Thống đốc Nguyễn Văn Bình: '30 năm nay, nợ xấu đều có 2 số liệu'
Trả lời chất vấn về nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, 6 ngân hàng yếu kém báo cáo nợ xấu cao nhất 2,5%, nhưng thực tế, tỷ lệ này lên tới 30-60% tổng dư nợ.
Trong buổi trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều nay, ngoài câu hỏi liên quan đến vụ bắt bầu Kiên, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là sự chênh lệch giữa các số liệu báo cáo về nợ xấu. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, buổi giải trình là cơ hội tốt để ông tiếp thu lắng nghe ý kiến, giúp hoạt động ngân hàng tốt hơn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phùng Quốc Hiển về vấn đề nợ xấu, ông Bình chia sẻ, không phải đến ngày hôm nay mới phát sinh 2-3 số liệu nợ xấu, mà từ trước đến nay đều có. “Tôi làm 30 năm trong ngành, 30 năm đều có hai số liệu về nợ xấu. Trước kia, khi chưa hội nhập là 2, sau khi hội nhập, có các định chế tài chính vào Việt Nam thì là 3 số liệu, gồm số liệu ngân hàng báo cáo, của Ngân hàng Nhà nước và đánh giá của nước ngoài”, ông Bình nói.
Thống đốc cho biết, 2 số liệu về nợ xấu đã tồn tại từ 30 năm nay |
Ông Bình cũng thừa nhận, có hiện tượng ngân hàng, vì sợ ảnh hưởng đến mục tiêu và con số lợi nhuận mà trích lập dự phòng rủi ro thấp đi. Ông Bình cho biết, đã xử lý 6 ngân hàng yếu kém. Theo báo cáo, nợ xấu không ngân hàng nào cao hơn 2,5%; nhưng thực tế, khi cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước tìm hiểu kỹ, thì tỷ lệ nợ xấu lên tới 30%, thậm chí có nhà băng lên tới 60%. Do đó, số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố (8,6% đến hết quý I) là xác đáng và có cơ sở khoa học nhất, ông bày tỏ.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận thời gian vừa qua, các chế tài xử lý của cơ quan này chưa phát huy hiệu quả. Song việc thanh tra 9 tổ chức yếu kém, Ngân hàng Nhà nước đã bắt các đơn vị này phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
Về hiện tượng thâu tóm các ngân hàng diễn ra trên thị trường vừa qua, theo Thống đốc Bình, đúng là “có màu sắc”. Tuy nhiên, việc mua bán cổ phần ngân hàng nào đó diễn ra trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước chỉ biết sau khi chốt sổ. Dù thế, theo ông Bình, trong đề án tái cơ cấu toàn hệ thống, các ngân hàng được cho phép tự khắc phục nên sẽ tự tìm nhau, cùng thỏa thuận. Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương chia sẻ, trong thời gian qua, các vụ mua bán cổ phiếu của ngân hàng diễn ra nhiều, nhưng cơ quan này chưa phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Cơ chế hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng yếu kém cũng được ông Bình chia sẻ. Ông nói, đến nay chỉ riêng Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vẫn còn phải theo dõi vì còn nhiều sở hữu chéo lẫn nhau, còn 3 trong số 6 nhà băng yếu kém được thanh tra, sau khi được tái cấp vốn đã hoàn trả đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước chỉ sau 2 tháng. Ông cũng khẳng định, các nhà băng này không có cơ hội sử dụng vốn tái cấp vốn sai mục đích, vì Ngân hàng Nhà nước thành lập tổ giám sát chỉ cho sử dụng vốn vay đáp ứng chi trả cho người dân, nếu dùng không hết phải hoàn trả Ngân hàng Nhà nước.
Nợ xấu tính đến hết tháng 6, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ là 4,49% trên tổng dư nợ tín dụng. Còn số liệu từ cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, đến cùng thời điểm là 8,6%. Trả lời trước Quốc hội hôm 7/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, số nợ xấu toàn hệ thống đã tăng từ 6% đến 10%.
Trước phiên chất vấn của kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hôm nay, ông Bình cho biết, số liệu nợ xấu hết ngày 31/5 do các ngân hàng báo cáo là hơn 117.000 tỷ đồng, còn của Ngân hàng Nhà nước là trên 202.000 tỷ đồng. Trong khi các nhà băng cho biết tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 54.600 tỷ đồng, thì cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước nêu số liệu này là 125.800 tỷ. Nhóm ngân hàng cổ phần, báo cáo của các tổ chức lên Ngân hàng Nhà nước là 41.000 tỷ đồng, nhưng con số Thống đốc Bình công bố là 60.900 tỷ.
Trong buổi giải trình chiều nay, Thống đốc cũng công bố nợ xấu đến tính cuối tháng 6 của 5 ngân hàng quốc doanh. Theo đó, Vietinbank là 2,45%; Agribank là 6,14%; BIDV 2,52%; Vietcombank 3,55% và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long là 2,63%.
Lan ANh
Theo Infonet