Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Chủ tịch Quốc hội: Quyết sách đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trước những yêu cầu cấp thiết của đất nước, Quốc hội đã có những quyết định kịp thời, điển hình như gói phục hồi, phát triển kinh tế.

"Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan đã nỗ lực tối đa, không quản ngày đêm trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua các nghị quyết và dự án luật với sự thống nhất rất cao, góp phần vào thành công thực chất của kỳ họp", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đây được đánh giá là một kỳ họp đặc biệt với những quyết sách mang tính lịch sử. Một chính sách tài khóa kết hợp tiền tệ trị giá 350.000 tỷ đồng - con số kỷ lục - được Quốc hội thông qua để giải quyết những vấn đề cấp bách của đất nước.

Nói cách khác, Quốc hội đã có các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Điều này đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của nhân dân", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến tâm huyết

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công tác chuẩn bị trước khi trình Quốc hội các chính sách về tài khóa và tiền tệ phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất công phu, trách nhiệm, chất lượng, “từ sớm, từ xa”. Ông đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan đã có sự phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng để trong một thời gian ngắn hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ.

Các đại biểu Quốc hội cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao trước đất nước, đồng bào và cử tri. Theo thống kê, trên cơ sở các tờ trình, báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất, các đại biểu đã có gần 1.100 lượt phát biểu qua 3 phiên thảo luận tổ và 3 phiên họp toàn thể trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp rất nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng.

Các học giả, chuyên gia kinh tế đánh giá gói tài khóa và tiền tệ của Việt Nam rất đặc biệt so với nhiều nước trên thế giới khi mang tính chất bao trùm, vừa giúp giải quyết những vẫn đề trong ngắn hạn, vừa tính toán phát triển trong dài hạn.

Chính sách giống như "một mũi tên" đã bắn trúng nhiều đích. Vừa có nguồn lực để đầu tư cho y tế, giúp phòng chống dịch Covid-19; vừa chăm lo cho an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đặc biệt, chính sách còn tính đến bài toán phát triển trong dài hạn khi đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn nhấn mạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ nêu trên còn giúp bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% và các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ

Ngay từ khi khởi động vào đầu tháng 10/2021, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã phối hợp nhịp nhàng trong việc thiết kế đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ngay từ khi thiết kế chính sách, cơ quan này đã nhận được sự hỗ trợ và phối hợp rất nhịp nhàng của các cơ quan Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Các cơ quan đã có nhiều cuộc họp trực tiếp trong một thời gian ngắn để chuẩn bị và thảo luận các đề xuất chính sách.

phuc hoi kinh te anh 5

Các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã phối hợp nhịp nhàng trong việc thiết kế đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Giữa tháng 11/2021 (hơn một tháng trước Kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra), với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, lãnh đạo Quốc hội đã dành 2 ngày làm việc với Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội để nghe và cho ý kiến về đề án các chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như một số nội dung khác dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường.

Sau đó hơn một tuần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc riêng với Ủy ban Kinh tế và một số nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu báo cáo kết quả nghiên cứu và cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại đây, các căn cứ, yếu tố tác động đến việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ, dư địa và khả năng thực hiện, các nguyên tắc, quy mô, liều lượng, trọng tâm của chính sách và giải pháp huy động nguồn lực… đều được bàn luận một cách sôi nổi, hiệu quả.

Công tác chuẩn bị trước khi trình Quốc hội các chính sách về tài khóa và tiền tệ phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất công phu, trách nhiệm, chất lượng, “từ sớm, từ xa”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cũng tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tùy thuộc vào chất lượng chuẩn bị của đề án mới xác định thời điểm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo xin ý kiến Trung ương, Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần phải "đánh giá đúng, trúng tác động của đại dịch đối với tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước". Cùng với đó, xác định được mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của nền kinh tế, xác định lĩnh vực cần tập trung hỗ trợ để phục hồi và phát triển. Ông lấy ví dụ có thể xác định một số ngành có tiềm năng như kinh tế số hóa, xanh hóa, công nghệ thông tin… để có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tác động lan tỏa đối với nền kinh tế.

Sau những cuộc làm việc như vậy, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã hoàn thành cơ bản đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó báo cáo và xin ý kiến Trung ương. Ngay trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng nhanh chóng tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu để Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá rất cao sự chuẩn bị công phu, phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, đặc biệt là các vấn đề cấp bách đặt ra trong bối cảnh lịch sử.

Ông bình luận trong hoàn cảnh đặc biệt, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù; trao một số quyền hạn đặc biệt cho Thủ tướng Chính phủ. Điều này thể hiện sự linh hoạt, quyết tâm giải quyết các vấn đề lớn một cách nhanh chóng, hiệu quả, nhưng cũng minh bạch, sáng tạo.

Đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong thực hiện

TS Cấn Văn Lực, Viện trưởng Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đánh giá chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng.

Theo tính toán của nhóm chuyên gia này, tổng hợp lại, giá trị danh nghĩa (hay còn gọi là quy mô lan tỏa) của Chương trình ước tính khoảng 517.400 tỷ đồng (6,16% GDP) và ước thực chi khoảng 347.000 tỷ đồng (4,13% GDP).

Tuy vậy, nhóm chuyên gia cũng cho rằng tác động của Chương trình đối với tăng trưởng đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện. Nói cách khác, hiệu quả phụ thuộc vào tỷ lệ giải ngân và tiến độ thực hiện nhanh hay chậm. Các chuyên gia đưa ra 2 kịch bản. Thứ nhất là kịch bản tích cực, hiệu quả, các gói hỗ trợ được giải ngân đạt khoảng 40% năm 2022 và 50% năm 2023. Tuy vậy, vẫn có kịch bản tiêu cực, giải ngân chậm so với dự kiến, tỷ lệ giải ngân thấp chỉ đạt 30% năm 2022 và 40% năm 2023.

Nếu việc giải ngân hiệu quả theo đúng tiến độ đề ra (tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 90% cho cả 2 năm); tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5-7% năm 2022 và 7-7,5% năm 2023. Với kịch bản 2 (tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 70% cho cả 2 năm), tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn khoảng 1-1,5 điểm % so với kịch bản 1, chỉ đạt khoảng 5-5,5% năm 2022 và 6% năm 2023.

Chuyên gia cũng cảnh báo lạm phát Việt Nam dù tăng chậm hơn các nước song cũng đang tiềm ẩn nguy cơ gia tăng do áp lực lạm phát toàn cầu, giá cả hàng hóa ở mức cao cùng với đà phục hồi kinh tế. Nhóm này dự báo lạm phát năm 2022-2023 sẽ ở mức 3,5-3,8%, cao hơn trung bình toàn cầu và các nước ASEAN, cao gấp gần 2 lần năm 2021.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng sau khi các chính sách tài khóa và tiền tệ được Quốc hội thông qua thì việc thực hiện trong năm 2022-2023 là bài toán quan trọng. Ông nhấn mạnh nếu một chính sách tốt không được thực hiện hiệu quả và kịp thời thì cũng khó đem lại kết quả như kỳ vọng. Ông mong muốn Chính phủ cùng các cơ quan liên quan sẽ quyết tâm thực hiện và giải ngân đúng tiến độ số tiền rất lớn, vận dụng linh hoạt các cơ chế đã được Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, cần chú ý đến kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện Chương trình, tránh việc xin - cho, những tiêu cực có thể phát sinh.

Đại biểu Quốc hội mong muốn các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ kịp thời phát huy tác dụng, thực sự mang lại hiệu quả tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau dịch Covid-19 và nhiều năm tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam có thể lỡ nhịp tăng trưởng của thế giới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng phân hóa. Những nước mở cửa sau như Việt Nam có thể phải đối mặt nhiều rủi ro về tăng trưởng.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm