Tại hội thảo diễn ra tại FLC Thanh Hóa, câu hỏi việc liệu Bamboo Airways, công ty con của tập đoàn FLC, mua lượng lớn máy bay với hai hợp đồng tổng giá trị 8,6 tỷ USD có phải là mạo hiểm đã được nêu ra.
"Cung cấp số lượng máy bay ít, chúng tôi cũng sẽ chết yểu"
Cụ thể, dù chưa được cấp phép bay và chưa khai thác thử, đại gia này đã ký hợp đồng mua tổng cộng 44 máy bay từ 2 hãng Airbus và Boeing. Các chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng các hợp đồng này "táo bạo đến liều lĩnh" và "đầy rủi ro", có thể khiến FLC phơi thân trong nợ nần.
Nói tại hội thảo, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC và Bamboo Airways, tự tin "không có lý do gì để FLC không hiệu quả".
Ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Bizlive. |
Ông Quyết giải thích đến 2019 - 2020 FLC có trên 20 quần thể nghỉ dưỡng. "Với sự chuẩn bị hạ tầng du lịch thì tôi rất tâm đắc với cặp song sinh du lịch - hàng không. Bamboo Airways có đường hướng riêng để phát triển. Trước đây hạ tầng du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng đã mang lại hiệu quả cho hãng khác", ông Quyết nói.
Ông cho rằng trước đây một số hãng hàng không ở Việt Nam chết yểu vì họ chỉ bay vài ba chiếc, trong khi đó Bamboo Airways sẽ bay ngay 20 máy bay trong năm 2018.
"Nếu cung cấp số lượng ít, chúng tôi cũng sẽ có thể chết yểu cũng như các hãng hàng không khác", vị đại gia bất động sản vừa tham gia lĩnh vực hàng không nói.
Theo ông chủ của hãng hàng không còn đang chờ giấy phép này, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng 20 máy bay về Việt Nam, cả thuê khô (chỉ thuê máy bay) và thuê ướt (thuê máy bay bao gồm dịch vụ đi kèm).
"Bước vào lĩnh vực mới, chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo. Chưa có hãng hàng không nào chuẩn bị chu đáo như FLC. Năm 2019, chúng tôi tiếp tục cho về Việt Nam khoảng 20 đến 30 máy bay nữa. Chúng tôi muốn để cho du khách cũng như người dân không cần phải lo về khả năng thiếu chỗ", ông Quyết nói.
Vị này cũng tự tin về quản trị, doanh nghiệp của ông "sẵn sàng sánh ngang với các hãng lớn trên thế giới".
"Hàng không 5 sao với giá vé chưa tới 1 sao"
Chủ tịch của hãng bay mới cho biết thời gian đầu hãng sẽ tập trung vào những tuyến TP.HCM - Quy Nhơn hoặc Hà Nội - Quy Nhơn, sau đó có thể là Vân Đồn - Quảng Bình, Vân Đồn - Quy Nhơn hoặc Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Cần Thơ ...
Ông cho rằng việc vận hành những đường bay này sẽ vừa kết nối các điểm nghỉ dưỡng của FLC, vừa giảm tải cho tuyến bay "vàng" Hà Nội - TP.HCM bởi thay vì phải bay trên tuyến này để tới điểm đến thứ ba, hành khách có nhu cầu có thể bay thẳng.
Vị đại gia này khẳng định Bamboo Airway sẽ là "hãng hàng không 5 sao, nhưng giá vé chưa đến 1 sao. Ví dụ nếu nghỉ ở Thanh Hóa, thì từ Sài Gòn ra chúng tôi chỉ tính tiền phòng, không tính tiền vé".
Ông Quyết khẳng định Bamboo Airways sẽ là "hãng hàng không 5 sao, giá vé 1 sao". Ảnh: FLC. |
Liên quan đến giấy phép bay của Bamboo Airways, vị này cũng cho biết phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Doanh nghiệp vẫn đang làm việc với Cục Hàng không của Bộ Giao thông Vận tải và làm các quy trình cần thiết để cấp phép...
"Sự chuẩn bị cần vài tháng, nhanh nhất ngày 10/10 có chuyến bay đầu tiên. Trước khi bay cần bay thử nghiêm ngặt với đầy đủ cơ quan xét duyệt", ông Quyết chia sẻ.
Trước đó, Bamboo Airways đã tuyên bố sẽ mở bán vé từ ngày 2/9 và có chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 10/10, dù chưa có giấy phép kinh doanh hàng không từ Cục Hàng không (Bộ GTVT).