Chiều 5/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020. Cuộc họp có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các bộ, ngành.
-
Nghiêm cấm lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết trong 2 phiên giao dịch 30 và 31/1, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, mất 45 điểm, tương đương khoảng 4,54%. Bà Mai đánh giá đây là mức giảm khá sâu do yếu tố cộng dồn sau kỳ nghỉ Tết. Ngoài ra cũng phần nào do ảnh hưởng tâm lý dịch bệnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết mức giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương nhiều nước châu Á, đặc biệt là những nước phát hiện người có nhiễm nCoV. Bộ Tài chính đang yêu cầu tích cực tuyên truyền ổn định tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời Ủy ban Chứng khoán yêu cầu công ty chứng khoán và 2 sở giao dịch báo cáo hàng ngày.
“Cấm lợi dụng dịch bệnh làm giá chứng khoán”, bà nói.
-
Cách ly 14 ngày với công dân về từ vùng dịch
Trả lời câu hỏi về bảo hộ công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết hiện ở Vũ Hán có 24 công dân Việt Nam, trong đó có 21 sinh viên và 3 người nhà. Và có 19 công dân muốn trở về Việt Nam. Thủ tướng đã chỉ đạo chặt chẽ và đã có phương án đón công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước.
Theo đó, Chính phủ giao cơ quan chức năng tổ chức đón công dân Việt Nam tại vùng dịch về với điều kiện cách ly tập trung 14 ngày. Việc cách ly đã giao Bộ Quốc phòng đảm bảo các điều kiện ăn ở, ngủ, nghỉ, truyền hình cho bà con xem thời sự. Đặc biệt, ở phía Bắc sẽ bố trí sân bay Vân Đồn, ở miền Nam và miền Trung mỗi nơi sẽ chọn 1 sân bay để đưa công dân về nước.
Theo người phát ngôn Chính phủ, cách ly tập trung là giải pháp tốt nhất, tích cực nhất tránh lây lan dịch corona, và Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị hết và sẵn sàng các phương án. Với công dân và lao động của Việt Nam sang Trung Quốc bạn làm việc, ông Dũng cho biết nếu có nguyện vọng về thì giao cho 7 tỉnh biên giới phối hợp Bộ Y tế, công an chuẩn bị các phương án.
Khi cách ly tập trung Bộ Quốc phòng chuẩn bị khu cách ly và cơ sở vật chất nhưng chuyên môn có Bộ Y tế hỗ trợ, không để công dân đi ra khỏi khu cách ly. “Chúng ta không đặt vấn đề đưa công dân về khi chưa đảm bảo”, ông Dũng nói.
-
Củng cố tài liệu để xem xét xử lý hình sự người tung tin sai về dịch corona
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc xử lý phát ngôn sai sự thật về bệnh dịch trên mạng xã hội với một số nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông được giao phối hợp với Bộ Công an để cùng phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp thông tin sai sự thật về dịch bệnh.
Qua nắm bắt từ các Sở TTTT và công an các tỉnh, ông Lâm cho biết việc xử phạt các cá nhân đăng tải thông tin sai được thực hiện rất quyết liệt. Ở Hà Nội, Công an huyện Thạch Thất đã triệu tập 1 cá nhân để xử phạt. Ở TP.HCM đang phối hợp với công an xử lý 17 trường hợp thông tin sai sự thật về dịch corona.
“Theo thông tin tôi nắm được thì Sở TTTT TP.HCM cũng quyết tâm xử lý trường hợp các nghệ sĩ thông tin sai mà dư luận và cơ quan báo chí phát hiện được, làm rõ trách nhiệm về tung và phát tán tin giả”, ông Lâm cho hay.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết Bộ đã chỉ đạo công an các địa phương vào cuộc xử lý theo quy định. “Đến nay đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu cam kết và gỡ bỏ thông tin sai. Cơ quan chức năng căn cứ vào các quy định trong Nghị định 174 của Chính phủ để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”, ông Quang thông tin.
