Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chưa bỏ trần lãi suất huy động trong năm 2013

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ 2013, trong đó nhấn mạnh chưa bỏ trần huy động tiết kiệm.

Chưa bỏ trần lãi suất huy động trong năm 2013

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ 2013, trong đó nhấn mạnh chưa bỏ trần huy động tiết kiệm.

Lãi suất

Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2013 sẽ điều hành các lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát. Nếu lạm phát 2013 thấp hơn 2012, lãi suất sẽ được điều hành theo hướng tiếp tục giảm. Năm 2013, thị trường vẫn có trần lãi suất tiền gửi, vì đây là giải pháp để ổn định thị trường. Ngân hàng Nhà nước chỉ xem xét bỏ yếu tố này khi thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản các ngân hàng được cải thiện vững chắc. Để hỗ trợ thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở (OMO), cho vay tái cấp vốn với khối lượng, lãi suất, thời hạn hợp lý, cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ giải quyết nợ xấu và thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Cho vay

Mục tiêu tăng trưởng cho vay trong năm 2013 vẫn là khoảng 12%, song Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, sẽ linh hoạt theo diễn biến thực tế. Các lĩnh vực không khuyến khích (trong đó có chứng khoán, bất động sản) sẽ không bị kiểm soát tỷ trọng cho vay. Cơ quan này cũng sẽ phối hợp với Bộ xây dựng ban hành, hướng dẫn quy chế cho vay mua nhà ở xã hội theo các đối tượng phù hợp với chỉ đạo.

Các lĩnh vực được tập trung vốn vẫn là xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về hoạt động tín dụng để kiểm soát hoạt động cho vay của các ngân hàng, hạn chế rủi ro.

Tỷ giá - Giá vàng

Thị trường ngoại hối năm 2013 được điều hành linh hoạt theo tín hiệu, phù hợp quan hệ cung cầu ngoại tệ, cân đối vĩ mô, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp các bộ ngành để tìm biện pháp tăng dự trữ ngoại hối, xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục tình trạng đôla hóa nền kinh tế.

Thị trường vàng tiếp tục được tổ chức, sắp xếp, chuyển từ quan hệ huy động cho vay bằng vàng sang mua bán. Đến khi thị trường vàng miếng ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia thị trường với vai trò người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường, đảm bảo sự lưu thông và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước bằng vàng.

Tái cơ cấu ngân hàng

Trong năm 2013, thực trạng tài chính, chất lượng tín dụng, những yếu kém, hạn chế của từng ngân hàng vẫn tiếp tục được đánh giá. Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, sẽ triển khai đồng bộ các quy định liên quan đến an toàn hoạt động như phân loại tài sản, trích lập dự phòng rủi ro… Việc này sẽ giúp hình thành nên các chuẩn mực an toàn cao hơn để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro, nhất là rủi ro phát sinh mang tính lợi ích nhóm, sở hữu chéo. Đồng thời, việc tạo các chuẩn mực mang tính định lượng như vậy cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các ngân hàng yếu kém không thể tự tái cơ cấu và những cán bộ lãnh đạo có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, điều hành.

Đề án xử lý nợ xấu, thành lập và đưa vào hoạt động công ty quản lý tài sản, giám sát, theo dõi chặt chẽ các phương án tái cơ cấu ngân hàng đã được phê duyệt trong năm 2012 và đảm bảo thực hiện đúng lộ trình trong năm 2013 cũng là kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Còn một ngân hàng yếu kém đang chờ phê duyệt phương án tái cơ cấu

Về việc xử lý 9 ngân hàng yếu kém trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiến trình đã cơ bản đạt được mục tiêu, lộ trình đề ra là “tập trung đảm bảo khả năng chi trả của hệ thống và xử lý ngân hàng yếu kém” với thành công bước đầu là giảm được 3 nhà băng yếu kém thông qua sáp nhập, hợp nhất.

Đã có 8/9 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước trình xin ý kiến Thủ tướng về phương án cơ cấu lại. Có 3 ngân hàng hợp nhất với nhau, 1 đã sáp nhập vào ngân hàng khác, 3 đang tự cơ cấu lại và 1 sẽ hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác. 1 ngân hàng còn lại có phương án trình lên Ngân hàng Nhà nước và cơ quan này đã trình Chính phủ chờ phê duyệt.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng kiềm chế nợ xấu tăng, thu hồi nợ đến hạn, chủ động xử lý nợ xấu phù hợp quy định. Do đó, nợ xấu tăng chậm đáng kể. Quý I/2012, mức tăng phổ biến là hơn 8%/tháng, thì từ tháng 6/2012 đến nay bình quân tăng 2%. Số nợ xấu các ngân hàng xử lý ước đạt 45.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng có biểu hiện kém an toàn, vi phạm pháp luật, chưa được thanh tra trong 3 năm gần đây sẽ lọt vào “tầm ngắm” của thanh tra trong năm 2013.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm