Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Tôn Hoa Sen 'khoe' vay VND lãi suất 9%/năm

Ông Lê Phước Vũ cho rằng, doanh nghiệp của mình có độ rủi ro ít nên được ngân hàng cho vay với lãi suất rất thấp.

Chủ tịch Tôn Hoa Sen 'khoe' vay VND lãi suất 9%/năm

Ông Lê Phước Vũ cho rằng, doanh nghiệp của mình có độ rủi ro ít nên được ngân hàng cho vay với lãi suất rất thấp.

- 2012 là một năm đầy biến động của giới doanh nhân, doanh nghiệp. Cá nhân ông cảm nhận về điều này như thế nào?

- Có thể nói những khó khăn hiện nay vừa rộng lại vừa sâu và đó là sự trả giá cho quá trình phát triển rộng mà không có yếu tố bền vững. Bản chất, các doanh nghiệp cần cạnh tranh dựa trên chất lượng sản phẩm và hoạt động mang tính chất bền vững, thiết thực. Song tại Việt Nam, xu thế kinh doanh dựa trên yếu tố cơ hội, có thể nói là chộp giật rất nhiều và khi nền kinh tế xấu đi, nó bộc lộ rõ. Vì vậy mà nếu doanh nghiệp nào tạo ra được những sản phẩm tốt có chất lượng cao, giá thành hạ, thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối tốt, chắc chắn sẽ vượt qua được khó khăn.

Khi kinh tế khó khăn, mọi yếu tố sẽ bộc lộ qua dòng tiền. Với một số doanh nghiệp, hàng tồn kho nhiều lên, dòng tiền không quay về, bị chậm các khoản vay dẫn đến việc ngân hàng đánh giá thấp chất lượng tín dụng và hạn chế cho vay hoặc cho vay với lãi suất cao. Vì thế mà, có những doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự.

 

 "Khoe" mức lãi suất vay ngân hàng của Tôn Hoa Sen chỉ 8,75-9%/năm, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ nhận định, khi các vấn đề vĩ mô giải quyết xong, chắc chắc doanh nghiệp sẽ tiếp cận được vốn lãi suất thấp và nguồn vốn dồi dào, đồng thời tăng trưởng về xuất khẩu.

- Nhưng theo nhiều ý kiến, bên cạnh các yếu tố chủ quan, nội tại từ doanh nghiệp thì những nhân tố ngoại biên như thị trường, dòng vốn cũng tác động đến những khó khăn nêu trên. Ông nghĩ như thế nào?

- Bản chất và cũng là nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng tài chính toàn cầu và cả Việt Nam hiện nay đều xuất phát từ tài chính, ngân hàng, tiền tệ. Những khoản cho vay dưới chuẩn đổ quá nhiều vào bất động sản, khiến cho nguồn lực quốc gia bị tập trung nhiều vào lĩnh vực mang tính đầu cơ cao, không tạo ra được các sản phẩm thật, tăng trưởng thật, thu nhập thật, sức mua thật cho xã hội. Hệ quả như hiện nay xảy đến là tất yếu. Vì vậy tôi nghĩ, vấn đề hiện nay thuộc về những nhà làm chính sách, làm sao thiết lập được những nguyên tắc rõ ràng của hệ thống tài chính và ngân hàng. Nếu chúng ta không giải quyết rõ ràng, tôi nghĩ những vấn đề của hiện tại sẽ lặp lại.

- Ông nghĩ sao về việc nhiều chủ doanh nghiệp than phiền lãi suất vay vốn quá cao?

- Cần hiểu ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, nếu khách hàng rủi ro thì chi phí sẽ cao hơn. Trường hợp Tôn Hoa Sen, chúng tôi chỉ phải vay vốn với lãi suất khá thấp, 9%/năm với VND, thậm chí 8,75%/năm, còn USD là 3-4%/năm. Có lẽ vì ngân hàng đánh giá rủi ro chúng tôi thấp, họ tin vào khả năng hoạt động của chúng tôi. Tôi cho rằng, doanh nghiệp cần phải giải quyết bài toán hàng tồn kho, đảm bảo dòng tiền và tạo lòng tin của ngân hàng. Khi các vấn đề vĩ mô giải quyết xong, chắc chắc doanh nghiệp sẽ tiếp cận được vốn lãi suất thấp và nguồn vốn dồi dào, đồng thời tăng trưởng về xuất khẩu. Trong 3 thập niên tới, tăng trưởng chính của toàn cầu sẽ tập trung ở Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong khu vực này, hoàn toàn có tiềm năng.

- Vậy ông có lời khuyên gì để doanh nghiệp có thể vượt qua khủng hoảng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm vừa qua?

- Chúng tôi có những khó khăn từ năm 2008, nhưng vì ý thức được dòng tiền nên đã nỗ lực đưa nhà máy khai thác tối đa các hoạt động trong thời gian sớm nhất, có dòng tiền tốt và ổn định tài chính, đẩy mạnh xuất khẩu cũng như thị trường nội địa nên vượt qua được khủng hoảng. Tôi cũng hi vọng sau giai đoạn này, các doanh nghiệp sẽ nhìn lại mình, có một cái nhìn đúng hơn với quan niệm kinh doanh, đầu tư đúng hơn để có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm