2013 - Năm xử lý hậu quả của ngành ngân hàng
Xử lý nợ xấu, sắp xếp, tái cấu trúc hệ thống… là những nhiệm vụ cấp bách được đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm 2013.
Tại Hội thảo đánh giá bức tranh toàn cảnh hoạt động ngân hàng năm 2012 và khuyến nghị cho năm 2013 diễn ra sáng nay, các chuyên gia đã mổ xẻ nhiều vấn đề của ngành ngân hàng trong suốt 1 năm qua. Nổi bật trong năm 2012 là vấn đề nợ xấu, và đây cũng là nhiệm vụ được đặt ra trong năm 2013, bên cạnh các nội dung khác như sáp nhập, mua bán ngân hàng, doanh nghiệp, hạ lãi suất hay sắp xếp, tái cấu trúc hệ thống…
Nhắc lại nợ xấu năm 2012, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, có những ngân hàng nợ xấu chỉ 2-3% song cũng không ít ngân hàng chỉ số đã lên tới 40% (chủ yếu tập trung ở 5-7 ngân hàng). Về ý kiến cho rằng nên thay đổi khái niệm “nợ xấu”, ông Nghĩa cho rằng, đây chỉ là vấn đề câu chữ, thực tế, không thể nói “nợ xấu” mà tất cả mọi người đều nghĩ nó là xấu.
Về xử lý nợ xấu, chuyên gia này cho biết thực tế sẽ phức tạp hơn nhiều so với kịch bản dự kiến. Thực tế, con số trích lập dự phòng rủi ro 75.000 tỷ đồng nhưng có những ngân hàng nợ xấu lớn mà không trích lập bằng các đơn vị nhỏ hơn và chỉ nói đến số các nhà băng có nợ xấu lên tới 40%, thì mọi tính toán về xử lý “cục máu đông” này đều trở nên vô nghĩa. Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa đề xuất cần kiểm soát lại hoạt động quản trị rủi ro, doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại, đặc biệt những nhà băng đi lên từ nông thôn.
Vấn đề của năm 2011 là thanh khoản thì sang đến năm 2012 là nợ xấu. Còn năm 2013 là xử lý hậu quả. |
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN) nhận định, tốc độ tăng nợ xấu năm nay ở mức kỷ lục, ước cả năm tương đương 2008, khoảng trên 70%. Về lợi nhuận, năm nay đa số các ngân hàng giảm 30-60% và nếu tính sâu hơn, một số ngân hàng nhỏ nợ quá hạn 40% thì không còn lợi nhuận. Ông Lực cho biết, câu chuyện năm 2013 sẽ là năm của xử lý nợ xấu, tiếp tục tái cơ cấu, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và ngân hàng, thanh lọc hệ thống. “Ung thư phải cho chết thôi, nếu để sẽ di căn”, ông Lực nêu ý kiến về việc sắp xếp lại hệ thống các ngân hàng thương mại.
Ngoài nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho biết nhiệm vụ 2013 nên tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất song không nên áp dụng trần lãi suất cho vay. Về việc cho hoạt động lại ngân hàng nông nghiệp nông thôn, ông Ánh nêu quan điểm, đã có quá nhiều kinh nghiệm và bài học về phân bổ tín dụng và mảng nông nghiệp nông thôn gần như được hưởng ít lợi ích do đó cần cân nhắc lại ý kiến này. Còn về nợ xấu, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho biết, nhiều người nói tăng kỷ lục, song thực chất không tăng, mà do các năm trước chưa có tính toán hay đánh giá đầy đủ.
Ông Ánh nêu ý kiến, cần bóc tách việc sử dụng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào xã hội năm nay như thế nào để từ đó xác định cho năm sau; do đó nên tránh việc thống kê “tổng tín dụng”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu toàn hệ thống đến tháng 8/2012 ước gần 5%. Riêng trong lĩnh vực bất động sản, số liệu nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước tính đến hết tháng 10 khoảng 28.000 tỷ đồng.
Lan Anh
Theo Infonet