Theo nghiên cứu của HSBC, chi tiêu xa xỉ phẩm ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức gấp đôi tỷ lệ chung của toàn cầu do giá cả hợp lý và dịch vụ mua sắm trực tuyến.
Báo cáo chi tiêu trong nước đối với các mặt hàng xa xỉ ước tính sẽ tăng 12% trong năm nay, gấp đôi mức trung bình toàn cầu 6%, ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng vừa phải.
Người Trung Quốc từng xếp hàng dài trước các cửa hàng bán đồ xa xỉ trong các chuyến đi du lịch nước ngoài. Ảnh Reuters |
Thủ đô Bắc Kinh đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% của năm ngoái xuống còn 6 đến 6,5% năm nay do những biến động của nền kinh tế bao gồm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nợ cao và chủ trương siết chặt tài chính đối với các doanh nghiệp tư nhân. Nền kinh tế hơn một tỷ dân này trong năm 2018 chỉ tăng trưởng ở mức 6,6%, tốc độ thấp nhất trong gần ba thập kỷ qua. Mặc dù vậy, các xu hướng tiêu dùng hiện tại cho thấy các sản phẩm xa xỉ được mua trong nước sẽ chiếm một nửa trong tổng số hàng xa xỉ của người tiêu dùng.
Các chuyên gia kinh tế của bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng và bán lẻ của HSBC tin rằng tỷ lệ mua hàng xa xỉ ở nước ngoài so với trong nước sẽ thay đổi từ 75-20 trong những năm trước xuống cân bằng 50-50 trong vòng 12-24 tháng tới.
Đối với người Trung Quốc đại lục, mua sắm khi đi du lịch nước ngoài không còn là cách chi tiêu thông thái bởi giá cả hàng xa xỉ đã dần trở nên cân đối so với giá ở nước ngoài. Theo tính toán của ngân hàng này, chênh lệch giá hàng hóa xa xỉ nội địa và quốc tế từng ở mức 38% trong năm 2015 đã giảm xuống còn 22% vào tính đến tháng 9 năm 2018.
Ví dụ một chiếc túi xách Chanel trong các cửa hàng ở Pháp và Italy có giá 5.800 EUR (150.866.000 đồng) thì ở Trung Quốc có giá 48.300 NDT (166.690.000 đồng).
Vào tháng 3, Bắc Kinh tuyên bố sẽ cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 16% xuống còn 13% trong năm nay. Kế hoạch giảm thuế tiêu thụ này của chính phủ Trung Quốc hứa hẹn sẽ khiến giá xa xỉ phẩm ở đây tiếp tục giảm.