Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chưa kịp mừng đã lo thất nghiệp

Với vẻ mặt buồn thiu, chị Nguyễn Thị Hương, công nhân một công ty may nằm trên phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, cho hay mấy tháng nay, chị không “được” làm tăng ca.

“Những năm trước công ty làm ăn tốt nên tổng thu nhập của tôi cũng được 5-6 triệu đồng/tháng nhưng giờ thì chỉ còn khoảng 4 triệu đồng/tháng”, chị Hương nói.

Đề cập đến chuyện tăng lương tối thiểu thời gian gần đây, chị Hương tỏ ra khá suy tư: “Tôi được giải thích là nếu lương tối thiểu tăng thì sau này lương hưu sẽ ở mức cao nhưng thực tế, mỗi lần tăng lương tối thiểu, tôi chỉ thấy tổng thu nhập của mình giảm đi, trong khi trước mắt còn bao chuyện phải chi tiêu”.

Với những doanh nghiệp có số lượng công nhân đông đảo trong ngành may mặc, việc tăng lương tối thiểu khiến họ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Khuê.

Trong khi đó, giám đốc công ty may nơi chị Hương làm việc đứng ngồi không yên khi nghe năm nay tiền lương tối thiểu có thể tăng hơn 10%. Theo tính toán của vị giám đốc này, lương tối thiểu vùng năm 2015 tăng gần 15% đã khiến chi phí đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động và kinh phí công đoàn của công ty tăng lên tới 35% so với năm 2014. “Nếu lương tối thiểu năm nay tăng hơn 10% nữa thì sẽ là cú sốc lớn với doanh nghiệp. Chắc chúng tôi đành phải giảm bớt số lao động trong bối cảnh cạnh tranh đơn hàng gia công ngày càng gay gắt”, vị giám đốc này nói.

Tăng lương tối thiểu là cần thiết nhưng tăng bao nhiêu để doanh nghiệp có thể chịu được là một câu hỏi không hề dễ đối với Hội đồng tiền lương quốc gia.

Ông Lê Nho Thướng, Phó chủ tịch Công đoàn dệt may Việt Nam, nơi đại diện cho tiếng nói của người lao động, cho rằng nếu tăng lương tối thiểu ở mức 15% thì các doanh nghiệp dệt may ở vùng 1 và vùng 2 chắc chắn sẽ... chết, chỉ doanh nghiệp ở vùng 3 và 4 có thể sống được. Song, lao động ở những vùng này tay nghề kém cộng với đường sá xa xôi thì nước ngoài họ cũng không đặt hàng gia công. “Như vậy doanh nghiệp ở vùng 3 và 4 cũng sẽ sống lay lắt”, ông Thướng nói.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho hay hiện nay công ty ông trả đã trả từ 6-7 triệu đồng/lao động/tháng, cao gấp đôi lương tối thiểu. Nếu càng tăng lương tối thiểu thì thu nhập của người lao động càng giảm vì trong tổng số 32,5% các loại phí bảo hiểm thì người lao động phải gánh 10,5%.

Nói về mức tăng lương hơn 16% như đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ), ông Dương cho rằng đây sẽ là “thảm họa” đối với doanh nghiệp. Theo phân tích của ông, đối với ngành dệt may, nếu doanh thu gia công được một đô la Mỹ, doanh nghiệp dành ra 60% để chi lương, 12% chi cho tiền ăn ca và bảo hiểm cho người lao động. “Riêng hai khoản này đã chiếm tới 72%, nếu tăng lương lên 16,8% thì chắc chắn doanh nghiệp không chịu nổi, phá sản, người lao động chưa kịp vui vì lương tăng thì đã thất nghiệp”, ông Dương nói.

Đề cập tới những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay liên quan đến việc tăng lương tối thiểu, ông Lê Trọng Sang, đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Đoàn Chủ tịch - Trưởng ban Quan hệ lao động, TLĐLĐ, nói đấy là những tính toán của doanh nghiệp.

 Còn phía TLĐLĐ cho rằng năm nay kinh tế đã khởi sắc hơn, số doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động sản xuất tăng, số doanh nghiệp phá sản giảm thì không lý gì lại không tăng lương cho người lao động, ít ra cũng bằng năm ngoái. 

“Năm nay chúng ta ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều cơ hội xuất khẩu hơn cho các doanh nghiệp, tại sao doanh nghiệp chỉ nhìn vào mặt trái của vấn đề để không tăng lương cho người lao động”, ông Sang nói.

Tác động ba chiều của tăng lương tối thiểu vùng

Bất kỳ một giải pháp kinh tế nào nếu quá mức sẽ mang lại những hệ lụy. Nhà nước cần cân nhắc kỹ việc tăng và mức độ tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016.

http://www.thesaigontimes.vn/134871/chua-kip-mung-da-lo-that-nghiep.html/

Theo Thùy Dung/ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm