Liên quan bài “Chất cấm trong thịt heo tăng báo động” mà Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 9/8, ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị đã nhận được công văn của Chi cục Thú y TP HCM thông báo về việc 4 lô heo có nguồn gốc xuất xứ từ Đồng Nai dương tính với chất cấm beta-agonist (chất tạo nạc, tăng trọng).
Theo ông Quang, khi nhận được công văn Chi cục Thú y Đồng Nai đã kiểm tra, lấy mẫu nước tiểu đột xuất trên đàn heo gần ngày xuất chuồng tại 2 điểm (riêng trang trại Nguyễn Đức Thịnh không có heo lớn nên không lấy mẫu) nhưng kết quả xét nghiệm đều âm tính với chất cấm nên không xử lý được.
Làm việc với đoàn kiểm tra, cơ sở chăn nuôi lý giải họ không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Việc phát hiện chất cấm có thể do thương lái mua heo từ 70-80 kg của họ, sau đó sử dụng chất cấm vỗ cho heo tăng trọng rồi lấy danh nghĩa nguồn gốc của trại mang đi bán.
Kết quả kiểm tra chất cấm tại 8 cơ sở giết mổ heo đợt 1 năm 2015. |
Theo ông Quang, đó là giải trình bước đầu của các cơ sở chăn nuôi. "Còn sự thật như thế nào chúng tôi chưa có cơ sở để kết luận”, ông Quang nói.
Trước đó qua quá trình thanh tra tại 8 cơ sở giết mổ heo có số lượng lớn heo nhập về các tỉnh, Chi cục Thú y TP HCM phát hiện 5 cơ sở có các lô dương tính với chất cấm.
Ngoài Long An, Tiền Giang được phát hiện dương tính với chất cấm thì Đồng Nai là tỉnh có số lượng mẫu, hàm lượng dương tính chất cấm cao nhất.
Ngày 22/6, Chi cục Thú y TP HCM đã gửi công văn thông báo nguồn gốc các lô heo dương tính với chất cấm trên xuất xứ từ trạm trung chuyển công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (Biên Hòa); Công ty Anco (huyện Vĩnh Cửu); và trại Nguyễn Đức Thịnh (huyện Trảng Bom).