Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tô phở khổng lồ: Kinh doanh phải bán cái thị trường cần

13 tuổi theo gia đình sang Mỹ, 30 tuổi quay về nước khởi nghiệp, với anh Nhật, muốn kiếm tiền hãy ở Mỹ, để phấn đấu, khẳng định mình thì phải về Việt Nam.

Thừa nhận đam mê duy nhất của mình là ẩm thực, ông chủ tô phở khổng lồ cho biết, điều anh hạnh phúc nhất là nhìn người khác vui vẻ thưởng thức các món ăn do mình nấu. Anh nói mình nấu được và nấu rất ngon tất cả các món ăn Việt cùng nhiều món Ý, Nhật, Trung Quốc. Lúc rảnh là anh vào bếp nấu ăn cho người thân. Việc phát hiện ra một nhà hàng có phong cách lạ hay món ăn ngon cũng là điều khiến anh hạnh phúc.

Sang Trung Quốc mở nhà hàng Việt, về Việt Nam bán món Hoa

Học kinh tế và có bằng MBA ngành marketing ở Mỹ, nhưng anh Huy Nhật - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, cho biết kinh doanh nhà hàng là con đường duy nhất anh chọn. Bởi ngoài niềm đam mê ẩm thực thì đây là ngành anh nhận thấy nhiều tiềm năng phát triển nhất.

Chuyện quyết định về Việt Nam kinh doanh nhà hàng, anh Nhật bảo tất cả đều gắn với chữ duyên và niềm đam mê ẩm thực. “Học xong, tôi đi làm ở một vài công ty của Mỹ. Với chức vụ quản lý và trưởng bộ phận kinh doanh, tôi được trả lương khá cao. Tuy nhiên, những ngày ở Mỹ tôi luôn nhớ về Việt Nam. Ở Mỹ, sự đóng góp của tôi sẽ không đáng kể, trong khi nếu đem kiến thức về quê, tôi sẽ giúp ích được nhiều cho đất nước. Tôi thường nói với bạn bè: Muốn kiếm tiền thì ở Mỹ, còn muốn phấn đấu, khẳng định mình thì về Việt Nam”, anh Nhật chia sẻ.

Bí quyết kinh doanh nhà hàng của ông chủ mê âm thực là món ăn ngon, hiểu nhu cầu khách, nghĩa là phải bán đúng cái thị trường cần.
Tuy nhiên, người tổ chức cuộc thi ăn hết tô phở thưởng 1 triệu đồng, cho biết, ban đầu việc mở nhà hàng ở Việt Nam không nằm trong kế hoạch trở về của mình. Khi làm cho công ty bên Mỹ, anh thường xuyên phải đi công tác ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ở Thượng Hải không thiếu nhà hàng Việt Nam, nhưng món ăn Việt luôn làm anh khó chịu vì bị lai căng, biến tấu theo khẩu vị tại chỗ. Thậm chí nhà hàng không có nước mắm mà chỉ có xì dầu; nước phở thì giống canh súp lại có vị của nước lèo hủ tiếu...

26 tuổi, Huy Nhật quyết định gom vốn liếng mở nhà hàng Việt tại Thượng Hải như một cơ hội quảng bá món ăn Việt Nam. Kinh doanh món ăn Việt nên anh thường về Việt Nam mua nguyên liệu, gia vị nấu ăn, và lại nhận ra đây chính là nơi lý tưởng để kinh doanh hàng ăn uống. Năm 2004, khi đã phát triển được một chuỗi nhà hàng Việt tại Thượng Hải, anh Nhật quay về nước tìm cơ hội mới.

Cũng lặp lại như ở Thượng Hải, anh bắt đầu với nhà hàng Trung Hoa khi về Việt Nam. “Chứng kiến các nhà đầu tư người Hoa qua Việt Nam, sau khi ăn món Việt họ vẫn ‘thèm’ món truyền thống. TP HCM lúc đó có nhà hàng chuyên món ăn Hoa, nhưng chất lượng, khẩu vị chưa thật hoàn hảo khiến thực khách thất vọng. Tâm trạng đó giống như khi tôi qua Thượng Hải, thấy các nhà hàng treo biển Việt Nam nhưng món ăn thì không phải. Thế là chuỗi nhà hàng Huy Long Viên ra đời tại TP HCM”, anh Nhật kể.

Để mở nhà hàng Hoa, những ngày đầu anh phải đi ăn ở rất nhiều nhà hàng, kết hợp tìm hiểu nhu cầu của khách. Kinh nghiệm cho thấy: Muốn kinh doanh nhà hàng thành công, điều đầu tiên là phải có món ăn ngon, thể hiện chính xác hương vị ẩm thực nhà hàng chọn kinh doanh. Kế đến là hiểu thị trường, hiểu nhu cầu khách. Nghĩa là theo đúng quy tắc “bán cái thị trường cần”, nhưng phải độc đáo.

Người sáng tạo ra cuộc thi ăn tô phở thưởng 1 triệu đồng cho biết, chuỗi nhà hàng phở Việt của anh sẽ xuất ngoại trong thời gian tới, và khách nước ngoài cũng có cơ hội "cá cược" với tô phở khổng lồ này. Ảnh: Zen Nguyễn.

Ăn hết tô phở, thưởng một triệu đồng

Nếu ăn hết tô phở, khách không những không phải trả tiền mà còn được nhận thêm 1 triệu đồng tiền thưởng. Nếu thua, sẽ phải thanh toán tiền phở trị giá hai trăm ngàn đồng.

Đứng vững với món ăn mẹ nấu

Nhà hàng Hoa dù kinh doanh ổn định, xong mục đích của ông chủ mê ẩm thực này khi xác định đầu tư tại Việt Nam là chuỗi thức ăn nhanh với những món thuần Việt. Chính vì vậy mà năm 2007, anh Huy Nhật mở nhà hàng món Huế đầu tiên. Sau 8 năm, món Huế đã có hơn 40 nhà hàng, từ TPHCM, Biên Hòa (Đồng Nai), Hà Nội.

Theo chia sẻ của người khai sinh ra chuỗi nhà hàng món Huế, Sài Gòn không thiếu món ăn có “gốc” từ Huế, nhưng quán nào cũng chỉ 5-10 món, trong khi món ăn Huế thì rất đa dạng. Để có thực đơn hơn 60 món như hiện nay, anh phải thành lập ban sưu tầm, nghiên cứu món Huế, tìm hiểu cách chế biến. Nhưng điều quan trọng nhất khiến anh tự tin bắt đầu với chuỗi món ăn đặc trưng này, là gốc Huế của mình. Mẹ anh là đầu bếp rất giỏi. Khi ở Mỹ, gia đình đã mở quán Huế để mưu sinh.

Song song với món Huế, ông chủ sinh năm 1974 này cũng cho ra đời chuỗi cơm Express, Phở Ông Hùng với cuộc thi ăn hết tô phở thưởng 1 triệu khiến nhiều người Sài Gòn ấn tượng. Ra đời tháng 9/2014, đến hết tháng 12/2014, chuỗi phở đã có 14 nhà hàng. Ông chủ này cũng đang ấp ủ với chuỗi cơm tấm và xây dựng chuỗi nhà hàng các món ăn truyền thống Việt Nam.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh tiếp theo, anh cho biết, vẫn sẽ tập trung vào chuỗi nhà hàng ăn nhanh với các món ăn thuần Việt. Anh tin mình sẽ làm tốt, bởi ngoài niềm đam mê ẩm thực thì đây là ngành kinh doanh tiềm năng. Khi kinh tế tốt, người ta đi ăn nhà hàng, nhưng kinh tế ảm đạm thì tô phở, dĩa cơm là cần thiết.

Nhận định về các chuỗi thức ăn nhanh đến từ những tên tuổi lớn của nước ngoài, ông chủ nhà hàng món Huế tự tin rằng mình không thua kém. “Với những chuỗi thức ăn nhanh của nước ngoài, người Việt chỉ ăn một tuần, tháng/lần, do không quen khẩu vị. Với món ăn thuần Việt thì có thể ăn cả tuần không ngán. Tôi đã có sự chuẩn bị để hội nhập. Khi mở cửa, doanh nghiệp nước ngoài tràn vào, mình có lợi thế địa phương thì phải đi trước. Anh vào nhà tôi anh làm được thì tại sao tôi không làm tốt”.

“Làm ăn ở đâu cũng có những khó khăn, thuận lợi riêng, không thể nói nơi nào tốt hơn nơi nào. Quan trọng là phải biết chấp nhận sự khác biệt. Phương châm của tôi là nhập gia tùy tục, phải sống hết lòng, chân thật với mọi người. Muốn có bạn tốt thì trước hết mình phải là bạn tốt”, anh Huy Nhật, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam.

 

Vì sao nhà hàng Sài Gòn tổ chức cho khách thi ăn phở khủng?

"Các chương trình khuyến mãi không còn mang lại hiệu quả. Chúng tôi tổ chức hình thức này vừa mới lạ mà lợi ích được đưa trực tiếp đến khách", đại diện thương hiệu phở này nói.

H.Linh

Bạn có thể quan tâm