Trước đó, các quan chức Cục Bảo tồn vườn quốc gia và động thực vật hoang dã (DNP) đã vào cuộc giải cứu những con hổ trong chùa vì cho rằng chúng bị ngược đãi, theo Bangkok Post.
Ngôi chùa ở phía tây Bangkok từng là điểm thu hút khách du lịch với hàng trăm con hổ được nuôi nhốt. Tới đây, khách du lịch có thể chụp ảnh với "chúa tể rừng xanh" và phải trả một khoản phí cho nhà chùa.
Đến năm 2016, dưới áp lực của các tổ chức quốc tế, chính quyền đã tịch thu 147 con hổ khỏi chùa và đưa đến hai khu bảo tồn động vật hoang dã do nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, kể từ đó, 86/147 con hổ đã chết với nguyên nhân được cho là giao phối cận huyết khiến chúng có hệ miễn dịch kém, dễ nhiễm các bệnh nguy hiểm, theo các quan chức bảo tồn động vật hoang dã.
Nhà sư chơi đùa cùng hổ tại chùa Wat Pha Luang Ta Bua, Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Thế nhưng, Athithat Srimanee, người chăm sóc hổ của chùa Wat Pha Luang Ta Bua, phủ nhận những nguyên nhân nói trên.
"Chúng không chết vì giao phối cận huyết. Khi chính quyền đến chùa bắt hổ ba năm trước, họ không nói gì về việc lây nhiễm bệnh, vì vậy đây chỉ là một trò đổ lỗi", ông Athithat Srimanee nói với Reuters, đồng thời cáo buộc các nhà chức trách nhốt đàn hổ trong những chiếc lồng quá nhỏ.
"Ở chùa, dù thiếu kiến thức chuyên môn, chúng tôi vẫn dùng cái tâm để cho lũ hổ được sống trong không gian rộng chứ không phải trong chuồng", ông khẳng định.
Chính quyền Thái Lan hôm 16/9 vẫn khẳng định rằng những con hổ được chăm sóc cẩn thận tại các khu bảo tồn của chính phủ. Họ cho rằng chúng mắc các bệnh lây lan vì giao phối cận huyết đã phá hủy hệ thống miễn dịch.
"Yếu tố di truyền học khiến cho cơ thể của lũ hổ yếu đi và dễ bị nhiễm bệnh", Pattarapol Maneeorn, bác sĩ thú y cho cơ quan quản lý Công viên Quốc gia, nói tại cuộc họp báo.