Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công trường metro - ngày đêm hối hả

Trái ngược với hình ảnh lộng lẫy của Sài Gòn trong không khí đón năm mới là sự hối hả của những người đang miệt mài làm việc trên đại công trường của dự án tuyến Metro số 1.

Nhộn nhịp đêm công trường

Nửa đêm, từ điểm nhà ga (depot) phía Bắc dự án đối diện cổng Công viên lịch sử  văn hóa  dân tộc thành phố (phường Long Bình, quận 9, do nhà thầu Sumitomo - Nhật Bản và Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông Cienco 6 thực hiện) chạy vào đến cổng Khu du lịch Suối Tiên, cả đại công trường thi công Metro rực sáng như ban ngày. Hàng trăm con người, máy móc, xe cộ vẫn làm việc rầm rập.

Trên công trường tuyến Metro số 1.

Đứng trên cầu vượt nút giao thông Quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội có thể nhìn rõ được phần nào hình hài của công trình đang dần hình thành. Những hàng trụ metro được hoàn chỉnh thẳng hàng, uốn lượn dọc cung đường cửa ngõ phía Bắc thành phố nhưng tô đẹp hơn xa lộ Hà Nội về đêm. Từ khu vực Suối Tiên vào đến chân cầu Sài Gòn, hệ thống trụ của tuyến Metro cũng cơ bản đã xong phần thô. Đứng từ trên cao có thể thấy hình ảnh như con rồng uốn lượn dọc cửa ngõ thành phố.

Tại cầu Sài Gòn, những trụ cầu cuối cùng của cầu vượt sông Sài Gòn của tuyến Metro đang được thi công. Công trình tại Cầu vượt đường Điện Biên Phủ, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cũng đang được nhà thầu tập trung nhiều máy móc, phương tiện và nhân công.

Rầm rộ nhất vẫn là đại công trường nhà ga ngầm số 2 của dự án tại giao lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, trước Nhà hát Thành phố (do nhà thầu Shimizu - Maeida (SM), Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), Bachy Soletanche (BS) đảm nhận). Do yêu cầu từ lãnh đạo thành phố phải gấp rút làm nắp hầm nhà ga để trả mặt bằng khu vực đài phun nước, hoàn thiện dự án phố đi bộ Nguyễn Huệ giữa năm sau nên đại công trường đang vô vùng náo nhiệt. Nơi đây là một trong số ít công trường “không nghỉ tết” dương lịch.

Ông Lê Khắc Huỳnh - Phó trưởng Ban quản lý (BQL) Dự án đường sắt đô thị thành phố cho biết, đến nay các nhà thầu luôn đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và yếu tố an toàn. 

Tự hào công trình lịch sử

Trên công trường, chúng tôi gặp những chàng kỹ sư, công nhân còn rất trẻ đến từ khắp mọi miền đất nước. Nguyễn Hiệu (28 tuổi, chàng kỹ sư xây dựng quê Quảng Ngãi (thuộc CC1), phụ trách công tác đổ những mẻ bê-tông lót mái nhà ga số 2 tại giao lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, luôn chăm chú vào từng mẻ hồ được cần cẩu thả xuống.

Đã sát giao thừa 1/1/2015, trên công trường công nhân vẫn tích cực làm việc .

“Đó là những thảm bê-tông mái nhà ga số 2, âm so với mặt đường Nguyễn Huệ 3m, bên dưới còn bốn tầng của nhà ga nữa. Những thảm bê tông đầu tiên được sản xuất và quản lý theo quy trình đặc biệt để đảm bảo chất lượng tuổi thọ công trình”, Hiệu cho biết.

Tết dương lịch, Hiệu và anh em ở đây vẫn làm việc bình thường. “Dù có chút xốn xang khi thấy mọi người quây quần dạo phố, nhưng để được góp tay xây dựng công trình trọng điểm của TP, tụi em cũng thấy tự hào. Nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề vì không thể để xảy ra sai sót, mất an toàn”, chàng trai sẽ lấy vợ vào cuối năm nay cười rất tươi.

Cùng kíp làm khuya với Hiệu, kỹ sư trẻ Trần Ngọc An (29 tuổi, đại diện cho nhà thầu SM, cũng là người thay mặt nhà thầu chính giám sát công việc của nhóm nhân công của Hiệu), luôn loay hoay với cuốn sổ nhật ký công trình trên tay. Anh chàng luôn cười nói sôi nổi trên công trường. Nhiệm vụ của An là lấy mẫu từng mẻ bê-tông độc lập với nhà thầu phụ để kiểm tra, thí nghiệm tại hiện trường trước khi cho đổ xuống công trình.

“Dù các thông số kỹ thuật đã được nhà máy bê tông sản suất đúng yêu cầu của công trình theo hợp đồng, nhưng khi đưa đến đây chúng tôi phải kiểm tra, thí nghiệm lại và lấy mẫu lưu trữ rồi mới quyết định đưa vào công trình hay không. Kiểm soát từng xe bê-tông anh ạ. Không lơ là được”, An nói.  