Theo ông, công an đang tiếp tục làm rõ với 41 trường hợp không hợp tác để củng cố tài liệu, xử lý hình sự khi đủ điều kiện.
-
Đã tính đến gói hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương, cơ quan này đã xây dựng và tham mưu tới Chính phủ kịch bản phát triển kinh tế - xã hội mới, ứng phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Theo tính toán, nếu khống chế dịch trong quý I thì tăng trưởng năm 2020 sẽ là 6,27%. Nếu khống chế dịch trong quý II, tăng trưởng kinh tế dự báo giảm xuống còn 6,09%.
Bộ KHĐT kiến nghị trước mắt cần tập trung ưu tiên phòng chống dịch. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sẽ khắc phục thiệt hại và có giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ông Phương cho biết Bộ KH&ĐT cũng tính đến xây dựng gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, gói hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào nguồn lực và hỗ trợ đối tượng nào.
“Chúng ta sẽ xem xét một số đối tượng chịu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Gói hỗ trợ nếu có sẽ tính đến đối tượng nào, bao nhiêu, phương thức nào”, ông nói.
Thứ trưởng Phương cho biết có thể thúc đẩy tăng trưởng bằng tăng tiến độ giải ngân đầu tư công trong năm nay.
-
3 vòng cách ly nhằm ngăn dịch corona lây lan
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời câu hỏi về phương án cách ly tại chỗ có phải phương án tốt nhất chống dịch virus corona. Ông Long cho biết trong bối cảnh hiện nay, với mức độ dịch gia tăng nhanh chóng từ phía Trung Quốc thì cách ly là một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.
Ông giải thích hiện có 3 vòng cách ly. Vòng 1 là với những bệnh nhân, người nghi nhiễm virus corona lập tức cách ly ở cơ sở y tế.
Vòng 2 là với những công dân Việt Nam hoặc nước ngoài đi từ vùng dịch Hồ Bắc (Trung Quốc) hoặc qua vùng Hồ Bắc về Việt Nam thì lập tức cách ly tại các cơ sở tập trung. Hiện quân đội đã chuẩn bị tất cả chỗ cách ly tập trung này.
Vòng 3 là với những người đi từ 31 tỉnh, thành của Trung Quốc về thì cách ly tại gia đình.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết việc cách ly này trưc tiếp do người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện, còn ngành y tế hỗ trợ về chuyên môn. “Chưa có lần nào ta làm mạnh như lần này với rất nhiều biện pháp, chỉ đạo từ Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó thủ tướng, Văn phòng Chính phủ”, ông Long nhận định.
Cho biết năm 2003 khi chống dịch SARS thành công, chúng ta cũng đã thực hiện biện pháp cách ly, Thứ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng với việc lần này chúng ta cách ly sớm hơn, cách ly tại cả gia đình thì dịch virus corona sẽ được kiểm soát tốt hơn.
-
Zing.vn đặt 2 câu hỏi tại họp báo thường kỳ Chính phủ:
1. Những người dân bình thường khi đăng tin gây hiểu sai lệch về dịch viêm phổi do virus corona thì bị mời lên và phạt ngay lập tức, tại sao việc xử lý một số nghệ sĩ có ảnh hưởng lại mất thời gian như vậy?
2. Thủ tướng vừa yêu cầu tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội theo kịch bản mới để ứng phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Trong đó nhấn mạnh phải tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng. Xin hỏi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện Bộ KH&ĐT chia sẻ thêm về kịch bản mới phát triển kinh tế xã hội?
-
Miễn thuế nguyên liệu sản xuất khẩu trang, thuốc sát trùng
Người phát ngôn Chính phủ cũng thông tin về việc Thủ tướng chỉ đạo miễn thuế đối với nguyên liệu sản xuất khẩu trang chống dịch, thuốc sát trùng và các nguyên liệu phục vụ chống dịch.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong lúc kiên quyết chống dịch với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, không nên tạo ra những vấn đề làm hoang mang. Vì thế phải rất cẩn trọng, tránh làm ảnh hưởng chung đến lợi ích quốc gia. Trong lúc khó khăn, ta phải tạo điều kiện giúp đỡ cho phía bạn, không đặt vấn đề kỳ thị, làm ảnh hưởng đến tổng quan chung.
-
Báo cáo Chính phủ một số kịch bản về tăng trưởng trong hoàn cảnh dịch
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết khi chống dịch có thể phát sinh những vấn đề liên quan về đối ngoại nên Thủ tướng quán triệt chúng ta phải thực hiện theo các cam kết quốc tế, phối hợp với các nước liên quan trong một số vấn đề, cần thảo luận, trao đổi đầy đủ.
Tại phiên họp Chính phủ hôm nay, ông Dũng thông tin Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ một số kịch bản về tăng trưởng. Theo đó, nếu khống chế dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng năm 2020 sẽ là 6,27%. Nếu khống chế dịch trong quý II, tăng trưởng kinh tế dự báo là 6,09%.
“Như vậy, so với 6,8% Quốc hội giao, chỉ tiêu này bị thấp hơn rất nhiều”, ông Dũng nói.
Vì vậy, ông cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo tính toán giải pháp để bù đắp những vấn đề về tăng trưởng.
-
Phải đánh giá đúng, xác định đúng để xử lý đúng vấn đề
Theo Bộ trưởng Dũng, WHO và UNICEF đánh giá cao các giải pháp chống dịch của Việt Nam. Nếu làm không tốt, Việt Nam sẽ là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch lớn vì chúng ta có nhiều đường mòn lối mở, nhiều hoạt động giao thương với Trung Quốc.
“Nếu chủ quan, khinh suất thì ta sẽ phải gánh hậu quả khôn lường”, ông lưu ý.
Tuy nhiên, ông Dũng truyền đạt rằng Thủ tướng nhấn mạnh diễn biến của dịch đang rất phức tạp nên không được chủ quan, không để ảnh hưởng đến tăng trưởng, du lịch, đầu tư. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là nhưng không được hoang mang, dao động.
“Phải đánh giá đúng, xác định đúng để xử lý đúng vấn đề”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
-
Lần đầu tiên Việt Nam công bố dịch
Thông tin về kết quả phiên họp Chính phủ kết thúc cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết hôm nay Chính phủ dành một ngày cho phiên họp đầu tiên của năm 2020 trong bối cảnh đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cho phòng chống dịch corona. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vì vậy, phiên họp dành nhiều thời gian thảo luận về công tác phòng chống dịch, tác động của dịch đến phát triển kinh tế.
Ông Dũng cho biết các thành viên Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành địa phương trong thời gian ngắn đã triển khai các biện pháp chống dịch.
”Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tiền lệ công bố dịch”, người phát ngôn Chính phủ cho hay. Cùng với đó, nhiều biện pháp mạnh, cao hơn so với WHO kiến nghị.
“Thủ tướng chỉ đạo chúng ta có thể chấp nhận thua thiệt về kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng, sức khỏe và cuộc sống bình yên của người dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
-
Tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không hoang mang, dao động
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến diễn biến phức tạp, khó lường của dịch corona. Dịch có thể kéo dài, hoặc đỉnh dịch sẽ vào tuần tới. Người đứng đầu Chính phủ quán triệt tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không hoang mang, dao động.
Bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch corona, có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2020.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định “không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng”, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá, xuất khẩu. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản mới, tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng và chủ động tìm kiếm thị trường.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không ngành nào được dừng lại.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh, đưa ra các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực hàng quý và cả năm 2020, có giải pháp mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
-
Sáng cùng ngày, phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1/2020 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý (chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng 1/2020).
Hoạt động vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh (vận tải hành khách tăng 15,1%; hàng hóa tăng 10,7%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí.