Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch TP.HCM nói về 584 văn bản xin ý kiến 'vượt thẩm quyền'

Ông Phan Văn Mãi thừa nhận việc TP hỏi những vấn đề không cần hỏi là có, nhưng không phải tất cả. TP.HCM phân tích các vấn đề trên tinh thần không tránh trách nhiệm hay đổ lỗi.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại Hội nghị công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp sở, ngành, địa phương sáng 11/5. Ảnh: H.Q.

Tại Hội nghị công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp sở, ngành, địa phương sáng 11/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề cập vấn đề liên quan phản ánh địa phương này gửi hơn gần 600 văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022, trong khi hầu hết đều thuộc thẩm quyền của địa phương. Từ đây xuất hiện tình trạng các cơ quan hành chính, công chức, viên chức của TP.HCM không dám làm, dẫn đến đình trệ.

Vấn đề được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại buổi làm việc giữa Thủ tướng và TP.HCM hồi giữa tháng 4. Vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư tiếp tục đặt vấn đề này tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (hôm 9/5).

Ông Phan Văn Mãi khẳng định địa phương đã ghi nhận phản ánh và lập tức phân tích các văn bản đã xin ý kiến. Qua dữ liệu, thành phố nhận thấy các văn bản xin ý kiến thuộc 4 nhóm.

Nhóm 1 là các vấn đề thực tiễn của TP.HCM phát sinh, quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi.

Nhóm 2 là có những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa các luật khác nhau nên phải hỏi.

Nhóm 3 là đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau nên phải hỏi.

Nhóm 4 là đã có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên vẫn phải hỏi.

"Nếu quy các trường hợp của nhóm 4 là sợ, không dám làm thì có thể đúng, nhưng các nhóm còn lại phải hỏi. Thực tế trong hơn 600 văn bản bộ trả lời có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào câu trả lời cũng không biết sao mà làm", lãnh đạo TP.HCM nói.

trach nhiem can bo anh 1

Người dân làm thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ông Mãi thừa nhận việc thành phố hỏi những vấn đề không cần hỏi là có, nhưng không phải là tất cả. Thành phố phân tích các vấn đề trên tinh thần không trốn tránh trách nhiệm hay đổ lỗi.

Trước đó, tại buổi làm việc giữa TP.HCM với đoàn công tác Thủ tướng hồi tháng 4, nhiều lãnh đạo bộ, ngành có cùng quan điểm về việc vướng mắc tư tưởng thụ động của cán bộ, lãnh đạo và những người thực thi ở thành phố là nguyên nhân cốt lõi gây ra sự sụt giảm tăng trưởng của TP.HCM trong thời gian qua.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn chứng năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết vấn đề được hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố.

"Đây là điều rất vô lý, thể hiện sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông cho rằng ngoài các nguyên nhân khách quan, tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ đợi, thiếu chủ động là lý do khiến kinh tế của TP.HCM sụt giảm. Nếu không giải quyết vấn đề này, TP.HCM khó tạo đột phá về tăng trưởng trong thời gian tới.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

Điểm nghẽn cán bộ đang 'ghìm chân' TP.HCM

Không có cơ chế đảm bảo cho việc "phá rào", tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn của nhiều cán bộ khi thực thi công vụ trở thành điểm nghẽn khiến TP.HCM đi chậm lại.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm