Hiện toàn xã Thành Sơn có 550 hộ chăn nuôi dê với tổng đàn gần 1.100 con.
Về hiệu quả, đơn cử như hởi động việc nuôi dê cách đây hơn 3 năm, với 7 con ban đầu, giờ đây đàn dê của chị Vi Thị Thuận ở thôn 8, xã Thành Sơn đã lên tới 25 con. Nhờ nuôi dê mà vợ chồng chị Thuận đã xây dựng được nhà cửa và nuôi con học hành.
6 tháng đầu năm 2016 gia đình chị đã bán được 6 con dê thịt, với giá dao động từ 130 - 150 nghìn đồng/kg, chị thu về gần 20 triệu đồng.
Mô hình nuôi dê thả đồi của gia đình chị chị Vi Thị Thuận thôn 8 xã Thành Sơn |
Chị Thuận cho biết: Thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 đến 12 tháng, thời điểm này dê sẽ đạt trọng lượng từ 30-35kg/con, trung bình hai năm dê đẻ khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con.
Chuồng trại không đòi hỏi diện tích lớn nên cũng không tốn kém nhiều. Nhu cầu tiêu thụ dê ở địa phương cũng tương đối cao nên người dân rất yên tâm về đầu ra.
Những hộ nuôi dê ở xã Thành Sơn cho biết, thổ nhưỡng ở vùng đất này rất hợp với chăn nuôi dê thả núi. Dê ít bị dịch bệnh như những loại gia súc khác, lại là loài động vật ăn tạp, hầu như tất cả các loại lá cây rừng đều có thể là thức ăn của chúng.
Dê cũng có sức đề kháng cao, chịu khó tự kiếm ăn nên phù hợp với chăn thả trong rừng trồng của mỗi gia đình, không cần thức ăn tinh bổ sung nên chăn nuôi không vất vả và tốn kém.
Để nguồn thức ăn cho dê thêm phong phú, các hộ nuôi dê còn trồng thêm các loại cây: xoan đâu, mít.. để lấy lá cho dê ăn. |
Được biết, mô hình nuôi dê thả đồi được các hộ dân Thành Sơn nuôi từ 10 năm nay. Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển mô hình chăn nuôi dê thả đồi, hàng năm Hội Nông dân xã Thành Sơn đều có chính sách hỗ trợ từ 1-2 con dê giống cho các gia đình là hộ nghèo, gia đình chính sách; giúp hội viên tiếp cận các nguốn vốn vay có lãi suất thấp.
Đồng thời, Hội thường xuyên tổ chức nhiều buổi trao đổi, đưa hội viên đến các mô hình nuôi dê có hiệu quả để học tập kinh nghiệm, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Để nuôi dê thả đồi đạt hiệu quả kinh tế, việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi rất quan trọng. Người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Khi làm chuồng, tùy theo đặc điểm từng vùng, từng nhà cụ thể mà xác định vị trí và hướng chuồng thích hợp để tận dụng yếu tố thuận lợi và hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi của thời tiết đối với dê.
Trước chuồng nuôi cần có khoảng sân rộng để theo dõi, quản lý đàn dê, cũng như khi bắt dê để kiểm tra, phối giống, cho ăn và phòng trị bệnh. Chuồng trại cho dê cần phải đảm bảo thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt, đặc biệt phải được quét dọn sạch sẽ hằng ngày.