Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chưa yên tâm về chất lượng giáo dục'

"Gia đình, xã hội chưa yên tâm về chất lượng giáo dục quốc dân. Còn băn khoăn, bức xúc về học hành, thi cử, giáo viên", Chủ tịch Quốc hội chốt phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục.

Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Chiều 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn. Trong phiên buổi sáng, hệ thống máy tính "bị treo" vì có quá nhiều đại biểu chất vấn bộ trưởng

Sáng 6/6, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. 

Ba nhóm vấn đề các đại biểu quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ trưởng các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

chat van bo truong Phung Xuan Nha anh 1
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn sáng 6/6. Ảnh: Quân Minh.
  • Chất lượng giáo dục đại học và phổ thông chưa cao

    Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận thời gian qua, chất lượng đào tạo giáo dục chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông, chưa thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục.

    Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng còn hạn chế. Số lượng công trình, bài báo, các phát minh sáng chế, các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao chưa tương xứng với tiềm năng.

    Một số trường đại học chưa đảm bảo đủ các điều kiện về chất lượng theo đề án thành lập, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, khó tuyển sinh. Những trường này cũng không đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng.

    Nguyên nhân một phần là cơ chế chính sách về giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập; chưa tạo động lực khởi nghiệp, lập nghiệp; chưa đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng yêu cầu. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ thấp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao.

    Thời gian tới, Bộ GD&ĐT đầu tư các yếu tố đảm bảo chất lượng: Phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phát triển tư duy sáng tạo của học viên...

     

     

  • Tình trạng xuống cấp đạo đức của giáo viên, học sinh

    Gần đây, một số hiện tượng liên quan giáo dục khiến xã hội lo ngại, như: Học sinh vi phạm pháp luật, đánh nhau; vi phạm luật giao thông, kỹ năng sống hạn chế dẫn đến tự tử do sức ép thành tích học tập từ gia đình; học sinh không biết cách xử lý mâu thuẫn; kém hiểu biết về pháp luật, dễ bị kẻ xấu lôi kéo tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội...

    Một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội.

    Thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới có nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên hiện đại, phong phú, phù hợp đặc điểm tâm lý và nhu cầu của đối tượng người học.

    Chương trình hướng tới giảm bớt giáo dục lý thuyết, giáo điều; tăng cường giáo dục qua hoạt động trải nghiệm (về cảm xúc và hành vi, thái độ...), gắn liền những vấn đề thực tiễn.

  • Bạo hành trẻ mầm non

    Cũng theo Bộ GD&ĐT, một vài cơ sở giáo dục mầm non vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ. Còn có tình trạng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử với trẻ chưa chuẩn mực. Một số vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ.

    Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm lớp độc lập tư thục), làm ảnh hưởng thể chất, tinh thần của trẻ, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

    Bộ GD&ĐT sẽ quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non. Một số cơ sở trọng điểm đào tạo giáo viên mầm non, còn những nơi khác trở thành trung tâm bồi dưỡng, tránh tình trạng đào tạo giáo viên tràn lan, chất lượng kém.

  • Chưa đạt kỳ vọng của cử tri

    Có 5 phút phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thay mặt ngành giáo dục cảm ơn cử tri cả nước, Quốc hội cho ông được báo cáo trước quốc hội; được nghe chất vấn để làm tốt hơn công việc của ngành giáo dục thời gian tới. Thời gian qua, ngành giáo dục đã đạt được những thành quả; ngành nhận được sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương... Bản thân ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót, còn nhiều vấn đề tồn tại, có nhiều vấn đề gây bức xúc, nhiều vấn đề chưa đạt kỳ vọng của cử tri.

    “Với tư cách là những người đứng đầu ngành, chúng tôi xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót này, lắng nghe sự đóng góp ý kiến để làm tốt hơn nhiệm vụ của ngành”.

    Vào đầu buổi chất vấn, hệ thống âm thanh tại hội trường trục trặc, các đại biểu được mời lên bục đặt câu hỏi chất vấn.

    chat van bo truong Phung Xuan Nha anh 2

  • 3-4tỷ USD chảy ra nước ngoài

    - Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Hiện nay, tình trạng gửi con em ra nước ngoài rất nhiều, trong đó có cả học bổng và phải trả tiền. Hơn nữa, các trường ở các nước đã mở ở Việt Nam với học phí khá cao. Tôi được biết học phí của trường ngoại ở nước ta một năm lên đến 400 triệu đến 500 triệu đồng. Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này, giải pháp của Bộ như thế nào để các nhà đầu tư là doanh nghiệp tham gia vào giáo dục?

    - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Việc đưa con em đi ra nước ngoài học tập không chỉ vì nhiều gia đình có kinh tế khá giả mà nó còn liên quan đến văn hóa của người Việt. Trong xu thế chung của thế giới, người dân nước đang phát triển thường gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận được điều kiện tốt hơn.

    Chúng ta hiện nay có chính sách tốt bởi Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục. Vấn đề cần là sự tham gia của các thành phần kinh tế vào giáo dục Việt Nam.

    Theo nguồn thống kê không chính thức, số lượng học sinh sinh viên của chúng ta ra nước ngoài học tập, nghiên cứu mỗi năm mất khoảng 3-4 tỷ USD. Đây là nguồn tiền rất lớn. Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ đề án các nguồn lực xã hội, nguồn lực tư nhân vào giáo dục. Vấn đề là làm sao để giáo dục trong nước tốt, người dân không phải gửi con ra nước ngoài.

    Đến nay, Chính phủ đã có chính sách huy động các nguồn lực, đến nay, các tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư giáo dục. Đối với xã hội hóa giáo dục, chúng tôi yêu cầu hàng đầu là chất lượng, chương trình tiên tiến, chuẩn quốc tế. Tới đây trong sửa luật giáo dục, đại học chúng tôi rất ưu tiên vấn đề huy động các nguồn lực làm giáo dục.

    chat van bo truong Phung Xuan Nha anh 3

  • Giáo dục mầm non gây bức xúc nhất lại được đánh giá cao?

    - Đại biểu Đặng Thuần Phong tranh luận: Bộ trưởng có nói giáo dục mầm non của chúng ta được UNICEF đánh giá rất cao. Ai đánh giá cao thì tôi không rõ nhưng đánh giá cả quá trình thì tôi nhắc lại cho Bộ trưởng những hạn chế của giáo dục mầm non. Hiện nay, giáo dục mầm non đang nóng và gây bức xúc nhất là quy mô phát triển không đồng đều ở các vùng miền. Chất lượng không ổn định, nguồn lực đầu tư cho giáo dục thấp nhất trong ngành, cơ sở trường lớp, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu.

    Tỷ lệ chi cho giáo dục mầm non Nhà nước chỉ 39%, gia đình 61%. Khi các cháu vào học mầm non, gia đình phải đóng góp nhiều nhất so với các cấp học khác. Như vậy mà mầm non được đánh giá cao thì tôi cũng không hiểu thế nào. Tôi mong rằng Bộ trưởng xem xét và có giải pháp cho vấn đề này.

    - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chúng tôi thấy đúng, mầm non được quan tâm nhưng còn nhiều vấn đề, từ chính sách dân lập, tư thục, công lập nên nhiều cơ sở mầm non hiện nay chưa được chu đáo, nhất là ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Tôi thấy đây là vấn đề cần giải quyết và đã tham mưu Chính phủ, vừa rồi Nghị định 06, quyết định xây dựng môi trường an toàn thân thiện chống bạo lực cho trẻ. Về hệ thống pháp lý cơ bản có, quan trọng là thực hiện.

    Tôi cũng mong các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát, hệ thống chính trị: phụ nữ, mặt trận, phường xã giám sát, cùng chúng tôi phòng ngừa là chính. Quan điểm là phòng ngừa hơn là việc xử lý. Mong địa phương trực tiếp hỗ trợ về điều kiện cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên đủ để không tạo áp lực.

  • Cơ sở mầm non để xảy ra bạo hành sẽ đình chỉ, giải thể

    - Đại biểu K’Nhiễu: Thời gian qua, chế độ cử tuyển có nhiều bất cập, hạn chế. Có nhiều tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số gần đây không có đối tượng cử tuyển. Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi tiếp tục có chế độ cử tuyển nhưng không có chính sách gì mới. Bộ trưởng cho biết có giải pháp chế độ gì mới để chế độ cử tuyển đạt hiệu quả.

    Thứ 2, hiện tượng tiêu cực và những hình ảnh xấu, không tốt đã xảy ra với hệ thống giáo dục mầm non trong thời gian qua. Điều này ảnh hưởng đã tạo nên sự trăn trở, bức xúc trong xã hội, làm giảm niềm tin của cử tri trong lĩnh vực này. Bộ trưởng có suy nghĩ và biện pháp gì hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục trong lĩnh vực này.

    - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cử tuyển là chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ cũng phối hợp với Ủy ban Dân tộc để thực hiện chế độ này tốt nhất cho con em dân tộc thiểu số. Cách đây 5-7 năm, chính sách này rất hiệu quả. Tuy nhiêm, gần đây do nhiều lý do khác nhau, cử tuyển có vấn đề, nhiều cháu đi học về không bố trí được việc làm, có nhiều trăn trở, phản ứng bức xúc của đồng bào. Chúng tôi đã có khảo sát ở những vùng khó khăn, thấy rõ vấn đề và đưa vào Luật Giáo dục đi theo hướng, gắn với trách nhiệm người học với địa phương, tạo công ăn việc làm.

    Về giáo dục mầm non, đây cũng là một trong những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội. Báo cáo với Quốc hội, cử tri, hiện nay chúng ta có 15.000 cơ sở mầm non, với 337.000 giáo viên mầm non. Về cơ bản, các cơ sở và thầy cô mầm non rất là tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ nhưng cũng bắt đầu xuất hiện số giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Đặc biệt là ở các cơ sở đào tạo mầm non tư thục. Có những trường hợp bạo hành mà báo chí không thể chấp nhận được với thuần phong mỹ tục.

    Trong ngành giáo dục, cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu tôi rất phản đối và có những chỉ đạo, kiên quyết những giáo viên này phải đưa ra khỏi ngành ngay, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra bạo hành, sẽ đình chỉ và thậm chí giải thể, đóng cửa. Tới đây, để thực hiện một cách căn cơ có nhiều giải pháp, chúng tôi tính toán căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải được quy hoạch đào tạo bài bản thường xuyên và có chế độ hợp lý. Hiện, chế độ giáo viên mầm non thấp quá, theo quy định các cô ra trường hệ trung cấp có 2,4 triệu như thế thì rất khó khăn.

    Chúng tôi cũng đã trao đổi với Bộ Nội vụ để có chế độ tốt nhất cho giáo viên mầm non, ngoài ra cũng nâng cao chất lượng vật chất trường lớp.

    Bộ trưởng Giáo dục nói về vụ cô giáo bóp mặt, tát trẻ khi cho ăn

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết ông rất bức xúc khi xem clip cô giáo bóp mặt, tát trẻ khi cho ăn và đã chỉ đạo đình chỉ cơ sở mầm non này, không xem xét.

  • Hệ thống treo vì quá nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng

    Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có tới hơn 80 đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Vì thế, hệ thống máy tính bị treo.

    "Xin đại biểu cho phép tôi điều hành theo hình thức ưu tiên người chất vấn muốn tranh luận lại. Đề nghị đại biểu chất vấn vào đúng câu trả lời của Bộ trưởng chứ không phải chất vấn mà như câu hỏi mới", Chủ tịch Quốc hội nói.

  • Đại biểu Nguyễn Bá Sơn tranh luận: Bộ trưởng vừa nói đến các trường đại học chất lượng cao và tương đối cao. Tuy nhiên, đối với trường kém hiệu quả, khoa kém hiệu quả, thậm chí trong nhiều năm chưa xin đủ số lượng sinh viên để giảng dạy thì Bộ trưởng sẽ giải quyết như thế nào? Tôi mong Bộ trưởng nói rõ cho người dân Quảng Nam, Đà Nẵng biết bao giờ làng đại học Đà Nẵng triển khai được. Dự án này 22 năm rồi chưa triển khai.

  • "Bộ Giáo dục cấm học tủ, học lệch"

    'Bộ Giáo dục cấm học tủ, học lệch' Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo trả lời chất vấn về vấn đề "chuẩn giả" trong giáo dục.

    - Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương: Thứ nhất là vấn đề “chuẩn giả” trong giáo dục, trường đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn nhưng thực chất không đạt nhưng địa phương cho nợ. Bộ trưởng có biết việc này không, đã xử lý trường hợp nào chưa? Bao giờ có thể chấm dứt tình trạng này? Thứ hai, vấn đề không hiếm nhiều năm nay là để thi đỗ tốt nghiệp phổ thông và đại học, các học sinh bỏ không học các môn không thi mà chỉ học môn thi. Để đủ điều kiện dự thi, phụ huynh đến gặp thầy cô “nộp” tiền. Theo Bộ trưởng làm thế nào để loại bỏ tình trạng tiêu cực này?

    - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Những phản ánh của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương là có thực. Trong 19 chỉ tiêu về nông thôn mới có 2 chỉ tiêu về giáo dục. Một số địa phương muốn được nông thôn mới nên nợ chuẩn. Chúng tôi có biết và đề nghị các địa phương xử lý. Các địa phương nói rằng đã sớm có kế hoạch khắc phục. Tôi cho rằng chuẩn chất lượng là phải đảm bảo chứ không có chuyện nợ chuẩn. Tới đây Bộ sẽ thực hiện việc này mạnh hơn.

    Việc một số học sinh học lệch, bỏ các môn hoc không thi là có thật. Thống kê cũng chưa biết là bao nhiêu nhưng có tình trạng học “tủ lệch” đặc biệt là các trường chuyên. Bố mẹ cũng muốn cho con tập trung vào các môn thi để đỗ đạt, môn khác thì xem nhẹ. Chúng tôi đã cấm vấn đề này, bởi giáo dục phổ thông phải toàn diện, phải chú trọng các môn liên quan đến phát triển con người, dạy làm người.

    Chúng tôi kiên quyết phản đối, tăng cường vai trò giám sát. Tôi rất mong các địa phương, các trường phối hợp với Bộ để làm tốt công việc này. Học sinh cần được học toàn diện chứ không phải học để đi thi.

    Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương tranh luận: Thực ra vấn đề “chuẩn giả” trong giáo dục nó không chỉ gắn với nông thôn mới mà cả đô thị cũng có. Không phải đâu xa, hội trường này đi ra khoảng 5-7 phút cũng có. Lúc nào Bộ trưởng có điều kiện, tôi xin mời Bộ trưởng đi xem. Trường đạt chuẩn quốc gia gì mà không có gì đạt chuẩn. Mỗi một lần tập trung các cháu không có sân, phải mời mỗi lớp chỉ 5-6 cháu xuống. Trường trung học cơ sở nhưng lại dùng bàn của tiểu học. Đến lúc các gia đình chịu không nổi thì bỏ tiền ra mua, lúc hỏng lại gọi phụ huynh đến sửa. Tôi rất buồn khi chuẩn giáo dục đặt ra không được thực hiện.

    Liên quan đến vấn đề học lệch, Bộ trưởng chỉ trả lời được một vế. Vế thứ hai tôi rất lấy làm tiếc là nó không chỉ liên quan đến lượng giáo dục mà cả về đạo đức. Bố mẹ học sinh phải nộp tiền cho các cháu ở những môn không học để được thi nhưng các cháu sẽ nghĩ gì về thầy cô.

  • "Bạo hành trẻ mầm non không chỉ Bộ trưởng chịu trách nhiệm"

    Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đến trước giờ giải lao còn 9 đại biểu đăng ký chờ tranh luận sẽ được mời theo thứ tự đăng ký, 65 đại biểu chờ chất vấn. Bà đề nghị Bộ trưởng về nghiên cứu câu hỏi của đại biểu Nguyễn Mai Bộ với tỷ lệ thực đào tạo giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ so với số lượng giáo viên, người học.

    Trước nhiều chất vấn của đại biểu về tình trạng xuống cấp đạo đức của giáo viên, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ sự bức xúc thời gian vừa qua của dư luận. Tuy nhiên, ở đây còn có trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ sở giáo dục, họ có biết hay không cho đến khi báo chí, dư luận lên tiếng thì mới vào cuộc làm rõ. Ở đây đại biểu mong muốn ngành giáo dục, các địa phương và cả hệ thống chính trị chứ không phải riêng Bộ Giáo dục.

    "Trường mầm, tiểu học có địa chỉ rõ ràng, xảy ra bạo hành thì hiệu trưởng có biết không, giáo viên có biết không, địa phương có biết không. Chuyện xảy ra mới làm rõ thì đó là trách nhiệm của cả cộng đồng cả hệ thống chính trị ở địa phương chứ không phải chỉ mỗi Bộ trưởng", Chủ tịch Quốc hội nói.

  • Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?

    Đại biểu Nguyễn Thanh Hải: Tôi xin hỏi Bộ trưởng về cốt lõi triết lý giáo dục của Việt Nam. Triết lý giáo dục quan trong như hiến pháp của quốc gia là kim chỉ nam cho hoạt động dạy và học. Trả lời cho câu hỏi này tại buổi họp báo ngày 29/4/2014, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ trước có nêu triết lý trực tiếp của giáo dục Việt Nam là Nghị quyết 29 của Trung ương. Nhưng Nghị quyết 29 dài 12 trang, còn thông thường triết lý giáo dục phải là một phát biểu ở tầm tư tưởng nhưng cô đọng, xúc tích để ai cũng thấu hiểu và thực hiện như học đi đôi với hành, tiên học lễ, hậu học văn.

    Tôi dẫn chứng tại Nhật Bản coi giáo dục đạo đức là cốt lõi; cốt lõi giáo dục ở Đức là nhân bản thực tiễn; giáo dục Pháp là sau phổ thông đủ đi làm. Vậy nếu cần đúc rút một câu ngắn gọn về triết lý giáo dục Việt Nam thì đó là gì thưa Bộ trưởng?

    - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Để trả lời câu hỏi này phải có một hội thảo khoa học thì Bộ trưởng mới có câu trả lời. Tôi đề nghị Bộ trưởng trao đổi thêm với đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

  • Đạo đức giáo viên do đầu vào sư phạm quá dễ?

    - Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung: Bộ trưởng có nói tình trạng xuống cấp đạo đức một bộ phận giáo viên, học sinh, chất lượng đầu vào. Gần đây, có những sự cố về đạo đức giáo viên có liên quan đến việc tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm quá dễ dàng. Bộ trưởng có quan điểm gì về ý kiến của cử tri cho rằng cần quy định điều kiện được xét tuyển khối sư phạm như hình thức, chuẩn phát âm, học lực, đi đôi với bố trí việc làm cho sinh viên trong khi tốt nghiệp?

    - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Vấn đề chất lượng đầu vào sự phạm là có thật, một số vấn đề yếu sẽ dẫn đến quá trình đào tạo vào và ra có liên quan. Riêng, sự phạm là ngành có đặc thù, chúng tôi đang chuẩn bị để có những đề xuất, rồi cùng các trường ngoài điểm ra còn có những cái chuẩn để tuyển sinh như sư phạm nghệ thuật. Tôi tiếp thu ý kiến đại biểu về vấn đề này.

  • 200.000 sinh viên tốt nghiệp có phải lao động chất lượng cao?

    - Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung: Bộ Giáo dục Đào tạo báo cáo hiện tại còn một tỷ lệ không nhỏ 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm. Trong khi đó, ngành lao động báo cáo nước ta đang thiếu một nguồn lớn lao động chất lượng cao. Vậy sinh viên tốt nghiệp đại học có phải là nguồn lao động chất lượng cao không? Nếu phải là chất lượng cao thì tại sao sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, phải chăng chất lượng đào tạo chưa tốt? Sự liên kết nào giữa ngành giáo dục và ngành lao động trong việc giải quyết vấn đề việc làm?

    - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sinh viên tốt nghiệp đại học thì chúng ta gọi là lao động chất lượng cao. Nhưng trong cái cao này vẫn có cái chất lượng chưa đạt chuẩn đại học. Tôi đồng ý có việc nhiều sinh viên trong số 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm có chất lượng không đảm bảo. Nhưng hầu hết sinh viên có chất lượng nhưng vẫn chưa kiếm được việc làm do nhiều nguyên nhân.

    Tới đây, Bộ Giáo dục sẽ phối hợp với Bộ Lao động để phối hợp chặt chẽ hơn trong việc dự báo thị trường lao động với chỉnh sửa lại chương trình đào tạo cho tốt. Việc này sẽ hạn chế được tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Về câu hỏi của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Bộ trưởng Nhạ sẽ phối hợp với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung để trả lời thêm bằng văn bản. Ý đại biểu là trong lúc đất nước cần nguồn nhân lực chất lượng cao thì hiện nay có 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc việc. Đại biểu muốn hỏi số sinh viên đó có phải lao động chất lượng cao không, nếu không phải thì do chất lượng đào tạo chưa cao. Và sự liên kết giữa đào tạo và cung ứng lao động là có vấn đề. Tôi đề nghị Bộ trưởng phải làm rõ.

  • Giải pháp gì cho tình trạng học sinh quan hệ tình dục sớm

    Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn: Theo báo cáo của đại học Quốc gia Hà Nội, khoảng 10% học sinh cấp 2 đã từng quan hệ tình dục, cấp 3 thì con số này là 39%, 10% học sinh cấp 3 báo cáo đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên. Đây là vấn đề liên quan đến lối sống của học sinh làm phụ huynh lo lắng và quan tâm. Xin hỏi bộ trưởng nhận định việc này này thể nào, và giải pháp trong tương lai ra sao cho dù đây là nghiên cứu nhỏ chưa mang tính đặc trưng?

    Chủ tịch Quốc hội: Câu hỏi này rất khó.

  • Rà soát toàn bộ giáo viên mầm non để bố trí công việc

    Giải đáp thêm về lĩnh vực liên quan, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay: Về vấn đề hợp đồng đối với giáo viên, trong thời gian qua, nhiều địa phương, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện số lượng hợp đồng làm công tác chuyên môn rất lớn. Có đơn vị biên chế được giao chưa sử dụng hết nhưng vẫn thực hiện ký hợp đồng.

    Nghị quyết 19 nêu rất rõ là chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế, biên chế cao hơn số lượng biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao. Chúng ta phải rà soát lại ngay trong năm 2018. Tôi đề nghị các địa phương phải rà soát lại biên chế được giao, đánh giá năng lực các giáo viên.

    Bộ GD&ĐT phải có quy định quản lý trong các cơ sở, người làm chuyên môn phải trên 65% số biên chế. Những nơi nào còn thiếu thì phải tiến hành xem xét ngay, tránh tình trạng học sinh không có giáo viên dạy.

    Tại các phiên họp của Chính phủ cũng có nói đến việc các địa phương phải rà soát các trường hợp biên chế vượt kế hoạch được giao, bố trí, giải quyết cho những giáo viên này. Nếu không sắp xếp được thì phải tinh giản biên chế.

    Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp Bộ Y tế, Giáo dục sẽ trình Chính phủ trong tháng 6. Việc ký hợp đồng tại các cơ sở mầm non, hiện nay tuyển dụng giáo viên mầm non thuân thủ quy định tuyển dụng công chức.

    Chính phủ yêu cầu đối với giáo viên mầm non vẫn thực hiện theo hợp đồng lao động trong định mức giáo viên, hưởng chế độ như viên chức. Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện việc rà soát toàn bộ giáo viên mầm non, để bố trí công việc, Nếu không bố trí được thì mới tinh giản biên chế.

    chat van bo truong Phung Xuan Nha anh 4

  • Phó thủ tướng nói về sinh viên ra trường không xin được việc Cuối phiên thảo luận, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải đáp thêm một số chất vấn của đại biểu. Vấn đề sinh viên ra trường không xin được việc được phân tích làm rõ.

    Cuối giờ sáng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có 15 phút để giải đáp, làm rõ thêm một số chất vấn của đại biểu.

    Theo Chủ tịch Quốc hội, hết buổi sáng vẫn còn 59 đại biểu chờ tranh luận và chất vấn. 

  • Chưa yên tâm về chất lượng giáo dục quốc dân

    Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra một số tổng kết những vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong gia đình, ngoài xã hội vẫn chưa yên tâm về chất lượng giáo dục quốc dân. Vẫn còn băn khoăn về học hành, thi cử, bức xúc một số vấn đề của giáo viên, phụ huynh, học sinh. Nhiều đại biểu đã chất vấn, tranh luận những vấn đề nêu trên.

    Bà đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Chính phủ tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp khắc phục. Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách giáo dục, nhất là đối tượng vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Khẩn trương đưa ra các văn bản dưới luật khi có Luật giáo dục. Triển khai sớm chương trình đổi mới sách giáo khoa, phát huy tiềm năng con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

    Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm quy hoạch mạng lưới các trường đại học, xây dựng các trường đại học vươn tới trình độ của khu vực và thế giới, thu hút các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia giáo dục, sớm ban hành quy định tự chủ, đổi mới quản lý giáo dục, đào tạo…

    “Cần có chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm, thực hiện tốt kiểm định giáo dục. Đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao khả năng có việc làm sau khi học xong”, Chủ tịch Quốc hội nói.

    Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó, không tạo sức ép lên học sinh. Sớm quy hoạch lại đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Cần xã hội hóa, thành lập các trường tư thục, đảm bảo chất lượng dạy học.

    Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non, tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở giáo dục mầm non. Nâng cao trách nhiệm của giáo viên, quy định phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào đánh giá, tăng cường an ninh, toàn toàn trường học.

    Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong giáo dục đào tạo.


Nhóm phóng viên

Ảnh: Quân Minh

Bạn có thể quan tâm