Đi dọc quốc lộ 22 (huyện Củ Chi, TP.HCM), khi hỏi về trại dế Thanh Tùng, hầu như bà con ai cũng biết. Nằm sâu trong con đường mòn thuộc ấp Bến Đò 2 thuộc huyện Củ Chi, xung quanh trang trại là những khu công nghiệp nằm xen kẽ với những thửa ruộng vừa thu hoạch xong.
Anh Tùng (người có hơn chục năm gắn bó với côn trùng) xây dựng trại dế có nhà hàng gia đình ở phía trước, phục vụ món ăn từ chính các loài côn trùng. Đằng sau là mảnh vườn rộng lớn, nơi luôn phát ra những âm thanh chít chít từ trại dế nhà
Chia sẻ về trang trại cà cuống, anh tự hào mình là “người đầu tiên trong chiến dịch nhân giống loại côn trùng sắp tiệt chủng” tại Việt Nam.
Đầu ra cho loại cà cuống chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn tại địa bàn TP.HCM. Một số người mua về làm kiểng, nghiên cứu. Ngoài ra, cà cuống còn có công dụng làm thuốc chữa các bệnh tè dầm cho trẻ em, hoặc kích thích sinh lý với người lớn.
“Hương vị khi nướng cà cuống thơm rất nồng, ăn bữa sáng đến chiều vẫn còn cảm giác trong miệng”, anh chia sẻ.
Bắt đầu nuôi cà cuống hơn một năm trở lại đây, còn trước đó, anh Tùng nuôi nhiều loại khác như dế, rết, bọ cạp… Do thị trường thay đổi, mất giá nên anh chuyển sang nuôi cà cuống.
Anh Tùng cho hay, bắt cà cuống nên cẩn thận vì rất có thể bị chích gây tê. Ảnh: Thái Nguyễn. |
“16 năm trước tôi nuôi dế do không tốn kém. Sau này khi ổn định trại dế thì chủ yếu nuôi cà cuống, loại côn trùng sắp tiệt chủng”, anh Tùng cho hay.
Chia sẻ về thực tế cà cuống tại thị trường miền Bắc, anh Tuấn Khanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tại miền Bắc chỉ còn một chỗ bán cà cuống nhưng cũng mất giống. Chủ yếu người miền Bắc mua tinh dầu cà cuống chiếc xuất từ con đực. Cà cuống nguyên con nhập khẩu chủ yếu ở Australia có giá khoảng 35.000 đồng/con nhưng đều là cà cuống đông lạnh.
“Cửa hàng bánh cuốn Thanh Trì vẫn còn loại nước mắm này, nhưng thực tế thì không biết có phải chiết xuất 100% từ cà cuống tự nhiên không?”, anh Tuấn Khanh nói.
Theo anh Tùng, cà cuống được nhắc tới nhiều ở miền Bắc, với nhiều công dụng khác nhau nhưng nổi tiếng nhất là nước mắm cà cuống. Về sau, lượng cà cuống giảm hẳn về số lượng và hầu như biến mất hoàn toàn, chỉ còn ở các tiệm bán bánh cuốn một số khu vực nổi tiếng của Hà Nội duy trì loại nước chấm từ con côn trùng này.
"Hiện ở miền Bắc chủ yếu là hương liệu, giống hương cà cuống thôi, chứ chưa chắc là chiết xuất", anh cho biết.
Nhận thấy nhu cầu thị trường, năm 2007 sau khi đọc một vài nghiên cứu và thấy tại Việt Nam chưa có mô hình nuôi cà cuống nào thành công, anh Tùng ấp ủ dự án cho riêng mình. Thử tìm mua trên các trang mạng xã hội, nhưng khi anh liên hệ thì không nơi nào có bán giống.
Chủ trang trại này cho biết trước nhà anh gần những bãi đất trống, gần các khu công nghiệp, nơi có ao lớn. Tại đây 4-5 anh em của anh dùng lưới cào cà cuống.
“Từ nhỏ tôi đã biết con cà cuống rồi, nên xuống ao là biết liền. Ban đầu nó chích vào chân tê cứng hết cả người, mấy anh em cào mất 4 tuần mới được 5 con”, anh chia sẻ.
Từ 5 con cà cuống, anh đem về nuôi trong 3 tháng dựa trên hướng dẫn cách nuôi ở các sách báo. Đến nay, anh sở hữu khoảng 5.000 cá thể.
Tuy nhiên, chủ trang trại này mới bán ra thị trường 2 tháng trở lại đây, với giá ban đầu 35.000-40.000 đồng/con. Với mỗi kg (khoảng 100 con) anh thu về gần 4 triệu đồng.
Về sau do nhu cầu thị trường tăng cao, anh nâng giá bán lên 50.000-55.000 đồng/con và chỉ bán 60-70 con mỗi ngày.
Cà cuống trong thời gian sinh sản của trang trại anh Tùng. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Ngoài ra, anh còn bán con giống trong thời gian đẻ trứng với giá 300.000 đồng/con, cho người có nhu cầu nuôi, nghiên cứu. Trung bình mỗi ngày, anh kiếm từ 3-4 triệu đồng từ trang trại cà cuống.
Chia sẻ về cách nuôi, anh Tùng cho hay loài cà cuống là thuộc giống côn trùng sinh sản tốt, phát triển nhanh. Khoảng 2,5 tháng là từ con non mới nở có thể đẻ trứng. Thức ăn gồm cá, tôm, tép, dế…
“Loại này không kén ăn, hầu như ăn tất cả các loại thịt côn trùng, động vật. Sinh sản cũng tốt, trứng vừa sinh mất chỉ 7 ngày là nở”, anh cho biết.
Về cách nuôi, cà cuống sinh sản chỉ 20-25 con trong một m2, trong khi cà cuống lấy thịt là 80-100 trong một m2. Chiều cao của bể nuôi từ 20-30 cm.
“Phải tạo ra không gian phù hợp để nuôi cà cuống, tránh tình trạng nuôi nhiều con trong cùng bể sẽ dẫn đến tình trạng cà cuống tự ăn thịt nhau khi đói hoặc phát triển không tốt trong môi trường chật hẹp”, anh nêu kinh nghiệm.
Hiện, anh Tùng sở hữu 4 trang trại nuôi cà cuống tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ngoài ra anh còn nuôi thêm các loại khác như dế dùng làm thức ăn cho cà cuống, cũng như những loại côn trùng phục vụ cho quán ăn gia đình của anh.
Người chủ trang trại không ngần ngại chia sẻ quy trình nuôi vẫn chưa hoàn thiện, song, anh rất hào hứng với giống này. "Ngoài cải thiện kinh tế cho gia đình, trang trại giúp duy trì được loại côn trùng sắp tuyệt chủng tại Việt Nam”, anh Tùng cười nói.
Cà cuống có tên khoa học Lethocerus indicus Lep. et Serv là một loại côn trùng thuộc họ Chân bơi Belostomatidae sống dưới nước, thuộc bộ Cánh nửa (Hemiptera) và là một trong những nhóm côn trùng có kích thước lớn nhất hiện nay. Cá thể có cơ thể dẹt, hình lá, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình 7–8 cm, có con lên đến 10–12 cm.
Khi còn non, cà cuống giống như con gián, mình dài khoảng 7–8 cm, rộng 3 cm, màu nâu xám, có nhiều vạch đen, đầu nhỏ với hai mắt tròn và to, miệng là một ngòi nhọn hút thức ăn, có 6 chân dài, khỏe. Bụng vàng nhạt có lông mịn, ở phía trên có một bộ cánh mỏng nửa mềm nửa cứng. Ở dưới ngực, ngay gần phía lưng, có hai ống nhỏ gọi là bọng cà cuống. Mỗi bọng dài khoảng 2–3 mm, rộng 2–3 mm, màu trắng, trong chứa một chất thơm, đó là tinh dầu cà cuống.
Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, cho thoảng ra một mùi đặc biệt gần giống như mùi quế.