Kỹ sư Phạm Thanh Sơn (quê Hà Tĩnh, đại diện nhà thầu BS, phụ trách đội thi công tường vây để xây dựng nhà ga số 2) là một trong những kỹ sư đầy kinh nghiệm chỉ huy tại các công trường xây dựng lớn trên địa bàn TP. Giữa đêm khuya, Sơn luôn di chuyển hết chỗ nọ đến chỗ kia trong công trường để chỉ huy các đội công nhân điều khiển những chiếc khoan, máy đào, cần cẩu đặc chủng tải trọng hơn trăm tấn.

Với 11 năm kinh nghiệm thi công hầm, tường vây tại các công trường, dấu chân của Sơn đã in sâu vào những công đoạn đầu tiên của các dự án Vincom, tòa nhà Sài Gòn MC, Sài Gòn Center, Vietcombank, Sunrise City... Nhiệm vụ của Sơn và đồng nghiệp là xây dựng hệ thống tường vây hai bên công trình nhà ga số 2 sâu 44m, dài mỗi bên 190m.

Khá am hiểu địa hình, địa chất của TP nhưng Sơn không hề chủ quan: “Mỗi khu vực đều có sự phức tạp riêng về địa chất, nên cứ đào sâu 2m là lại lấy mẫu đất để thí nghiệm, kiểm tra rồi đào tiếp. Tường vây bảo đảm cho việc thi công nhà ga an toàn và cả hàng trăm năm sau nên có thể nói tụi em là đơn vị tiên phong chui xuống lòng đất theo đúng nghĩa đen”, Sơn nói về nhiệm vụ của mình.  

Cả kỹ sư lẫn công nhân đều hối hả làm việc.

Những bóng hồng giữa đêm

Giữa công trình xô bồ náo nhiệt không chỉ có lao động nam mà chúng tôi gặp rất nhiều phụ nữ thức trắng đêm tại khu vực thi công lồng thép. Thấy ống kính máy ảnh, chị Nguyễn Thị Phượng đưa bàn tay với chiếc bao tay bảo hộ đen nhẻm kéo khẩu trang che mặt, cười tươi rói: “Chụp làm gì trời. Xấu lắm”.

Sinh năm 1972, quê ở Bến Tre, chị Phượng cùng chồng là anh Phan Văn Tâm cũng đang làm chung được hai tháng ở đây. Công việc khá nặng nhọc so với tuổi đời, nhưng chị vẫn thấy may mắn: “Vì ba đứa con đang tuổi ăn học ở nhà. Dưới quê không có việc gì làm, phải lên đây thuê nhà ở trọ rồi xin đi làm. Mỗi tháng hai vợ chồng cũng được trên dưới chục triệu, đủ cho cả gia đình sống qua ngày”.

Một cặp đôi khác là vợ chồng chị Cầm (ở tận huyện Ea Súp, Đắk Lắk) dắt nhau xuống Sài Gòn thuê nhà ở, đi làm công. Mỗi ca của anh được 270.000 đồng, chị được 200.000 đồng, trừ hết mọi thứ cũng dư ít tiền gửi về cho hai đứa con đang học lớp 10 và 5 ở quê. Thức làm ca đêm, người phụ nữ sinh năm 1967 càng hằn lên những nét vất vả trên khuôn mặt.

Để công trình hoàn thành đúng chỉ tiêu, từ công nhân đến đội ngũ kĩ sư dều không có tết.

“Năm mới nhớ nhà, nhớ các con lắm. Ước gì sau này con cái lớn lên được đến đây học hành, được đi trên công trình mà bố mẹ chúng góp chút sức mọn”, chị Cầm chia sẻ. 

Cùng mưu sinh trên công trình lịch sử giữa lòng thành phố còn có vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Trâm (quê Trà Vinh); Nguyễn Tấn Oanh, Nguyễn Thị Tuyền (quê Hậu Giang) mới cưới nhau từ tháng 9 năm nay và đại gia đình anh Đoàn Văn Đen, Nguyễn Thị Diễm (đến từ Bạc Liêu). Ba đứa em của chị Diễm là Nguyện, Luân, Cường cũng làm ca đêm cùng vợ chồng chị tại khu vực này.

Chúng tôi tạm biệt những con người vẫn  tất bật suốt đêm dài giữa thời khắc đầu năm mới 2015 để chung tay vì một công trình giao thông hứa hẹn tô đẹp thêm cho thành phố tương lai. Hy vọng tiết trời se lạnh đêm giao thừa sẽ làm bớt đi những giọt mồ hôi trên vai áo của các anh, các chị.

http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&id=531718

Theo Trung Sơn-Ngọc Huy/Công an TP.HCM

Bạn có thể quan tâm