Người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 27/6 trong chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài 3 ngày. Chuyến thăm diễn ra trong lúc quan hệ Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng vì hàng loạt vấn đề, từ tranh chấp thương mại đến Đài Loan và Biển Đông.
"Lập trường của chúng tôi là kiên định và rõ ràng khi nói đến vấn đề hợp nhất lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc", ông Tập nói trong cuộc gặp, theo truyền thông nhà nước.
Ông Mattis gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 27/6. Ảnh: Getty. |
Trao đổi với bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chủ tịch Trung Quốc nói Bắc Kinh không bành trướng và cũng không tìm cách đô hộ nước khác. Ông nói Thái Bình Dương đủ lớn để chứa cả Mỹ và Trung Quốc cũng như các nước.
Ông Tập nói hai nước cần thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên "nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng", lưu ý rằng hợp tác quân sự là một nền tảng cho sự ổn định của mối quan hệ.
Ông Mattis là lãnh đạo đầu tiên của Lầu Năm Góc thăm Trung Quốc kể từ năm 2014. Trước khi khởi hành đến châu Á hôm 24/6, ông có phần dịu giọng, bày tỏ hy vọng thiết lập "đối thoại chiến lược minh bạch" với các quan chức ở Bắc Kinh, sau khi mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông trước đó.
"Nói thẳng thì chúng tôi rõ ràng có chú ý đến các hành động của Trung Quốc, nhưng tôi đến đó để lắng nghe và xác định các điểm chung cũng như các điểm khác biệt ở cấp độ chiến lược vào lúc này", ông nói với phóng viên.
Ông Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa duyệt đội danh dự tại Bắc Kinh hôm 27/6. Ảnh: Getty. |
Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng 6, ông Mattis công khai chỉ trích những hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các đảo, đá mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh "hăm dọa và cưỡng ép".
Lầu Năm Góc sau đó hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất thế giới "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC).
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington cũng gia tăng vì vấn đề Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc coi là phần lãnh thổ không thể tách rời. Mỹ đã thông qua luật cho phép quan chức chính quyền Đài Bắc thăm Washington và ngược lại, cũng như khánh thành văn phòng trao đổi văn hóa tại hòn đảo, khiến Bắc Kinh tức giận.
Quan hệ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng gặp phải thách thức về vấn đề thương mại với nguy cơ lâm vào một cuộc chiến toàn diện, sau khi ông Trump quyết định đánh thuế hàng hóa Trung Quốc.