Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chủ tịch xã, phường mà không biết địa bàn có thực phẩm bẩn là sao?'

Không chỉ nhấn mạnh vai trò của người sản xuất, lãnh đạo cấp cơ sở, Thủ tướng cho rằng mỗi chủ cửa hàng cũng phải có trách nhiệm hơn trong vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sáng 11/1, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua đã có chuyển biến từ trên xuống dưới chỉ ở Trung ương. Ông quán triệt quan điểm phải vận động, thuyết phục, tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, thậm chí xử lý hành chính và hình sự những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

xu ly nghiem vi pham ve an toan thuc pham anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.

Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công an vừa phá được vụ buôn lậu thuốc bắc giả. “Thuốc bắc giả, mốc, ướp lưu huỳnh như vậy hại sức khỏe nhân dân, phải xử lý nghiêm trường hợp như vậy”, ông nói và lưu ý tình trạng hàng giả, kém chất lượng nhập lậu qua biên giới, kể cả lòng lợn, gà bệnh, thuốc bắc…

Đánh giá về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Thủ tướng cho rằng các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… đều chú trọng phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch trong kết nối với các vùng sản xuất lân cận. Việc này giúp Việt Nam thành một trong những quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu nông hàng cho thế giới, vào được các thị trường có tiêu chuẩn rất cao như châu Âu, Mỹ.

"Mới đây tôi gặp Thủ tướng Trung Quốc. Ông ấy khen thực phẩm và trái cây Việt Nam ngon quá”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Đề cập đến trách nhiệm, Thủ tướng cho rằng không chỉ có người sản xuất, của các cấp cơ sở mà mỗi bếp trưởng, chủ cửa hàng, chủ căng tin cũng đóng vai trò rất quan trọng. “Khi anh bê một đĩa thức ăn cho khách dùng thì phải nghĩ đến an toàn thực phẩm như thế nào? Nếu có gì xảy ra thì chủ nơi đó chịu trách nhiệm ra sao”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Ông yêu cầu truy đến cùng nơi sản xuất thực phẩm, nông sản làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc cho người dân. Khi đó, không chỉ người sản xuất trực tiếp mà cả chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm.

Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm, hoặc xử lý hành chính hoặc hình sự, chứ không bỏ qua bất cứ vụ việc nào.

xu ly nghiem vi pham ve an toan thuc pham anh 2

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về An toàn thực phẩm. Ảnh: VGP.

Theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian qua, nhờ xử lý quyết liệt, mạnh tay mà nhiều vấn đề nóng, bức xúc về an toàn thực phẩm như sử dụng hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật… đã hạ nhiệt.

Đặc biệt, dù chưa chấm dứt hoàn toàn, hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai luống” đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ với trên 8 triệu hộ nông dân đưa đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng còn nhiều. Ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn kém.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phải được tăng cường. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng. "Anh làm chủ tịch xã, chủ tịch phường mà không biết địa bàn mình có cơ sở sản xuất đồ giả, thực phẩm bẩn là sao?”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm đi đầu, đứng mũi chịu sào của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, Thủ tướng cho rằng, vai trò này cần đề cao hơn nữa.



Thủ tướng: Lắng nghe dân chứ không phải dùng quyền lực áp đặt

Lưu ý về công tác dân vận, Thủ tướng cho rằng lắng nghe người dân rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm của các cấp chính quyền, chứ không phải dùng quyền lực áp đặt.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm