Sáng 2/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp Tổ công tác thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đề ra trong năm 2020.
Sắp có Tổ công tác đặc biệt về cải cách
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tới đây sẽ có Tổ công tác của Thủ tướng về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Nếu được thành lập, đây sẽ là Tổ công tác thứ tư của Chính phủ.
Năm 2016, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo kết luận của Thủ tướng, Chính phủ giao được thành lập. Tổ trưởng là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.
Năm 2018, thêm 2 tổ công tác được thành lập là Tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân là Tổ trưởng; và Tổ công tác đặc biệt do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phụ trách, cùng sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, để tập trung xử lý một số vụ việc nổi cộm.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) góp ý trong giai đoạn đầu của cải cách khi Tổ công tác đặc biệt đi vào hoạt động, buộc phải áp đặt từ trên xuống.
"Không để cho các bộ ngành và các cơ quan đề xuất từ dưới lên vì họ sẽ đề xuất cái dễ, trong khi đó, cái cần cải cách tác động mạnh lại không hướng đến", ông góp ý.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Doãn Trung. |
Ông Hiếu nhấn mạnh tư duy của Chính phủ không phải bãi bỏ cơ học các văn bản hay các quy định mà đòi hỏi phải thay đổi tư duy quản lý, làm sao đạt hiệu quả, nhưng ít tốn kém, ít chi phí cho doanh nghiệp.
“Còn chúng ta vẫn tư duy cũ, chỉ bãi bỏ công cụ quản lý thôi thì nếu là bộ ngành, tôi cũng chống, vì lấy gì để quản lý”, ông Hiếu nói.
Là thành viên tham gia Tổ công tác đặc biệt về cải cách, theo ông Hiếu, phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Dù họ có thể đồng thời đảm nhiệm chức vụ chính quyền, phải nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân, uy tín và năng lực chuyên môn khi mời vào tổ.
“Họ đến tổ công tác mà chỉ ngồi với vai của bộ thì không thể phát biểu trái với chỉ đạo của bộ trưởng được”, ông Hiếu chia sẻ kinh nghiệm.
Mục tiêu được tổ công tác đặt ra là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm (từ năm 2020 đến năm 2025).
Ông Nguyễn Đình Trường, Phó chánh văn phòng Bộ Tài chính, băn khoăn về mục tiêu này.
Theo ông, quan trọng nhất là cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành, vì thực tế cắt giảm văn bản nhưng chưa chắc đã cắt giảm được điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành..
Hơn nữa, ông Trường cho rằng, nếu đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% văn bản thì cũng “chưa khả thi”.
“Để bảo đảm tính khả thi, nên yêu cầu các bộ, ngành rà soát đề xuất các phương án cắt giảm. Vì hiện bộ ngành đã cắt giảm tương đối nhiều, nếu áp đặt một mức khống chế nữa, đánh đồng các bộ, ngành thì tính khả thi chưa cao”, ông Trường nêu quan điểm.
Không ban hành văn bản kiểu "rế cao hơn nồi"
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, những năm qua, dù đã có nhiều cố gắng, ta vẫn trong tình trạng “nâng điểm nhưng tụt hạng”.
Nêu thực tế vừa qua có những bộ tuyên bố cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện nhưng không thực chất, có bộ chần chừ cải cách, vẫn muốn giữ thủ tục để xuống kiểm tra trực tiếp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị tới đây phải nghiên cứu xây dựng bộ công cụ cắt giảm, cách thức tính chi phí để việc cắt giảm thủ tục được minh bạch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Hướng cải cách "1 thông tư mới bãi bỏ 2 thông tư cũ, tiến tới hạn chế ban hành thông tư", cải cách phải được lượng hoá bằng tiền và ngày công... được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhiều lần nhắc đến.
Theo ông, nếu không còn việc bộ, ngành co kéo quyền lợi thì không cần ban hành những văn bản như vậy.
“Ông ra một văn bản cấp cục bãi bỏ một điều trong thông tư đang thực hiện là ‘rế cao hơn nồi’, lộm nhộm như thế là không được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. Ông đề nghị xem xét, bắt quả tang và đưa lên báo chí những trường hợp tương tự, phải làm mạnh mẽ chứ không để các bộ làm tự do.