Dẫn chứng nhiều doanh nghiệp đang gồng mình chống chọi, để máy móc hoạt động cầm chừng và sẽ đóng cửa nếu 2-3 tháng tới tình hình không khả quan hơn, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng kinh tế vẫn chưa vượt qua giai đoạn thấp điểm nhất.
“Kinh tế sẽ mất thêm một thời gian để trượt về đáy rồi hồi phục, không thể bật dậy nhanh chóng được. Chúng ta cần thời gian để các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống”, PGS Bảo chia sẻ tại buổi tọa đàm do Forbes tổ chức tối 18/5.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng kinh tế Việt Nam cần thời gian để hồi phục. Ảnh: Phương Lâm. |
Không có chỗ cho sự lãng phí
Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cũng có quan điểm doanh nghiệp vẫn chưa "ngấm đòn" thật sự và tổng cầu trong năm nay, đến hết năm sau sẽ sụt giảm. Theo ông, điều này xuất phát từ việc người tiêu dùng Việt có thói quen để dành nên 1-2 tháng không có thu nhập vẫn xoay sở được nhưng kéo dài đến 6 tháng sẽ trở thành vấn đề lớn.
“Khó khăn đang nằm ở phía trước. Ví dụ Thế giới Di động tháng 5 này doanh thu trở lại 9.000-10.000 tỷ đồng mà nghĩ tương lai cũng như vậy là không đúng”, ông Tài chia sẻ.
Ông Tài nhấn mạnh trong khó khăn, không có chỗ cho sự lãng phí và doanh nghiệp phải vận hành mọi thứ cực kỳ hiệu quả. Doanh nghiệp của ông không chọn hướng kích cầu mà kiểm soát chi phí chặt chẽ như đàm phán giảm giá thuê mặt bằng, cắt giảm chi phí khuyến mãi.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long Cô Gia Thọ cho rằng không thể biết được dịch Covid-19 khi nào mới chấm dứt hoàn toàn nhưng khẳng định những mặt hàng thiết yếu có chất lượng, uy tín vẫn sẽ chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Do đó, ông Thọ nhấn mạnh việc cốt lõi nhất với các doanh nghiệp để tiếp tục đứng vững vẫn là sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, thân thiện môi trường, cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng. Ông Thọ cho biết khi Thiên Long đã chiếm tới hơn 60% thị phần trong nước, công ty đang đẩy mạnh việc xuất khẩu khi dư địa còn rất lớn so với thị trường nội địa.
Hoạt động xuất khẩu đang gặp khó khăn khi dịch bệnh làm nhiều nền kinh thế giới đóng băng. Ảnh: Lê Quân. |
Ông cho hay Thiên Long đã xuất khẩu sản phẩm đến 65 nước nhưng cơ cấu doanh thu từ thị trường bên ngoài mới chiếm 15-20%. Dù chưa có lợi nhuận nhiều từ hoạt động xuất khẩu khi phải đầu tư lớn, ông kỳ vọng hoạt động kinh doanh tại các thị trường quốc tế sẽ sớm phát triển mạnh.
PGS Bảo cũng khẳng định không phải vì hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 mà các doanh nghiệp từ bỏ. “Xuất khẩu vẫn phải là mũi nhọn trong chiến lược kinh tế vĩ mô”, vị chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.
Nhắc đến nguyên tắc cơ bản của quản trị rủi ro là đa dạng hóa, ông cho rằng để phát triển bền vững, không nên phụ thuộc vào một quốc gia nào. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có sức đề kháng tốt hơn, tránh được cú sốc khi lệ thuộc vào một thị trường. Các doanh nghiệp tư nhân với sự năng động sẽ biết đâu là hướng đi để phát triển bền vững.
Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp
Bên cạnh những chiến lược kinh doanh, cả hai doanh nhân đều khẳng định văn hóa doanh nghiệp là chất keo quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh.
Chủ tịch Thiên Long cho biết thời gian qua, từ HĐQT, ban điều hành đến các giám đốc bộ phận công ty đều chấp nhận giảm lương. “Nếu công ty không có văn hóa nhân văn thì rất khó làm được, không có sự đoàn kết và phát triển”, ông Thọ nói.
Ông chủ Thế giới Di động cho biết nhân viên của công ty chấp nhận giảm lương trong lúc khó khăn. “Thời điểm đó, những lãnh đạo cao nhất của công ty cũng đi làm không lương. Lúc khó khăn, nhân viên sẵn sàng đồng cam cộng khổ vì họ biết sau này khi công ty phát triển tốt, mọi thứ sẽ lại ngon lành”, ông Tài chia sẻ.
Ông Tài nói trong giai đoạn vừa qua, doanh nghiệp không cho nghỉ một nhân viên nào, bảo toàn 100% lực lượng vì ông tin rằng nguồn nhân sự tốt sẽ là nguồn lực giúp công ty phục hồi. Trong tháng 5, khi tình hình kinh doanh khả quan trở lại, công ty cũng quyết định dừng chính sách giảm lương, thu nhập của nhân viên quay lại mức trước đây.
“Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, cái cốt lõi nhất theo trải nghiệm của tôi là chữ đức trong kinh doanh. Những cái chụp giật, có thể hôm nay nó lên nhanh, nhưng ra đi cũng nhanh không kém. Cái gì thật thì khách hàng biết, nhân viên biết, đối tác biết. Cái gì ảo họ cũng biết nhưng không nói cho bạn, khi gặp sự cố sẽ thấy”, ông Tài đúc kết.
Bên cạnh những khó khăn do dịch Covid-19, ông chủ Thế giới Di động cũng cho rằng Covid-19 mang đến cơ hội thay đổi hành vi của khách hàng. Cụ thể, dịch bệnh thúc đẩy người tiêu dùng thói quen mua sắm trực tuyến hay sử dụng dịch vụ đi chợ hộ. Trước đây, các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí khuyến mãi để thuyết phục khách hàng sử dụng những dịch vụ này.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm có thể thực hiện những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với giá rẻ nhất. Tuy nhiên, ông Tài cho biết không có dự định thâu tóm các doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà hướng đến các công ty phụ trợ liên quan.
Ông lấy ví dụ nếu tìm được một công ty kho vận, vận tải tốt, Thế giới Di động có thể đầu tư đổi lấy 20-30% cổ phần. Khi đó, các doanh nghiệp này vừa có dòng tiền để tiếp tục hoạt động, vượt qua khó khăn và đồng thời trở thành thành sương sống trong tương lai của tập đoàn.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, PGS Bảo đánh giá dịch Covid-19 là một sự kiện giúp nhìn nhận lại sức khỏe của cả nền kinh tế và tính tự chủ trong sản xuất khi Việt Nam đang quá lệ thuộc vào một thị trường ở cả đầu vào và đầu ra.
“Những chuyện này chúng ta đều đã biết trước đây. Lần này Covid-19 khiến chúng ta phải giải bài toán đa dạng đầu vào, đầu ra. Đây là một cú sốc khiến những kiến trúc sư vĩ mô phải nhìn lại nền kinh tế để tái cấu trúc cần thiết”, ông Bảo chia sẻ.