Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch TP.HCM: Tinh thần Nghị quyết 128 đã vận dụng trong Chỉ thị 18

"TP.HCM chưa có kế hoạch tổng thể triển khai Nghị quyết 128 bởi trên thực tế tinh thần chung của Nghị quyết này đã được vận dụng và cập nhật trong Chỉ thị 18", Chủ tịch TP.HCM nói.

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X sáng 19/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo nhiều sở đã báo cáo với các đại biểu HĐND TP.HCM về công tác phòng, chống dịch thời gian qua và phương hướng 3 tháng cuối năm của TP.HCM.

Đấu giá 3.970 căn nhà và 8 lô đất của Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Báo cáo về công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, trong đó có nghiên cứu, tiếp thu các định hướng từ dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Trung ương. Chỉ thị 18 về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế cũng đã tiếp thu những nội dung cập nhập nhất trong bản dự thảo mà sau này trở thành Nghị quyết 128 của Chính phủ.

"Đó là lý do đến giờ này, TP chưa có kế hoạch tổng thể triển khai Nghị quyết 128. Trên thực tế, tinh thần chung của Nghị quyết 128 đã được vận dụng và cập nhật trong Chỉ thị 18", ông Mãi giải thích.

UBND TP đang khẩn trương tổng kết làn sóng dịch thứ 4 và dự kiến tháng 10 này, TP sẽ ban hành phương án phòng chống dịch tổng thể.

thuc hien Nghi quyet 128 cua Chinh phu anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thu Hằng.

Nói rõ hơn về phương hướng thời gian tới, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ có cơ chế giám sát, cảnh báo và có cơ sở dữ liệu khoa học làm nền tảng phục vụ việc ra quyết định để điều chỉnh theo hướng nới lỏng hay siết chặt các biện pháp ở từng địa bàn, thời điểm.

TP sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, theo hướng phát triển y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi, gắn với hoàn thiện và phát huy mô hình điều trị 3 tầng cũng như tiêu chí an toàn phòng, chống dịch. Mục tiêu là đảm bảo năng lực phản ứng y tế khi có tình huống dịch bệnh.

Về tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch TP.HCM nhận định cần tập trung vào 3 nhóm: Vốn lao động; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, TP vừa tập trung hỗ trợ sản xuất, dịch vụ chủ lực có giá trị sản xuất, xuất khẩu lớn và đóng góp vào ngân sách; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhóm bị tổn thương nặng sau thời gian giãn cách.

UBND TP đã chỉ đạo rà soát từng dự án, công trình, đảm bảo tiến độ, khối lượng, phấn đấu giải ngân 95% tổng số vốn đầu tư công. Thành phố cũng sẽ triển khai các nhóm giải pháp thu ngân sách hợp lý, đảm bảo tỷ lệ thu cao nhất có thể.

"Trong tháng 11 và 12, chúng tôi tiến hành đấu giá 3.970 căn nhà và 8 lô đất của Khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện kết luận, chỉ đạo của Trung ương", ông Mãi nói.

Gần 2.000 trẻ mồ côi cha, mẹ

Báo cáo tại kỳ họp, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐTBXH), chia sẻ làn sóng Covid-19 thứ 4 đã để lại cho TP.HCM nhiều hậu quả nặng nề.

Cụ thể, gần 2.000 trẻ mồ côi cha, mẹ; trong đó, 227 trẻ là con của sản phụ mắc Covid-19; 48 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, người nuôi dưỡng và 1.805 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Bên cạnh đó, 381 người cao tuổi sống neo đơn do mất con, mất người trực tiếp nuôi dưỡng.

Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết đã tham mưu trình UBND TP.HCM Chương trình huy động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi do Covid-19 với 9 chính sách cụ thể. Đó là chăm sóc sức khỏe tinh thần, tư vấn tâm lý; sức khỏe thể chất, hỗ trợ sữa, dinh dưỡng, lương thực, thực phẩm; hỗ trợ nơi ở và đồ dùng; giáo dục, đỡ đầu học tập đến năm 18 tuổi; định hướng nghề nghiệp và học nghề; kỹ năng sống; bảo vệ pháp lý, kế thừa tài sản của người cao tuổi, trẻ em, sổ tiết kiệm, nhà, đất, xe và tài sản có giá trị khác; nhận nuôi dưỡng người neo đơn; thực hiện các hình thức chăm sóc thay thế.

thuc hien Nghi quyet 128 cua Chinh phu anh 2

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Thu Hằng.

Báo cáo về công tác giáo dục trực tuyến thời gian qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết khi bắt đầu kỳ học, hơn 70.000 học sinh thiếu thiết bị. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, đến hết tháng 9 còn khoảng 40.000 học sinh chưa có đủ trang thiết bị học tập.

Nhiều học sinh học bằng điện thoại của cha mẹ, trong đó nhiều thiết bị cũ. Trước mắt, TP đã vận động khoảng 15.000 máy tính bảng để đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến hiện nay cho các em.

Theo đề nghị của UBND huyện Cần Giờ, ngày 20/10, 2 trường học trên xã đảo Thạnh An sẽ được dạy học trực tiếp với các lớp 1, 2, 6, 9, 12. Tất cả giáo viên đã được tiêm ngừa 2 mũi vaccine, học sinh cũng đảm bảo có kết quả xét nghiệm âm tính để đi học an toàn.

thuc hien Nghi quyet 128 cua Chinh phu anh 3

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Thu Hằng.

Về công tác nhà ở, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết từ đầu năm 2021, sở đã xây dựng kế hoạch về chương trình phát triển nhà ở kế hoạch nhiệm kỳ 2021-2025 và kế hoạch hàng năm. Trong nhiệm kỳ này, TP sẽ xây dựng 50 triệu m2 nhà ở với 366.000 căn nhà. Trong đó, gần 30.000 nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn TP.

Sở Xây dựng cũng đang rà soát tổng nhu cầu và hiện trạng nhà thuê trọ cho công nhân. Theo số liệu khảo sát, hiện nay, trên địa bàn TP có 99.108 hộ cho thuê với số người thuê là 1.699.000 người, trong đó có 886.000 công nhân.

Năm 2020, TP đã ban hành hướng dẫn cho người dân xây nhà trọ, trong đó đưa ra tiêu chí lớn nhất là đảm bảo cứu hộ, cứu nạn và phòng cháy chữa cháy. Qua đợt dịch này, sở sẽ bổ sung tiêu chí đảm bảo phòng tránh dịch lây lan. Các nhà trọ không đủ điều kiện sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ.

Về nhà trên kênh rạch, trong nhiệm kỳ 2016-2020, TP đã xây dựng chương trình giải tỏa nhà trên kênh rạch. Đến nay, TP đã giải tỏa trên 2.000 căn, hiện còn 20.000.

TP đã có cơ chế chính sách để kêu gọi và hợp tác đầu tư để nâng cấp nhằm cải thiện môi trường sống cho dân và cải thiện nhà lụp xụp.

Để đạt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công năm 2021, UBND TP.HCM đề xuất giảm hơn 6.444 tỷ đồng tiền vốn đã giao cho 1.826 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm triển khai hoặc gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đồng thời, điều chỉnh tăng vốn với quy mô 3.794 tỷ đồng cho 1.524 dự án. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng có một số thay đổi.

Các đề xuất của UBND TP.HCM đã được các đại biểu thông qua tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X.

Sáng 19/10, HĐND TP.HCM cũng thống nhất với đề xuất của UBND TP.HCM về việc cho lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến ngày 1/4/2022, thay vì đầu tháng 10 năm nay. Đây là lần thứ hai TP đề nghị lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển.

TP.HCM là địa phương duy nhất có bản đồ nguy cơ đến tổ dân phố

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết để ứng phó với dịch Covid-19, Cổng thông tin 1022 đã được tổ chức thành 7 kênh để đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Tổng số lượng cuộc gọi tổng đài tiếp nhận trong thời gian từ tháng 4 đến ngày 30/9 là hơn 2 triệu cuộc gọi, có thời gian cao điểm lên đến hơn 80.000 cuộc gọi/ngày. Tỷ lệ đáp ứng trung bình trên 70%.

TP.HCM là địa phương duy nhất thực hiện được hệ thống bản đồ đánh giá mức nguy cơ an toàn đến cấp tổ dân phố, tổ nhân dân. Đến nay, bản đồ này ghi nhận hơn 218 triệu lượt truy cập.


Không 'đóng cửa' giao thông trong bất cứ cấp độ nào của dịch

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, điều quan trọng nhất khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ là không "đóng cửa" hoạt động giao thông vận tải trong bất cứ hoàn cảnh, cấp độ nào của dịch.

Thu Hằng - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm