Zing.vn lược dịch bài viết của tác giả Hollis Johnson của trang Business Insider về lý do tại sao ông sẽ không bao giờ sử dụng laptop của Apple nữa.
Phần lớn cuộc đời tôi là một fan trung thành của Apple. Chiếc máy tính đầu tiên tôi sử dụng là Macintosh 512Ke ra mắt năm 1986. Từ đó đến nay tôi toàn dùng máy tính Apple.
Năm lớp 5, có lần tôi bị đuổi cổ khỏi lớp học vì dám cãi nhau với giáo viên việc liệu Steve Jobs và Bill Gates có hợp tác tạo ra chiếc Mac hay không. Tôi thực sự đã rất trung thành với Apple.
Và khi tôi quyết định không dùng máy tính của Apple nữa, tôi cảm giác như mình vừa mới bỏ đạo.
Steve Jobs giới thiệu MacBook Air vào năm 2008. Ảnh: Getty Images. |
Lịch sử vẻ vang
Đầu tiên, hãy lướt qua lịch sử của công ty. Trước khi trở thành hãng công nghệ lớn nhất thế giới, họ từng chỉ là công ty máy tính Apple bé nhỏ. Tuy nhiên khi ấy Apple vẫn có lượng fan trung thành, yêu mến các sản phẩm một cách điên cuồng. Phần lớn trong số đó là họa sĩ, nhạc sĩ và một số người dùng đặc thù trong các lĩnh vực.
Vào năm 1997, trong giai đoạn khó khăn của hãng, New York Times thậm chí cho rằng công ty chỉ còn “90 ngày nữa là phá sản”. Thế rồi thành công của chiếc iMac màu xanh Bondi nổi tiếng trong năm 1998 đã cứu rỗi Táo khuyết.
Rồi năm 2007, iPhone mở ra kỉ nguyên smartphone dù không phải là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trên thị trường.
Không phải tôi, chính Apple đã thay đổi
2007 cũng là năm tôi chính thức kết duyên với Apple. Sau đó một thập kỉ, tôi sở hữu cả iPhone, iPad, MacBook Pro.
2008, MacBook Air ra mắt. Một chiếc laptop siêu mỏng, siêu nhẹ mở ra thời kỳ mới cho thiết kế laptop đến tận ngày nay.
Nhưng thiết kế ưu việc cũng mang lại sự thay đổi không mấy dễ chịu. MacBook Air có RAM hàn chết vào bo mạch chủ. Hơn nữa, pin của máy cũng rất khó thay thế, phải có công cụ đặc biệt và tháo tới 19 con ốc để mở.
Điều này rõ ràng là không bình thường. Nâng cấp RAM và thay pin là một trong những nhu cầu thông thường nhất của một người dùng laptop.
Rõ ràng MacBook Air 2008 đã chuyển sản phẩm của Apple từ thiết kế hướng về người dùng, sang tập trung cho các công nghệ mà chỉ Apple mới có.
MacBook với chip T2 ngày càng khó sửa chữa. Ảnh: BI. |
Quyền sửa chữa của người dùng
Khi MacBook Air lần đầu ra mắt, các fan hâm mộ của Mac như tôi dễ dàng chấp nhận việc máy không thể nâng cấp bất kì cái gì. Dù gì nó cũng là chiếc máy tính mỏng nhất thế giới.
Nhưng xu hướng đó vẫn tiếp diễn. Trang Wired mô tả MacBook Pro 2012 là “không thể sửa được, không thể hack được” vì các bộ phận bị hàn chết và dán keo. iFixit cho nó điểm 1/10 về khả năng sửa chữa.
Mẫu MacBook Pro 2016 với Touch Bar được trang bị RAM, ổ cứng, VRAM và pin gần như không thể thay thế hay sửa chữa . Trang Gizdomo chế nhạo Apple đang “tuyên chiến với khả năng nâng cấp máy tính”.
Để có cái nhìn chính xác, cũng cho thấy rằng tôi không nói quá, Taylor Dixon, một kĩ sư tại iFixit cũng xác nhận những ý kiến trên.
“Nếu bạn nhìn lại dòng PowerBooks và Power Macs tiền thân của Mac Pro, tất cả đều được thiết kế mô đun hóa tuyệt đối. Nhờ đó máy tính Apple có tiếng là mạnh mẽ và dễ nâng cấp. Giờ thì khác rồi", Dixon nói.
Từ chiếc bàn phím tới cả một lời hứa
Mùa hè vừa qua, Apple tuyên bố sẽ thay thế miễn phí bàn phím hỏng trên MacBook từ đời 2016. Bàn phím thiết kế lẫy bướm mới được thay đã gây bão trong cộng đồng người dùng bởi vô cùng khó để vệ sinh. Ngoài ra, nó cũng cực kỳ khó sửa.
Giọt nước cuối làm tràn ly vào năm 2018, chiếc Mac mới được trang bị chip T2 của Apple. Đây là bộ vi xử lý có các tính năng bảo mật chặt chẽ, tới mức bạn khó có thể sửa chữa được máy.
“Apple muốn hạn chế việc sửa máy bằng cách kiểm soát các linh kiện được sửa”, Kyle Wiens, CEO của iFixit cho biết. “Đây có thể là hành động chiếm lĩnh thị trường sửa chữa độc lập hoặc đơn giản là siết chặt hệ thống hàng chính hãng".
Dixon chỉ ra trường hợp iPhone 6. Khi người dùng cố gắng sửa nút Home bị hỏng, cả điện thoại sẽ bất hoạt. Dù Apple phục hồi chức năng của điện thoại, trong nhiều trường hợp, Touch ID vĩnh viễn không còn có thể sử dụng.
Apple muốn người dùng mua sản phẩm mới hơn là sửa chữa thiết bị cũ. Ảnh: Reuters. |
Sản phẩm cao cấp là không được sửa?
Vỡ mộng với cả một tượng đài đã cùng bạn lớn lên thực sự rất đau đớn.
Với Dixon, anh cho rằng Apple bây giờ như một tên tội phạm. “Khó mà bao biện việc tung các sản phẩm không thể sửa chữa là do Apple tuyên chiến với hàng lậu. Đó đơn thuần là chỉ lợi ích kinh doanh”.
Rõ ràng, bắt người dùng đến Genius Bar thay vì tự sửa tại nhà, mua các sản phẩm chứng nhận của Apple thay vì mua của bên thứ 3 là bước đi đúng đắn về mặt tài chính cho công ty.
Chỉ là tôi không thích sở hữu một sản phẩm mà không sửa được. Đó giống như bạn đang đi thuê vậy.
Apple đang định hướng trở thành một thương hiệu cao cấp nhiều hơn. Có lẽ những khách hàng giàu có sẽ thích phương án của Apple. Riêng tôi sẽ chọn cho mình hãng máy tính khác.