ được gấp rút thiết kế và thực hiện.
Để dự án hoàn thành và đi vào thực hiện, Ban Quản lý đang chuẩn bị trình lên UBND TP bổ sung hoặc chỉnh sửa, quyết định rồi phía Nhật Bản mới thực hiện. Dự kiến, thiết kế cho một đoàn tàu mất khoảng 3 tháng. Nếu mọi việc thuận lợi thì đến cuối năm 2016, đoàn tàu đầu tiên sẽ được đưa từ Nhật Bản về Việt Nam.Đối với các đoàn tàu phục vụ cho các tuyến khác, có thể sẽ được thiết kế với màu sắc khác nhưng vẫn bảo đảm tính hiện đại và tiêu chuẩn quốc tế.
Về trật tự và an ninh cũng như vệ sinh trên tàu, Ban Quản lý cho biết thời gian đầu là một trở ngại lớn vì người dân chưa quen. Tuy vậy, Ban Quản lý sẽ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm, bảo đảm văn minh, lịch sự khi lên xuống cũng như tham gia trên tàu. An toàn cho hành khách và người dân ở các khu vực có đoàn tàu đi qua cũng được đề cao.
Đi toàn tuyến số 1 hết 24.000 đồng
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, đơn vị đang nghiên cứu về giá vé lên tàu và chờ HĐND TP xem xét. Dự kiến, mỗi hành khách khi đi qua khu vực kiểm soát nhà ga phải đóng 8.000 đồng, sau đó đi thêm mỗi km sẽ cộng thêm 800 đồng. Như vậy, khi tuyến metro số 1 đưa vào hoạt động, mỗi hành khách đi từ đầu đến cuối ga sẽ hết 24.000 đồng.
Thời gian đầu, TP sẽ nghiên cứu để có chương trình trợ giá nhằm khuyến khích người dân tham gia phương tiện này. Do đó, số tiền hành khách bỏ ra có thể thấp hơn.