Tiết lộ phương án cho 9 ngân hàng yếu kém
Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong số 9 ngân hàng yếu kém, còn 1 tổ chức đang xây dựng phương án, 1 nhà băng sẽ sáp nhập với tổ chức tín dụng khác.
Tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2012 và định hướng cho 2013, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, chính sách tiền tệ năm 2012 đạt được một số kết quả, dù năm 2011 có khó khăn. Lạm phát 2011 cao, thời điểm đó một số dự báo có thể lên trên 20% song kết quả cuối cùng vẫn trên 18%, cũng như mặt bằng lãi suất cao, đặc biệt là lãi suất cho vay, nguy cơ đổ vỡ hệ thống hiện hữu.
Bà Hồng cho biết trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được 8 kết quả khả quan trong điều hành chính sách tiền tệ, theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường. Các chỉ tiêu tiền tệ tăng trưởng hợp lý, trong đó tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 là 7%.
Tiếp đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cũng giảm mạnh so với cuối 2011, cụ thể với huy động giảm 3-6%, cho vay giảm 5-9%/năm. Dư nợ cho vay có lãi suất trên 15% chỉ còn 18,7%, giảm mạnh so với tỷ trọng tại thời điểm trước khi Thống đốc ban hành quy định.
Nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng bị đẩy lùi, thanh khoản được cải thiện. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, ổn định ở mức thấp so với mức lên tới 30%/năm của thời điểm cuối 2011. Trật tự, kỷ cương thị trường ổn định
Nợ xấu của các ngân hàng sau khi tăng mạnh, đến cuối năm dần được khống chế, xử lý từng bước. Đây cũng là nhiệm vụ được đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm 2013.
Tăng trưởng tín dụng khó khăn, bà Hồng khẳng định không phải do lãi suất, mà một số yếu tố bên ngoài như tồn kho tăng cao, nợ xấu tăng… Tuy vậy, vẫn có một số ngân hàng còn khó khăn thanh khoản và chưa thực hiện nghiêm quy định về trần lãi suất huy động.
Thận trọng, linh hoạt tiếp tục là xu hướng điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013, bà Hồng cho biết. Ngân hàng Nhà nước sẽ phấn đấu điều hành chính sách tiền tệ theo hướng kiểm soát lạm phát dưới 8%. Về tín dụng, việc kiểm soát tăng trưởng vẫn được tiếp tục thực hiện với các ngân hàng và định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 12% song sẽ có điều chỉnh dựa vào thực tế. Vốn tín dụng được ưu tiên cho các lĩnh vực ưu tiên, và bổ sung thêm cho nhu cầu vốn của. Tỷ trọng cho vay với lĩnh vực không khuyến khích cũng không còn bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát vào năm 2013.
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đồng thời thử nghiệm việc giao chỉ tiêu cho vay đối với từng ngân hàng theo các nhóm từ không được tăng trưởng đến mức tối đa 17%. Tuy nhiên, tình hình kinh tế suy giảm, cộng thêm việc tín dụng phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán) bị siết hơn trước, nợ xấu tăng…, đến cuối năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng này chỉ đạt chưa đầy một nửa.
Về tăng trưởng các chỉ tiêu, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối cho biết, tiền gửi VND của dân cư tăng 36%, tiền gửi USD giảm hơn 13%, tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ trên M2 giảm xuống dưới 13%, thị trường ngoại tệ tự do gần như không còn hoạt động.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, sự phát triển quá nhanh của hệ thống ngân hàng là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng gặp một số vấn đề như nợ xấu, yếu kém. Chi phí tái cơ cấu hệ thống, xử lý nợ xấu rất lớn, cần sự hỗ trợ.
Sau 12 tháng triển khai tái cơ cấu, ông Nghĩa cho biết, về xử lý thanh khoản, việc đảm bảo khả năng chi trả cho các ngân hàng đã được Ngân hàng Trung ương thực hiện tốt. Về xử lý 9 ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước cho biết, có 3 ngân hàng đã hợp nhất, một sáp nhập, 2 ngân hàng tự nguyện tái cơ cấu, hai ngân hàng trong đó có một ngân hàng đang được xây dựng phương án sáp nhập với ngân hàng khác. Theo thông tin từ Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, có duy nhất một ngân hàng đang được xây dựng phương án cuối cùng.
Lan Anh
Theo Infonet