Chủ tịch Tôn Hoa Sen: Người biết đi ngược dòng
Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã quyết định đầu tư mạnh vào đúng lúc khủng hoảng, giá thiết bị thấp, tạo động lực cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
- Có phải ông và gia đình mua thêm cổ phần HSG, đưa tỷ lệ sở hữu lên trên 50% vì lo sợ doanh nghiệp bị thâu tóm không?
- Khi khởi sự Tôn Hoa Sen với 22 người và vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tôi không nghĩ đến ngày công ty có quy mô vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng và mức vốn hóa thị trường gần 1.800 tỷ đồng như hiện nay. Tôi có thói quen làm việc gì thì tập trung mọi nguồn lực để đạt mục đích, nhưng thú thật có được tập đoàn như bây giờ là điều tôi không ngờ.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen |
HSG là minh chứng cho thấy người Việt Nam có thể đứng vững và làm được nhiều việc như các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện HSG vẫn phát triển bền vững và để đề phòng bị thâu tóm chúng tôi đã phải mua thêm cổ phiếu.
- Yếu tố nào giúp ông vượt qua được diễn biến xấu của nền kinh tế trong những năm vừa qua?
- Đã là doanh nhân thì phải hiểu nguy cơ luôn đến bất kỳ lúc nào. Người đứng đầu phải có trách nhiệm, lương tâm và trung thực, phải gánh vác trách nhiệm với hàng ngàn lao động, cổ đông.
Chúng tôi đã phải chống chọi với nhiều khó khăn từ năm 2008. Trong suốt bốn năm 2008-2011, chúng tôi rất vất vả khi ngân hàng siết tín dụng, tỷ giá biến động, huy động vốn không thành công... Tôi đã phải xuống tận nơi, đốc thúc quyết liệt để có thể đưa Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ với quy mô hàng đầu Đông Nam Á vào vận hành chỉ sau 10 tháng. Nhờ đó mà dòng tiền của công ty đã được cải thiện đáng kể trong ba năm nay.
- Hoa Sen có hệ thống hơn 100 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. Cách kinh doanh không cần đại lý của ông khiến nhiều người nghi ngờ, ông có tin mô hình này sẽ tiếp tục thành công trong dài hạn?
HSG qua một vài con số: + Doanh thu: 10.088 tỷ đồng. + Lợi nhuận sau thuế: 368 tỷ đồng (năm 2011 doanh thu 8.166 tỷ đồng và lợi nhuận 160 tỷ đồng). + Thị phần: trên 40%. + Doanh thu xuất khẩu: 180 triệu đô la Mỹ (năm 2011 là 101 triệu đô la Mỹ), thị trường xuất khẩu lớn nhất là các nước ASEAN. + Tỷ trọng đầu tư ngoài ngành trên tổng vốn chủ sở hữu hiện dưới 10% (vốn chủ sở hữu tại ngày 30-9-2012 là 2.018 tỷ đồng). + Dự kiến 2013: tăng trưởng ít nhất 10% về doanh thu và lợi nhuận. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán niên độ tài chính 2011-2012, từ 1-10-2011 đến 30-9-2012) |
- Tôi đã thấy nhiều doanh nghiệp phải phá sản trong khi có hàng tỷ đô la Mỹ và tự hỏi làm sao có thể tồn tại trong cơ chế khắc nghiệt này. Mạnh thì dùng sức, yếu thì dùng thế, tôi đã làm theo cách mà nhiều người Việt từng làm.
Kinh doanh là bài toán dòng tiền. Quản lý dòng tiền tốt phải quản lý từ khâu bán hàng, đó là hệ thống phân phối và thương hiệu. Ta không đua được với thương hiệu lớn về chi phí tiếp thị nên phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất, gần gũi khách hàng qua hệ thống bán lẻ. Sau đó mới đầu tư thương hiệu, nhà máy với công nghệ cao dần, hoàn thiện chất lượng liên tục với chi phí thấp nhất. Và sau khi ổn định thị trường nội địa, chúng tôi vươn ra xuất khẩu. Đến giờ tôi có thể khẳng định, tập đoàn Hoa Sen là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành tôn ở Việt Nam và có vị thế ngày càng mạnh trên thị trường khu vực.
Việc chúng tôi có hệ thống phân phối riêng là một lợi thế. Một số nước như Thái Lan, Indonesia đã muốn tôi làm như thế với họ.
Hiện chúng tôi đang thử nghiệm mô hình nhượng quyền đại lý phân phối để mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm. Ngoài hệ thống phân phối hạt nhân đang có, tôi cho phát triển thêm hệ thống phân phối thứ cấp nhằm tăng độ phủ của sản phẩm. Qua một số điểm thử nghiệm, tôi thấy khả thi, nhưng cũng cần thêm thời gian để khẳng định tính hiệu quả của mô hình này.
- Mô hình công ty gia đình chưa khẳng định được sự thành công bền vững. Trong nhiều công ty gia đình lớn tại Việt Nam thường có sự lạm quyền của người chủ, có trục trặc trong quản trị, ông làm gì để hạn chế điều đó?
- Không có sự hoàn hảo, chỉ có sự tối ưu. Một doanh nghiệp có quá nhiều cổ đông nhỏ thì cũng giống kiểu cha chung không ai khóc. Có một cổ đông lớn có ý kiến chi phối thì cổ đông nhỏ có người lo thay cho mình. Bản chất của người điều hành ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, nếu người đó xấu thì doanh nghiệp thường không tốt. Bản chất con người là tham lam, hôm nay tốt nhưng ngày mai có thể không tốt, vì thế cần có chế tài. Thị trường là niềm tin, nếu tin nhau sẽ ở lại với nhau.
- Điều gì ở Hoa Sen khiến ông tự tin thế?
- Thứ nhất, Hoa Sen đã qua giai đoạn khá ồn ào trên thị trường với sự việc tổng giám đốc phải nghỉ việc sau 18 ngày. Đến nay tôi yên tâm với một đội ngũ đáng tin cậy, trong sạch, giảm thiểu khả năng về tham nhũng, tư lợi, lãng phí. Qua chuyện đó tôi đã có cái nhìn cũng như chính sách đúng hơn về con người, chúng tôi xây dựng một hệ thống quản trị để tập đoàn không phải lệ thuộc vào bất cứ cá nhân nào.
Yếu tố thứ hai là chúng tôi chọn đúng thời điểm đầu tư. Năm 2009 khi giá máy móc thiết bị và thầu xây dựng cực rẻ tôi đã đầu tư nhà máy, nhờ đó chi phí đầu tư rất thấp. Hiện tôi đang đứng vững và chờ một chu kỳ tăng trưởng mới dù bối cảnh kinh tế khó khăn. Trong cuộc chiến thì những người sống sót đều là anh hùng.
- Việc ông thay Tổng giám đốc sau 18 ngày khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi, tại sao ông lại hành xử với người đã gắn bó với mình nhiều năm như vậy?
- Hãy nhìn vào kết quả của tập đoàn hôm nay để xét đoán thêm tôi quyết định như thế đúng hay sai.
- Tên tuổi của ông gắn liền với Hoa Sen, ông thấy điều gì ở người lãnh đạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp?
- Tùy thuộc bản chất từng người lãnh đạo nhưng tôi nghĩ có một số giá trị người lãnh đạo phải giữ gìn và hướng đến. Tất cả giá trị phải được thể hiện trong hoạt động của doanh nghiệp, ở sự làm ăn minh bạch, rõ ràng, không tham nhũng. Lãnh đạo không làm gương thì không thể tạo được sự đồng thuận, không thể tập hợp được sức mạnh chung để hình thành văn hóa doanh nghiệp, không thể thúc đẩy được nhân viên làm việc tận tụy và giữ gìn giá trị văn hóa doanh nghiệp.
- Ông học ít hơn so với nhiều doanh nhân khác, có bao giờ đó là điểm khiến ông mất tự tin?
- Tôi vẫn thấy đó là nhược điểm trong chừng mực nào đó vì việc học luôn cần thiết. Thời trẻ nhà tôi rất nghèo nên không có điều kiện học. Đó là quá khứ, tôi bù đắp bằng sự học trong thực tiễn, trong kinh doanh, trong cuộc sống, học để trở thành người làm ăn chân chính và tạo ra giá trị bằng mồ hôi, trí óc và tạo ra một doanh nghiệp mà mọi nhân viên đều đàng hoàng.
Giá trị quan trọng nhất trong một con người là chữ Nhân. Tôi học cách lắng nghe để quyết định đúng đắn bằng cái tâm trong sáng. Nếu một người có tư tưởng không lành mạnh, không trung thực, tham lam quá đáng, hay che giấu thì những người đó không bao giờ có tư duy tốt và sáng tạo.
- Ai là người ảnh hưởng ông nhiều nhất?
- Đức Phật. Tôi là Phật tử thực sự. Tôi đã ngộ ra giá trị Ngài dạy và đem vào công việc.
“Gặp” Đức Phật là nhân duyên lớn nhất trong đời tôi và đó cũng là giá trị lớn nhất trong đời, kể cả tài sản tôi tạo ra cũng không giá trị bằng sự giác ngộ mà tôi nhận ra. Đó là một giá trị vô giá, từ giá trị đó tôi tạo ra giá trị vật chất. Ông Vũ ngày nay dù vẫn còn phàm phu nhưng đã thánh thiện hơn nhiều so với ông Vũ trước khi giác ngộ đạo Phật cách đây 20 năm.
Tôi nhận thức đầy đủ mọi diễn biến xung quanh tôi, mọi việc sẽ đi về đâu theo quy luật nào nên tôi tránh được (nhiều cạm bẫy) và có thành công như hôm nay. Những điều ta đang biết và đang sống còn rất nhỏ. Nếu ta biết sống tốt, hướng thiện, chia sẻ với mọi người ta sẽ nhận được vô số điều màu nhiệm và quý giá trong cuộc sống.
- Đã nhiều năm làm kinh doanh, có bao giờ ông nghĩ sẽ trở thành một chính khách hay một tu sĩ, giã từ cuộc chơi với kinh doanh?
- Chính khách ư? Không bao giờ. Tôi thấy không phù hợp.
Doanh nhân, chính khách hay tu sĩ không quan trọng bằng hạnh phúc với việc mình làm. Cuộc sống có nhiều ngã rẽ. Mọi điều có thể xảy ra. Tôi chỉ có khái niệm tôi thành công chân chính, nhân viên của tôi hạnh phúc, đàng hoàng, trung thực. Đó là niềm vui lớn nhất.
Cũng có thể vài năm nữa tôi thành tu sĩ hay vẫn kinh doanh, mọi việc đều có thể xảy ra. Chẳng có gì là bất biến.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn