Ngày 4/8, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã có văn bản gửi Hội đồng thẩm định Nhà nước làm rõ một số nội dung của dự án sân bay Long Thành.
Mô hình dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Internet |
Báo cáo cho rằng: Ở các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, cần đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, điểm mạnh, điểm yếu của Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi phải cạnh tranh trực tiếp với các cảng hàng không trung chuyển đã có trong khu vực nhằm đạt mục tiêu và hiệu quả đầu tư dự án. Trên cơ sở đó, xem xét lại quy mô và nội dung đầu tư các giai đoạn sau.
Dự án sân bay Long Thành có quy mô dự án được ACV đề xuất là 5.000ha, có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
ACV giải trình tính hợp lí của lựa chọn quy mô công suất trên là: Theo dự báo, đến năm 2030 lượng khách hàng không thông qua khu vực TP.HCM đạt trên 50 triệu khách/năm. Đến năm 2045 sẽ đạt khoảng 75-80 triệu khách/năm và sẽ tiếp tục tăng trưởng sau đó. Do đó việc xác định quy mô sân bay Long Thành nhỏ sẽ dẫn đến những bất cập sau này.
“Khi lượng hành khách tăng đòi hỏi phải tiến hành nghiên cứu, xem xét quy hoạch đất đai để mở rộng sân bay, điều này là lặp lại tình trạng hiện nay đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Mức công suất 100 triệu hành khách/năm được đánh giá là phù hợp trong quan hệ so sánh với công suất của các sân bay khu vực và mức độ hành khách đạt được của một số sân bay trên thế giới” – ACV lập luận.
Tuy nhiên việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với quy mô như dự kiến hiện vẫn còn có những ý kiến chưa đồng tình.
Theo ý kiến của chuyên gia phản biện, cảng hàng không Chek Lap Kok (Hồng Kông) chỉ rộng 1.255 ha mà từ năm 2010 đã đón nhận hơn 50 triệu hành khách/năm, đứng thứ ba thế giới. Còn cảng hàng không Changi (Singapore) chỉ rộng 1.300 ha mà vẫn đứng hàng thứ 7 thế giới, năm 2010 đón nhận hơn 42 triệu hành khách. Do đó thuyết minh về quy mô đầu tư của dự án cần phải sâu sắc và có thuyết phục hơn nữa.
Bên cạnh đó, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu tại văn bản ngày 24-7-2014 đã đề xuất nên thu hẹp diện tích xây dựng còn khoảng 4.500 ha.
Suất đầu tư vẫn cao hơn mặt bằng chung
Dự kiến cơ cấu nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án gồm: vốn ngân sách Nhà nước và ODA là hơn 4 tỷ USD, vốn từ các nguồn khác là trên 3,8 tỷ USD. Như vậy tổng đầu tư dự án giai đoạn 1 là trên 7,8 tỷ USD.
Liên quan đến mức chuẩn xác của tổng mức đầu tư, báo cáo cho thấy một số suất đầu tư được lập tương đối cao so với mặt bằng hiện tại, hạng mục sân đường khu bay, suất đầu tư tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành cao hơn mức chung của các dự án đã thực hiện.
“Tuy nhiên nếu xét đến yếu tố trượt giá, chi phí xây dựng được ước tính trên cơ sở chất lượng cao và còn các bước tiếp theo để chính xác hóa với các thông số kĩ thuật cụ thể, việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư ở giai đoạn này như vậy là chấp nhận được” – báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước đánh giá.
Qua xem xét các ý kiến, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành dự án cho rằng: Có thể xem xét chấp thuận sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án như ước tính tại Báo cáo đầu tư. Ở các bước nghiên cứu tiếp theo, sau khi có số liệu khảo sát và thiết kế cụ thể, cần tính toán và chuẩn xác tổng mức đầu tư của dự án, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả đầu tư của dự án.
Sau khi được bổ sung và giải trình, Báo cáo đầu tư Dự án đã làm rõ thêm một số vấn đề chính được đề cập trong quá trình thẩm định, về cơ bản đã đáp ứng các nội dung theo quy định ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.
Do đó, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án và các nội dung chính của dự án như trình bày trong Báo cáo đầu tư. Trong giai đoạn triển khai lập dự án, sau khi có đầy đủ các số liệu khảo sát, điều tra cụ thể với độ chính xác cần thiết thì dự án cần bổ sung tính toán chi tiết hơn, nhằm chuẩn xác tổng mức đầu tư của dự án và các nội dung khác.