Vài ngày trở lại đây, các trang mạng xã hội tràn ngập phàn nàn về mẫu điện thoại Pixel 2 XL cao cấp nhất của Google. Pixel 2 XL gặp hai lỗi khó chịu nhất liên quan tới màn hình: lệch màu và burn-in.
Burn-in là hiện tượng ảnh ma (ảnh vẫn lưu lại trên màn hình khi đã tắt ứng dụng), còn lệch màu là lỗi hiển thị màu không đồng nhất. Lỗi này chỉ xuất hiện trên mẫu điện thoại Pixel 2 XL.
Lỗi burn-in trên màn hình Pixel 2 XL để lại bóng mờ của thanh điều hướng phía dưới. |
Ngoài hai lỗi trên, một số người dùng còn phàn nàn về âm thanh lạ phát ra từ Pixel 2 XL và Pixel 2.
Ngay khi mua về, người dùng Pixel 2 XL đã để ý tới nhiệt độ màu không đồng nhất, dễ nhận thấy khi xem nội dung trên nền trắng.
Nếu nhìn thẳng, màn hình Pixel 2 XL cho màu ấm, nhưng chỉ cần nghiêng màn hình, lập tức nhiệt độ màu thay đổi sang hơi xanh. Hiện tượng này chỉ thấy xuất hiện trên mẫu Pixel 2 XL 6-inch. Chưa thấy trường hợp Pixel 2 (5-inch) nào phản ánh về lỗi này.
Nguyên nhân có thể nằm ở màn hình OLED sử dụng cho Pixel 2 XL. Trong khi Pixel 2 do HTC sản xuất và sử dụng công nghệ màn hình AMOLED của Samsung, thì Pixel 2 XL được LG đảm nhiệm và sử dụng công nghệ P-OLED của chính hãng này.
Trong khi đó, lỗi burn-in có vẻ trầm trọng hơn mặc dù phải để ý kỹ mới thấy. Nó giống hiện tượng ảnh “ma” vẫn lưu lại trên màn hình khi đã tắt ứng dụng.
Cả hiện tượng lệch màu và burn-in đều là lỗi khó chịu không ai muốn có. Trong khi lỗi âm thanh lạ giống như tiếng kêu tíc tắc của đồng hồ, có thể nghe rõ khi để điện thoại gần tai.
Lỗi âm thanh lạ xuất hiện trên cả hai mẫu smartphone mới nhất của Google. |
Một số người dùng khác còn phàn nàn nghe thấy tiếng ồn rất to, giống như tiếng gió rít trong khi sử dụng điện thoại. Tiếng ồn này phát ra liên tục, đôi khi còn nghe giống tiếng bíp hay tiếng click chuột.
Lạ ở chỗ tiếng ồn lạ trên không xuất hiện khi tắt màn hình hoặc khi dùng tai nghe. Đã có hơn 100 người phàn nàn về lỗi này trên diễn dàn của Google.
Màn hình OLED: Hiện đại nhưng 'hại điện'
Mặc dù ưu việt hơn màn hình LCD truyền thống như mỏng hơn, tốn ít năng lượng, sáng hơn, màu sắc sống động hơn và màu đen sâu, nhưng màn hình OLED cũng có điểm yếu riêng. Và burn-in chính là một trong số những điểm yếu của màn hình OLED.
Ngay cả nhà sản xuất màn hình OLED lớn nhất thế giới, Samsung, cũng chưa tìm ra cách hoàn thiện công nghệ màn hình này.
Màn hình Super AMOLED dùng cho Galaxy S8 và Note 8 được xếp vào hạng màn hình sáng nhất cho thiết bị di động cũng rất dễ dính lỗi burn-in.
Để ngăn chặn burn-in xuất hiện trên nút home ảo, Samsung đã lập trình nút này di chuyển vài pixel mỗi giây. Tuy đây không phải giải pháp hoàn hảo nhưng thủ thuật này cũng giúp giải quyết vấn đề.
Chiếc iPhone X sắp ra mắt của Apple sẽ không gặp tình trạng burn-in trên nút home bởi đơn giản đã loại bỏ chi tiết này.
Có vẻ lỗi burn-in chỉ xuất hiện trên lô hàng Pixel 2 XL nhất định. Google cho biết đang điều tra tìm ra nguyên nhân.
Ngoài các lỗi khó chịu, bộ đôi Pixel 2 và Pixel 2 XL có camera được đánh giá rất cao. |
Xét về công nghệ, màn hình OLED của LG kém hơn đối thủ Samsung. Ngay cả chiếc LG V30 dùng màn hình OLED cũng có màu không đồng nhất. Vậy nên sự cố với Pixel 2 XL được cho là liên quan tới công nghệ màn hình gốc.
Khi lựa chọn màn hình OLED cho iPhone X, Apple cũng chọn Samsung chứ không chọn LG. Tất nhiên, Apple thừa kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật để đưa ra quyết định này.
Thêm vào đó, lỗi burn-in đã xuất hiện trên những chiếc smartphone dùng màn hình OLED do LG sản xuất nhiều năm qua. Chiếc LG G Flex đầu tiên sử dụng màn hình OLED dẻo cũng gặp hiện tượng này.
Chưa biết Google sẽ xử lý thế nào nhưng sự việc đang dần mất kiểm soát và lan rộng. Nhiều người thậm chí còn nghĩ tới kịch bản Google buộc phải triệu hồi Pixel 2 XL và Pixel 2, như Samsung từng làm với Galaxy Note 7 trước đây.
Tất cả đều phụ thuộc vào Google. Hãng này có thể làm ngơ như lỗi nhỏ, hoặc triệu hồi toàn bộ và chấp nhận doanh số kém.
So với Apple hay Samsung, Google mới chỉ là tay mơ, chập chững trên con đường xây dựng thương hiệu smartphone riêng. Sau sự cố này, gã khổng lồ Internet có thể nhận ra rằng để sản xuất được chiếc điện thoại “ra hồn” không phải chuyện đơn giản.