Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch TP.HCM: Đã làm hết sức có thể trước việc khan hiếm xăng dầu

Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ địa phương đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp trong khả năng để tháo gỡ khó khăn lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu.

Người dân TP.HCM những ngày qua phải xếp hàng rất lâu để có thể đổ xăng, bởi hàng loạt cây xăng trên địa bàn đóng cửa. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nhiều ngày qua, con số cửa hàng cạn kiệt xăng dầu tại TP.HCM liên tiếp tăng. Hiện, toàn địa phương có tổng cộng 121 cửa hàng hết xăng dầu. Khách hàng ồ ạt chuyển sang các cây xăng của Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro chờ mua xăng trong bối cảnh cửa hàng của doanh nghiệp tư nhân khác đóng cửa.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp chuyên đề HĐND lần thứ 7, khóa X, sáng 11/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết những ngày qua, các cơ quan, đơn vị của thành phố "chạy ra chạy vô" báo cáo liên tục. Bằng nhiều giải pháp có thể, thành phố đã đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn này.

"Chúng tôi nắm rõ vấn đề vừa qua, những khó khăn của người dân trong việc mua xăng được theo dõi sát sao. Thành phố cũng nhận diện sớm vấn đề để áp dụng một số biện pháp", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Khẳng định TP.HCM đã làm hết những gì có thể để góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm xăng dầu những ngày qua, ông Mãi cho biết thành phố đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kịp thời điều chỉnh giá xăng, dầu phù hợp với thị trường, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Về phía địa phương, TP.HCM điều chỉnh giờ lưu thông của các xe bồn vận chuyển xăng, tránh việc bị ảnh hưởng nguồn hàng trong giờ cao điểm; huy động xe bồn chở xăng tăng cường...

Hồi tháng 2, hàng loạt cây xăng trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam đồng loạt treo biển hết hàng, tạm nghỉ bán vì thiếu hụt nguồn cung, giá bán ra thấp hơn giá nhập vào. Hơn 6 tháng sau, tình trạng này tiếp tục tiếp diễn với lý do tương tự.

kho khan xang dau anh 1

Nhiều người dân tranh thủ đổ xăng vào ban đêm trong những ngày qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đặc biệt, từ giữa tháng 8 đến nay, sau thông tin 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu 1-2 tháng, các doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn hơn về nguồn cung lẫn chiết khấu.

Đỉnh điểm đến ngày 8-9/10, 54 cửa hàng tại TP.HCM đóng cửa, nhiều cây xăng chỉ bán tối đa 30.000 đồng/xe máy và 200.000 đồng/ôtô. Hàng loạt cửa hàng tại khu vực phía Nam tạm ngừng kinh doanh vì thiếu nguồn cung trầm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Đông Sài Gòn là đơn vị có một cây xăng phải tạm ngưng hoạt động trong ngày 9/10 cho biết nguồn cung xăng dầu tê liệt hoàn toàn.

"Chúng tôi nhập hàng của Petrolimex nhưng hiện nay nhà cung cấp này báo quá hạn mức giao hàng và không hẹn ngày giao. Đến sáng nay (11/10), các cây xăng của doanh nghiệp gần như hết sạch xăng và dầu", ông nói với Zing.

Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía nam cho biết hiện tại nguồn cung xăng dầu của doanh nghiệp vẫn đáp ứng đủ cho các tổng đại lý, đại lý và cửa hàng thuộc hệ thống.

Để giải quyết tình trạng này, ông cho rằng Nhà nước cần điều chỉnh lại giá cơ sở xăng dầu sát với biến động của giá thị trường thế giới. Chỉ khi tăng từ 500 đồng trở lên thì các cơ sở xăng dầu mới hoạt động ổn định.

Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ công tác điều hành giá xăng dầu

Có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu thua lỗ và phải đóng cửa.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm