Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Chủ tịch Vĩnh Phúc: Nỗ lực chống dịch giúp đạt ‘mục tiêu kép’

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho rằng nỗ lực chống dịch, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp hoạt động, đã giúp kinh tế Vĩnh Phúc đạt được “mục tiêu kép”.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho rằng nỗ lực chống dịch, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp hoạt động, đã giúp kinh tế Vĩnh Phúc đạt được “mục tiêu kép” trong 6 tháng đầu năm.

Trong cuộc phỏng vấn với Zing, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành hồ hởi kể lại những ngày chống dịch khó khăn, quyết liệt trước kia. Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên xuất hiện ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, cũng là tỉnh trải qua hầu hết đợt dịch đều có ca nhiễm. Khi đó, lãnh đạo tỉnh hiểu hơn hết mỗi quyết định trong gang tấc đều mang ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.

Tuy vậy, bằng nỗ lực và sự sáng tạo, Vĩnh Phúc đều dập dịch nhanh chóng, không để lây lan sang các tỉnh khác, không để một nhà máy nào dừng hoạt động. Kinh tế Vĩnh Phúc trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt mức 14,21%, cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ ba cả nước (sau Ninh Thuận và Hòa Bình).

Ông Lê Duy Thành cho rằng trong lúc chống dịch có những yếu tố may mắn nhất định, nhưng thành tích tăng trưởng GRDP không phải là ngẫu nhiên. Vĩnh Phúc đã cố gắng rất nhiều, vận dụng linh hoạt các giải pháp chống dịch để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

- Trước sự bùng phát của dịch trong nhiều đợt khác nhau, kinh nghiệm của Vĩnh Phúc để bình tĩnh xử lý và ngăn chặn dịch là gì?

- Chúng tôi không có kinh nghiệm nào khác ngoài việc tổ chức, triển khai thực sự bài bản, quyết liệt, hiệu quả, khoa học, sáng tạo các chỉ đạo của trung ương. Mỗi chỉ đạo đều được nghiên cứu rất kỹ lưỡng để áp dụng như thế nào, rồi gạch ra các công việc cụ thể.

Ví dụ như Thủ tướng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”. Chúng tôi đặt câu hỏi cho bản thân mình, nếu giặc đến địa phương thì mình phải làm thế nào. Việc đầu tiên, chúng tôi trình với Ban thường vụ Tỉnh ủy ra một nghị quyết, quyết định về việc chuyển trạng thái bình thường sang trạng thái khẩn cấp chống dịch.

Khi chuyển trạng thái như vậy thì mọi chính sách được chạy theo tương ứng. Tôi cho đó là mấu chốt để có thể điều hành được mọi việc sau này. Trong bối cảnh khẩn cấp, chúng tôi làm rõ thẩm quyền quyết định khi có vấn đề phát sinh. Nếu yêu cầu phải quyết ngay mà lúc đó mới lại mang ra báo cáo, mới quyết được thì rất khó chống dịch.

chu tich ubnd tinh vinh phuc le duy thanh anh 1

Trong nghị quyết quy định rất rõ thẩm quyền Bí thư tỉnh ủy quyết đến đâu, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch cấp huyện, chủ tịch xã quyết đến đâu… Cái đó làm cả hệ chống cùng “chạy” theo một quy tắc rõ ràng, thống nhất.

Kinh nghiệm thứ hai, chúng tôi nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách rõ ràng trong việc mua sắm trang thiết bị, tầm soát, điều trị, phòng chống dịch… Theo tôi, muốn chống dịch cần phải có nguồn lực, dù không cần quá nhiều. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế rõ ràng thì chúng ta không thể làm được.

Ví dụ như Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu là phải chủ động “tấn công” vào dịch. Chúng tôi cũng đặt câu hỏi là tấn công vào dịch là như thế nào? Dịch ở đâu để tấn công? Làm thế nào để tấn công?

Cách làm của Vĩnh Phúc là tăng cường xét nghiệm, mở rộng đối tượng được tầm soát, mở rộng đối tượng bị phong tỏa. Trước đó, Bộ Y tế chỉ quy định những đối tượng nhất định phải xét nghiệm Covid-19. Muốn mở rộng đối tượng thì phải lấy tiền ở đâu, là câu hỏi mà chúng tôi rất băn khoăn. Cơ chế nào quy định để chi vào khoản như vậy?

Chúng tôi bắt tay vào xây dựng cơ chế. Chỉ trong vài ngày, cơ chế đó đã được trình lên HĐND và thông qua. Đó là 3 nghị quyết của HĐND quy định về giá xét nghiệm, về mở rộng đối tượng xét nghiệm, và về việc đồng ý chủ trương sử dụng tiền ngân sách tỉnh để mua vaccine cho toàn dân.

Sau khi có cơ chế, Vĩnh Phúc đã nhanh chóng nâng công suất xét nghiệm từ gần 1.000 người/ngày lên lên 50.000 người/ngày chỉ sau 3 ngày. Và hiện tại, tỉnh đáp ứng năng lực xét nghiệm cho khoảng 80.000 người/ngày.

Khi năng lực xét nghiệm được cải thiện, chúng tôi đẩy mạnh tầm soát nguy cơ trên diện rộng, ở tất cả doanh nghiệp trên địa bàn.

Việc chuẩn bị được cơ sở vật chất cho chống dịch là điều quan trọng, nhưng lòng tin ở người dân là quan trọng hơn nữa. Đó cũng là kinh nghiệm thứ ba của chúng tôi - tạo được sự đồng thuận và lòng tin của người, thì công cuộc chống dịch sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều.

Ý thức của người dân lên cao đến mức trong đợt dịch gần nhất bùng phát tại TP.HCM, có một số người Vĩnh Phúc trở về quê hương. Gia đình thậm chí đã chủ động báo cho chính quyền để đưa đi cách ly kịp thời. Rất may, có 5 trường hợp trở về từ TP.HCM dương tính, nhưng được cách ly và không ảnh hưởng đến cộng đồng.

Tỉnh sẵn sàng tiếp nhận người dân trở về quê hương, nhưng phải tuân thủ đúng quy định về phòng chống dịch. Phải cách ly y tế 14 ngày, xét nghiệm âm tính.

- Chống dịch cho khu công nghiệp, không để dịch lây lan vào nhà máy, nơi sản xuất là điều vẫn còn rất thời sự lúc này. Vĩnh Phúc đã vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thế nào?

- Vĩnh Phúc nhất quán ưu tiên số một là bảo vệ an toàn, tính mạng cho người dân, bao gồm người dân ở khu dân cư và người dân đang làm việc trong nhà máy. Song song với đó, để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, chúng tôi quyết tâm bảo vệ sự an toàn, ổn định cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Giải pháp là kiểm soát các nguy cơ bên trong và khóa chặt các nguy cơ bên ngoài, bảo vệ doanh nghiệp tuyệt đối.

Với nguy cơ bên trong, từ rất sớm, chúng tôi thành lập tổ Covid-19 trong khu công nghiệp giống như tổ Covid cộng đồng. Vĩnh Phúc nhanh chóng tổ chức tập huấn cho hàng trăm nhân viên y tế của các doanh nghiệp.

Chúng tôi đào tạo rất kỹ cách thức chống dịch trong các nhà máy thì phải làm gì, thực hiện nguyên tắc “5K” ra sao, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách thế nào… Mỗi nhà máy đều được tập huấn việc giãn cách công nhân, kể cả ăn cơm phải ngồi so le ra sao, bố trí lệch giờ ăn thế nào, tổ chức các đường đi trong nội bộ nhà máy cụ thể để giảm thiểu nguy cơ…

chu tich ubnd tinh vinh phuc le duy thanh anh 2

Song song với đó, gần như 100% công nhân tại Vĩnh Phúc, nghĩa là khoảng 250.000 người, được xét nghiệm tầm soát để đánh giá nguy cơ. Ban đầu, nhiều doanh nghiệp không đồng tình vì cho rằng lãng phí. Nhưng sau đó, chúng tôi áp dụng xét nghiệm gộp để tiết kiệm chi phí, đồng thời thực hiện nhanh chỉ trong 3 ngày là xong.

Xét nhiệm toàn bộ công nhân giúp chúng tôi đánh giá được nguy cơ, kiểm soát được dịch ở bên trong các khu công nghiệp, bên trong nhà máy. Kết quả là toàn bộ công nhân đều âm tính khiến chúng tôi yên tâm.

Bước hai, chúng tôi tiến hành rà soát và khóa chặt các nguy cơ bên ngoài. Trong thời gian có dịch, tất cả công nhân ngoại tỉnh làm việc ở Vĩnh Phúc được yêu cầu không đi về nữa. Chúng tôi trưng dụng hơn 10 khu ký túc xá của các trường trên địa bàn, bố trí được 4.000 chỗ ở cho công nhân hoàn toàn miễn phí. Thậm chí Vĩnh Phúc còn bố trí miễn phí xe bus đưa đón công nhân đến nơi làm việc.

Với hàng nghìn chuyên gia nước ngoài làm việc ở Vĩnh Phúc, họ sống ở Hà Nội và các tỉnh khác khá đông, chúng tôi yêu cầu trong thời gian chống dịch cũng không đi về. Tỉnh trưng dụng khoảng 10 khách sạn 3-5 sao, chỉ phục vụ chỗ ở cho chuyên gia. Trong lúc “chống giặc”, tỉnh cũng đề nghị các khách sạn lấy mức giá đủ để bù đắp chi phí, mà giá thường dưới 500.000 đồng/ngày/phòng.

Như vậy, trong thời gian cao điểm chống dịch, chúng tôi kiểm soát các nguy cơ bên trong và bên ngoài rất kỹ càng. Tất nhiên, cũng có nhiều người không thích vì cuộc sống bí bách, nhưng vì để duy trì sản xuất, họ vẫn chấp nhận.

Một số trường hợp đặc biệt, nếu chuyên gia đi đi về về, chúng tôi yêu cầu 3 ngày xét nghiệm một lần để tầm soát.

- Vĩnh Phúc là địa phương có rất nhiều doanh nghiệp lớn như Honda, Toyota, Piaggio… đặt nhà máy, với hàng chục nghìn công nhân. Việc kiểm soát dịch ở những nhà máy lớn như vậy có gì đặc biệt?

- Với những doanh nghiệp lớn, có số công nhân đông, đóng góp cao về kinh tế thì chúng tôi đưa ra giải pháp đặc thù. Đó là việc hình thành các tổ y tế của tỉnh để phục vụ doanh nghiệp trong thời gian chống dịch, hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi ví như những “trạm xá di động” được tỉnh đặt bên trong nhà máy vậy.

Tổ này sẽ xét nghiệm cho người lao động muốn đi về giữa các tỉnh, tổ chức phòng chống dịch cùng doanh nghiệp. Như vậy, chúng tôi vẫn kiểm soát được dịch, họ vẫn sản xuất được. Việc duy trì như vậy, tạo ra sự ổn định sản xuất.

Hiện tại có khoảng hơn 20 tổ như vậy trong các doanh nghiệp lớn như Toyota, Honda, Piaggio…

Còn những doanh nghiệp nhỏ hơn, chúng tôi sẽ bố trí các tổ chung cho cả cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Ví dụ một công nhân, một chuyên gia cần yêu cầu xét nghiệm Covid-19, tổ này sẽ có mặt ngay lập tức để lấy mẫu và xét nghiệm. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp không gặp quá khó khăn, không mất nhiều thời gian khi đồng lòng cùng chính quyền chống dịch.

- Từ những kết quả chống dịch hiệu quả nêu trên, đó có phải là động lực quan trọng giúp GRDP của Vĩnh Phúc tăng tới 14,21% trong 6 tháng đầu năm?

- Chúng tôi cho rằng từ những chính sách rất nhỏ nhưng Vĩnh Phúc đã tạo được niềm tin lớn cho các nhà đầu tư trên địa bàn. Tăng trưởng GRDP 14,21% không chỉ là con số may mắn, mà là kết quả của việc chống dịch tốt, hiệu quả.

Chúng tôi cũng đúc rút một bài học trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Đó là muốn phát triển kinh tế - xã hội phải tạo ra lòng tin, đặc biệt doanh nghiệp phải tin vào việc chống dịch của chính quyền.

5 ĐỊA PHƯƠNG TĂNG TRƯỞNG CAO NHẤT 6 THÁNG ĐẦU NĂM

NhãnHòa BìnhNinh ThuậnVĩnh PhúcHải PhòngQuảng Ninh

% 16.114.5714.2113.5211.72

- Là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, từng phải đưa ra những quyết định trong gang tấc, quyết định nào mà ông thấy đáng nhớ nhất? Trước khi ra các quyết định có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội, tỉnh sẽ cân nhắc ra sao?

- Tại Vĩnh Phúc, mỗi khi đưa ra một quyết định, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh đều có sự thống nhất, bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí là tranh luận.

Có những tình huống, khi đưa ra thảo luận, 50% ý kiến chọn cái này, 50% ý kiến chọn cái kia. Có những ý kiến yêu cầu làm thật chặt, thậm chí là đóng cửa một số khu vực để đảm bảo sức khỏe người dân. Nhưng cũng có ý kiến phản biện nói rằng nếu đóng cửa thì mất nhiều hơn được, mà phải duy trì song song cả hai. Nhưng rồi, để duy trì song song cả hai thì phải làm thế nào?

chu tich ubnd tinh vinh phuc le duy thanh anh 3

Tôi rất nhớ việc Vĩnh Phúc cân nhắc có nên phong tỏa hoàn toàn TP Phúc Yên trong đợt dịch hồi đầu năm 2021 hay không. Khi đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh sau khi bàn bạc kỹ lưỡng thì thống nhất phải phong tỏa. Chúng tôi sau đó xin ý kiến Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Ban thường vụ Tỉnh ủy họp lúc 6h sáng, cân nhắc nhiều chiều và quyết định không phong tỏa Phúc Yên, mà chỉ phong tỏa cục bộ phường Hùng Vương và một số điểm có ca nhiễm trong khu vực. Phúc Yên là nơi đặt nhà máy của nhiều doanh nghiệp lớn như Honda, Toyota… Việc không phong tỏa sẽ giúp đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp lớn. Thay vì phong tỏa, tỉnh tăng cường lực lượng y tế, công an xuống Phúc Yên hỗ trợ chống dịch.

Sau đó, vẫn có một số ý kiến về quyết định trên, thậm chí nhiều người nói là quá liều vì số lượng ca tăng liên tục, có rất nhiều ổ dịch trong cộng đồng. Nhưng thực tế chứng minh quyết định đó đã đúng. Vĩnh Phúc đã khoanh vùng và khóa chặt những điểm nhỏ để khống chế dịch. Còn các khu vực còn lại vẫn mở cửa bình thường cho người dân và doanh nghiệp.

Tôi cũng nghĩ rằng vì quyết định rất mong manh, cân não khi đó tạo ra sự tăng trưởng cao của ngày hôm nay. Đó là sự tranh luận, cân đong đo đếm của cấp ủy, rồi đưa ra một quyết định cực kỳ táo bạo và đúng đắn. Nó giữ được sự thăng bằng, tạo ra kết quả hôm nay.

- Nhìn xa hơn trong cả nhiệm kỳ, Vĩnh Phúc sẽ làm gì để vươn lên trở thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của không chỉ ở Bắc Bộ mà cả nước?

- Ngoài những nhiệm vụ trọng tâm được chúng tôi cụ thể hóa bằng chương trình hành động sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Vĩnh Phúc sẽ tập trung thực hiện 3 đột phá trong thời gian tới.

Thứ nhất, chúng tôi đã và đang đồng loạt “tấn công” vào các điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực, giúp cho sự phát triển. Các điểm nghẽn được chú trọng là việc tiếp cận đất đai, đầu tư công, thu hút đầu tư, nguồn lao động, nguồn lực tài chính, vấn đề thuế…

Thứ hai, chúng tôi tập trung lo cho an sinh xã hội, phục vụ và chăm lo cuộc sống của người dân. Tỉnh sẽ tập trung cao độ vào chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi mong muốn, làm cho nơi ở, nơi sống của người dân được chỉnh trang, xanh - sạch đẹp hơn, không còn sự lộn xộn, không mất mỹ quan, không bị ô nhiễm môi trường.

Ở nông thôn mới, một mặt chúng tôi đảm bảo đáp ứng các tiêu chí chung được trung ương quy định, một mặt tỉnh tập trung nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người dân.

Từng xóm, từng thôn, từng tổ dân phố ở Vĩnh Phúc sẽ được tính toán xây dựng, bố trí các tiện ích phục vụ người dân. Chúng tôi tính đến việc người dân sống ở đâu; chơi thể thao ở đâu; đọc sách ở đâu; đường làng, ngõ xóm, cảnh quan, cây xanh thế nào… Với trẻ em, chúng tôi quan tâm các em đi học ra sao, điều kiện về nhà chơi như thế nào, có chỗ bơi lội, vui chơi hay không…

Đột phá thứ ba là công tác cán bộ. Chúng tôi xây dựng một chính quyền phục vụ, hiệu lực, hiệu quả. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi tư duy, phương pháp, cách làm, để đạt hiệu quả công việc cao nhất, phục vụ mục tiêu chung.

Nếu ai không làm được, có thể “đứng sang một bên” cho người khác làm. Còn nếu ai vi phạm sẽ kỷ luật thích đáng.

chu tich ubnd tinh vinh phuc le duy thanh anh 4

- Nhiều người vẫn nói rằng kinh tế Vĩnh Phúc phụ thuộc khá nhiều vào các doanh nghiệp lớn như Honda, Toyota, Piaggio… Ông có thấy đúng không? Trong tương lai, Vĩnh Phúc sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược, phát triển doanh nghiệp nội trên địa bàn thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, trong mỗi chặng đường, chúng ta phải sáng suốt lựa chọn giải pháp, lối đi phù hợp cho riêng mình. Tôi đánh giá những bước đi, định hướng, quy hoạch, kể cả công tác chuẩn bị cho chiến lược dài hạn của Vĩnh Phúc của thế hệ đi trước là hoàn toàn chính xác.

Sau khi tái lập tỉnh năm 1996, Vĩnh Phúc là tỉnh nghèo, đứng 57/61 địa phương trên cả nước. Khi đó, thu ngân sách của tỉnh chỉ khoảng 70-80 tỷ/năm, thu nhập bình quân chỉ khoảng 2 triệu đồng/năm.

Giải pháp để Vĩnh Phúc vươn lên là dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài, dựa vào doanh nghiệp lớn, có thực lực về tài chính, thị trường, kinh nghiệm, sản phẩm… để tạo ra giá trị gia tăng. Khi đó, người dân cũng có công ăn việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống.

Như vậy, bước đi đầu tiên của Vĩnh Phúc là chính xác, là nền tảng kinh tế để có được Vĩnh Phúc trong ngày hôm nay.

Khi đã có được nền tảng cho ngày hôm nay rồi, Vĩnh Phúc tính đến câu chuyện cho riêng mình là phát triển bền vững, có chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, tập trung vào yếu tố con người. Chúng tôi tiếp tục cải thiện môi tường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nội địa vươn lên, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khoảng 20 năm vừa qua, ôtô và xe máy từng chiếm tỷ trọng rất cao trong tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc. Nhưng hiện tại, những ngành này không phải là chiếm quá cao trong tăng trưởng nữa. Sản phẩm linh kiện điện tử, gạch ốp lát, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất… đang ngày càng là động lực quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP. Và điều đó đang minh chứng cho sự thành công của Vĩnh Phúc.

Gia vang kho tang tuan toi hinh anh

Giá vàng khó tăng tuần tới

0

Biến động trong biên hẹp tuần này cho thấy kim loại quý vẫn đang bị giới hạn. Chuyên gia Phố Wall và nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang bối rối về triển vọng của giá vàng tuần tới.

Hiếu Công

Ảnh: Hoàng Hà - Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm