Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chụp ảnh 'selfie' cùng động vật hoang dã sẽ có hại cho chúng

Các nhà nghiên cứu ở New Zealand cho rằng việc chụp ảnh tự sướng cùng các loại động vật hoang dã sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tập quán sinh sản và sinh hoạt của chúng.

Theo Guardian, cảm giác lo lắng là thứ bao trùm một hội nghị quốc tế về chim cánh cụt ở New Zealand. Bên cạnh những cuộc thảo luận nghiêm túc về sự nguy hiểm của khủng hoảng khí hậu và thu hẹp môi trường sống tự nhiên, một vấn đề khác cũng khiến các chuyên gia quan tâm đó là xu hướng chụp ảnh selfie cùng các loại động vật hoang dã, khi nghiên cứu cho thấy hành động này có ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của chúng.

"Chúng ta đang mất đi sự tôn trọng dành cho cuộc sống hoang dã, chúng ta không hiểu gì về nó hết", giáo sư Philip Seddon, giám đốc chương trình bảo vệ động vật hoang dã của Đại học Otago, cho biết.

Phát biểu trước hội nghị, ông Seddon cho rằng bình thường hóa việc chụp ảnh với các loài động vật hoang dã là "đáng lo ngại" và có thể gây hại cho chúng. Những tác hại có thể xảy ra bao gồm gây căng thẳng về thể chất và tinh thần, làm gián đoạn thói quen ăn uống và sinh sản, và thậm chí có khả năng làm giảm tỷ lệ sinh.

Selfie cung dong vat anh 1
Việc chụp ảnh cùng các loài động vật hoang dã trong điều kiện nuôi nhốt hoặc giam cầm bị lên án bởi các chuyên gia và tổ chức bảo vệ động vật. Ảnh: World Animal Protection.

"Vấn đề đối với việc chụp ảnh cùng động vật là những hình ảnh không có bối cảnh cụ thể, vì vậy ngay cả khi thông điệp của bức ảnh là kêu gọi bảo tồn, thông điệp đó cũng bị mất đi và tất cả những gì mọi người nhìn thấy chỉ là hình ảnh đáng yêu của ai đó đang ôm một chú chim cánh cụt, rồi ai cũng sẽ muốn làm thế", ông Seddon cho biết.

Giáo sư Seddon nghiêm túc về điều này tới mức đã cấm các sinh viên của mình đăng tải hình ảnh selfie cùng động vật của họ khi nghiên cứu và làm việc, sợ rằng những bức ảnh sẽ được đưa ra ngoài bối cảnh và góp phần vào sự gia tăng trào lưu chụp ảnh cùng động vật hoang dã trên mạng xã hội.

Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới đã thống kê cho một báo cáo năm 2017 và phát hiện số lượng ảnh selfie cùng động vật trên Instagram đã tăng 292% trong giai đoạn từ năm 2014-2017. 40% những bức ảnh này được xác định là "selfie không tốt" - trong đó người chụp có tác động cưỡng ép tới một loài động vật hoang dã.

"Selfie tốt" với động vật hoang dã được xác định là những bức ảnh mà người chụp không tiếp xúc với các con thú, và chúng không bị giam cầm hoặc xiềng xích để phục vụ mục đích chụp ảnh.

Philippa Agnew, nhà quản lý khoa học và môi trường tại Khu Bảo tồn Xanh cho Chim cánh cụt tại Oamaru, ở bờ biển phía đông đảo Nam New Zealand, cho biết việc chụp ảnh cùng chim cánh cụt đã có tác động tiêu cực rõ rệt với loài vật này, vì vậy khách du lịch tới khu bảo tồn bị cấm mang theo các thiết bị điện tử.

Bà Agnew nói rằng những khách du lịch đến thăm Oamaru thường xuyên chặn các chú chim cánh cụt đang di chuyển từ biển vào bờ để chụp ảnh selfie, hoặc đuổi theo chúng và cố gắng nhấc chúng lên. Sự quấy rầy kiểu này, theo bà Agnew có thể vô tình ngăn cản các con trưởng thành đang trên đường mang thức ăn về tổ cho con chúng.

Bị nhốt làm thú cưng trong dinh thự Arab, loài báo bên bờ tuyệt chủng

Bị nuôi nhốt trong những biệt thự ở vùng vịnh Arab, những con báo được buôn lậu từ châu Phi thường không sống sót nổi sau 2 năm, càng đẩy loài vật này tới bờ vực tuyệt chủng.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm