Ngày 25/3, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị chuyên ngành lần đầu tiên về vấn đề tài nguyên và môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu dành nhiều thời gian để nói về việc kiềm chế "sốt đất" và bảo vệ môi trường.
Ngăn chặn đầu cơ đất
Sau khi nghe báo cáo của các ngành về việc nhiều dự án vướng giải phóng mặt bằng và tình trạng xây nhà không phép, sai phép, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tỏ ra băn khoăn khi thấy giá đất ngoài thị trường ngày một tăng cao khiến hộ nghèo, cận nghèo khó tiếp cận đất có đầy đủ thổ cư để xây nhà. Vì vậy, ông Lâu đề nghị cấp ủy và chính quyền địa phương nghiên cứu tìm giải pháp kềm chế việc sốt đất.
“Giá đất như hiện nay thì có người cả đời chưa mua mua nhà. Như vậy thì họ phải ở nhà xã hội, tạo thêm gánh nặng cho địa phương”, ông Lâu phân tích.
Ông cũng cho rằng giá đất tăng liên quan đến đầu cơ đất tại một số nơi có dự án triển khai. Nhiều người nghe thông tin nơi nào sắp có dự án đã đến mua đất đầu cơ, tạo sốt giá. Khi dự án triển khai, khu vực này vướng mặt bằng của chính những người đầu cơ đất.
Ông nhấn mạnh khi có dự án, cơ quan chức năng cần công bố trước cho dân là dự án đi qua là phải mở đường, thu hồi 2 bên bồi thường theo giá Nhà nước. Ai từng mua đất giá thị trường cao hơn cũng phải chấp nhận.
"Không thể vì vài hộ mà làm ảnh hưởng cả dự án, như vậy làm sao phát triển kinh tế được. Phải ngăn chặn đầu cơ đất, tìm cách khônng cho sốt giá đất”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói.
Ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp An Nghiệp ở Sóc Trăng vào giữa năm 2020. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Trần Văn Lâu cũng lưu ý tình trạng cho chuyển đổi đất thổ cư tràn lan để “chạy dự án”. Theo quy định, gia đình ở đô thị chỉ được chuyển mục đích 200 m2 đất thổ cư nhưng có những trường có đến 500-600 m2 đất thổ cư.
“Có gia đình phía trước 200 m2 đất thổ cư, phía sau cũng có vài trăm mét thổ cư. Nhiều người thấy dự án làm gần tới thì chuyển thổ cư, chuyển nhiều lên để dự án tới được đền bù nhiều tiền. Có khi cán bộ mình tiếp sức làm, không loại trừ”, ông Lâu đánh giá.
Chọn đất phèn mặn làm khu, cụm công nghiệp
Cũng tại hội nghị, người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng chỉ ra vấn đề các khu, cụm công nghiệp được xây dựng nằm trong khu vực đông dân cư gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Cụ thể, một số địa phương lấy đất có giá trị kinh tế cao để quy hoạch khu, cụm công nghiệp khiến người dân mất nhà, mất đất.
“Khu, cụm công nghiệp mọc lên tại nơi đông dân cư thì người dân nhận tiền giải phóng mặt bằng vài trăm triệu hoặc 1 tỷ đồng rồi di dời qua nơi ở khác không sản xuất gì được, loay hoay xài hết tiền. Ép người ta vào khu tái định cư thì lấy gì sống”, ông Lâu chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu tại hội nghị. Ành: Việt Tường. |
Từ suy nghĩ trên, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ngành TNMT cùng các địa phương nghiên cứu, chọn những nơi đất phèn mặn, làm khu cụm công nghiệp, rồi thu hút các nhà đầu tư vào đó, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. Với phương án này, Nhà nước thu được tiền thuế của doanh nghiệp và đất phèn, mặn không còn hoang hóa.
Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu Trần Hoàng Thắng cho biết địa phương ven biển này có nhiều doanh nghiệp sử dụng đất thuê không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên. Có đơn vị thuê đất nuôi tôm nhưng gần 10 năm không sản xuất, hoặc đào ao theo kiểu “da beo”, rồi xây nhà nhiều tầng để nuôi chim yến.
“Đề nghị các sở ngành tỉnh phối hợp huyện, thị khảo sát định hướng lập quy hoạch. Đất nào có lợi thế, giá trị thì đầu tư cho tương ứng. Đất giá trị mà cho doanh nghiệp làm kiểu da beo thì không phát triển kinh tế được. Việc này có khi tạo kẻ hỡ và cơ hội cho doanh nghiệp trục lợi chính sách Nhà nước”, ông Thắng nêu quan điểm.