Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chủ tịch TP.HCM: Đánh giá lại việc ăn uống tại chỗ

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết ông nhận được nhiều ý kiến phản đối việc ăn uống tại chỗ và thí điểm bán rượu bia. TP.HCM dự định tăng quy mô xét nghiệm để giám sát dịch tốt hơn.

dich benh tai TP.HCM xu huong tang anh 1

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất vừa được Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM công bố, TP.HCM vẫn ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình). Tuy nhiên, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè đã nâng cấp độ dịch từ 2 lên 3 (vùng cam, nguy cơ cao). Tuần qua, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM cũng có xu hướng tăng, theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM. Huyện Hóc Môn trở thành địa bàn nóng khi phát sinh 25 ổ dịch trong vòng 2 tuần liên tiếp, số ca F0 có chiều hướng tăng cao.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sáng 8/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang chuẩn bị nhiều kế hoạch để có một hệ thống cảnh báo sát thực tế hơn. Ông cũng trao đổi quan điểm về tiến độ mở cửa thêm các dịch vụ mới trong bối cảnh hiện nay.


Nhiều ý kiến phản đối việc thí điểm bán rượu bia

Trước phản ánh của báo chí về việc người dân đang chờ mở thêm các dịch vụ khác, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng đây mới chỉ là quan điểm của một số nhóm. Ông chia sẻ "đang bị phê bình" vì cho bán ăn tại chỗ và thí điểm bán bia, rượu (tại quận 7, TP Thủ Đức). Cụ thể, vị chủ tịch nhận được nhiều ý kiến cho rằng khi tình hình dịch đang tăng lên thì thành phố lại cho mở ra nhiều dịch vụ.

"Thật ra, quan điểm sống thích ứng với dịch vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Băn khoăn về việc không an toàn là chính đáng. Để đảm bảo kiểm soát được dịch thì phải mở từ từ, chúng ta sẽ không có bình thường như ngày xưa mà sẽ là bình thường mới", ông Mãi nói.

dich benh tai TP.HCM xu huong tang anh 2

TP.HCM cho phép ăn uống tại chỗ từ 27/10, sau 5 tháng liên tiếp tạm dừng hoạt động này. Ảnh: Phương Lâm.

Ông chia sẻ thêm hiện có nhiều quan điểm cho rằng thành phố không nên cho ăn uống tại chỗ và thậm chí "phản đối ghê gớm" việc thí điểm bán rượu bia. Thành phố đang trong quá trình đánh giá ưu/nhược của từng giải pháp này. Theo đánh giá ban đầu, quận 7 ghi nhận không phát sinh nhiều ca dương tính từ khi thí điểm, nhưng đang tiếp tục rà soát đến 15/11.

"Ở đây không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tốt hơn. Xã hội có nhiều góc nhìn và ý kiến. Ở góc độ mong muốn tốt cho TP thì chúng ta tiếp thu xem cái nào tốt hơn", vị chủ tịch nói.

Người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết thành phố đang cân nhắc và tới ngày 15/11, dự kiến chính thức có một vài điều chỉnh trên tinh thần gần hơn với Nghị quyết 128. Cụ thể, tùy theo hoạt động, với cấp độ 1 có thể hoạt động 100%; cấp độ 2 hoạt động 75%; cấp độ 3 là 50%; và cấp độ 4 còn 25% hoặc phải tạm ngưng.

Ông cho biết bên cạnh thực thi Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP.HCM còn đang thực hiện một số quy định của Chỉ thị 18; các bộ tiêu chí theo lĩnh vực; hoặc các văn bản khác.

Zing đặt vấn đề về việc liệu sau 15/11, thành phố có một văn bản chung để thống nhất các quy định đang còn "rải rác", ông Phan Văn Mãi chia sẻ đây cũng là mong muốn của thành phố nhưng hiện ông chưa thể có câu trả lời chính thức.

Tăng xét nghiệm với tỷ lệ 4/1.000 dân

Về kiểm soát và cảnh báo dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết hiện các địa phương đang đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Thêm vào đó, theo tham mưu của Sở Y tế, TP.HCM đang nghiên cứu thêm các tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đánh giá tình hình dịch.

Nhóm tiêu chí thứ nhất về tình hình dịch bệnh, cụ thể: Số ca chuyển nặng; số ca tử vong; số ca mắc/100.000 dân; tỷ lệ ca dương tính trên tổng số xét nghiệm. Nhóm tiêu chí thứ 2 về năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, tức năng lực tiếp nhận, chăm sóc điều trị.

Dựa trên các tiêu chí này, thành phố có cơ sở chặt chẽ để cảnh báo cho các địa bàn nếu như tình hình dịch diễn biến theo xu hướng tăng lên. "Xu hướng là tuần vừa rồi, số ca dương tính tăng lên 5,07%", ông Mãi cho hay.

dich benh tai TP.HCM xu huong tang anh 3

TP.HCM hiện có 2 địa bàn vùng cam là huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè. Ảnh chụp Bản đồ Covid-19 ngày 8/11.

TP.HCM đã và đang lên kế hoạch triển khai xét nghiệm với quy mô mẫu rộng hơn nhằm đánh giá tình hình sát thực tế hơn. Ông Mãi nhấn mạnh việc xét nghiệm này cần đảm bảo 2 yếu tố là quy mô mẫu và cơ cấu xét nghiệm sao cho "trúng", mẫu xét nghiệm có độ tin cậy cao.

Cụ thể, thành phố dự định xét nghiệm với tỷ lệ 4/1.000 dân. Theo tính toán, với 10 triệu dân thì mỗi ngày, thành phố phải xét nghiệm ít nhất khoảng 6.000 mẫu. Trong đó, hướng tới người dân từ 4 nhóm địa bàn: Cơ sở y tế; ổ dịch; nơi tập trung đông người (siêu thị, nhà máy, xí nghiệp...); và người về từ vùng dịch.

"Vừa xét nghiệm 4 người/1.000 dân, vừa nằm trong 4 đối tượng đó mới đạt được độ tin cậy", ông giải thích. Vị chủ tịch cho biết đây sẽ là giải pháp thường xuyên để thành phố giám sát tình hình hàng ngày.

Về quy trình xử lý, người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết thành phố đang tiếp cận theo 2 giai đoạn. Nói đơn giản là "trước F0" và "sau F0", nghĩa là có biện pháp ngăn chặn nguồn lây nhiễm, hình thành F0; và chăm sóc F0 sau khi bị nhiễm.

Đối với công tác phòng dịch, ông Phan Văn Mãi nói "không gì quan trọng hơn ý thức". Dự kiến, bên cạnh 5K, TP.HCM sẽ có thêm khuyến cáo như: Súc họng, súc mũi, xông hơi... Cùng với đó là tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý việc thực hiện 5K.

dich benh tai TP.HCM xu huong tang anh 4

TP.HCM dự kiến tăng quy mô xét nghiệm để đánh giá dịch sát thực tế hơn. Ảnh: Duy Hiệu.

Với việc chăm sóc F0, thành phố đang củng cố các đội phản ứng nhanh. Ông Mãi nhận định một số xã, phường, thị trấn đã làm tốt công tác này, nhưng có nơi cần tiếp tục củng cố vì "đang có kẽ hở".

Chủ tịch TP.HCM lấy ví dụ có tình trạng nhà máy, xí nghiệp khi xét nghiệm ra F0, thay vì báo ngay để cách ly thì lại để F0 về chỗ ở, rồi mới báo lên trạm y tế tại nơi cư trú. Quá trình kéo dài thời gian này sẽ tăng khả năng tiếp xúc, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Đây là "kẽ hở" đầu tiên cần được khép lại.

"Kẽ hở" thứ 2 được ông Mãi đề cập là sau khi phát hiện F0, ngành y tế địa phương cần tiếp cận ngay để hướng dẫn, cấp thuốc. Đây là biện pháp phải thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn nguy cơ chuyển nặng, tử vong cho bệnh nhân.

Cùng với các biện pháp này, thành phố đang khẩn trương củng cố trạm y tế lưu động. Một số địa bàn cần củng cố lại nhân lực, cơ chế hoạt động.

Cuối cùng là củng cố hệ thống y tế cơ sở. Theo đó, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã nhiều lần nêu ý kiến về việc cần cơ cấu nhân lực cơ sở y tế theo quy mô dân số thay vì khung chung như hiện nay.

Trong thời gian chờ chủ trương, cơ chế, kinh phí, thành phố đã và đang củng cố nhân lực tại một số địa bàn đông dân cư như quận 8, huyện Nhà Bè... Những địa bàn phát sinh thành điểm nóng dịch, ví dụ như Hóc Môn, thành phố sẽ cử đội phản ứng nhanh về hỗ trợ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Chính sách về y tế còn chắp vá

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết tại TP.HCM, các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện ở quận, huyện trực thuộc Sở Y tế. Như vậy, UBND địa phương rất khó điều phối lực lượng.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm