Chuỗi quan điểm liên quan đến vấn đề phân cấp quản lý đối với các cơ sở y tế cấp huyện mở ra từ chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (TP.HCM) trong đổi mới hệ thống y tế. Tại phiên đăng đàn sáng 10/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã nêu quan điểm về vấn đề này.
"Thực hiện 4-5 năm vẫn không thống nhất"
Tư lệnh ngành y tế ủng hộ trao các trung tâm y tế ở TP.HCM cho quận, huyện quản lý. “Tiềm lực của các quận, huyện ở TP.HCM rất lớn, nên việc phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương với hoạt động y tế trên địa bàn là phù hợp”, ông nói.
Song, để áp dụng trên toàn quốc, ông cho biết sẽ nghiên cứu vì cũng có những địa phương rất khó khăn, khi giao việc quản lý trung tâm y tế và bệnh viện trên địa bàn cho họ thì vấn đề quản lý đầu tư, con người sẽ gặp khó.
Từ vị trí chủ tọa điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Hồng Phong. |
Ông nêu rõ các đơn vị sự nghiệp công lập, bệnh viện nếu tự chủ hoàn toàn được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm, báo cáo về tài chính. “Chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa hay đến khi mất bò mới lo làm chuồng?”, ông Huệ đặt câu hỏi.
Những chuyện như liên kết đặt máy, mua bán vật tư, thiết bị y tế hàng năm thì bệnh viện công sẽ được Nhà nước hạch toán, còn những đơn vị tự chủ hoàn toàn phải kiểm toán và công khai. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Y tế kiểm tra lại việc này.
Với những đơn vị y tế cấp huyện sau khi sắp xếp, ông Huệ nhấn mạnh phải chuyển về cho địa phương, ngành y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn. Theo ông, cấp huyện rất thành thạo về con người, nhân sự và quản lý tất cả trên địa bàn.
“Chính phủ khóa trước đã có chủ trương về vấn đề này rồi, tại sao chúng ta vẫn làm rất khác nhau?", ông Huệ đặt câu hỏi và cho rằng vấn đề này bộc lộ rõ qua đợt chống dịch.
Ông đề nghị Bộ trưởng Nội vụ và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chuẩn bị giải trình việc này cho rạch ròi, vì chúng ta đã có 4-5 năm thực hiện nhưng đến nay vẫn không thống nhất giữa các địa phương với nhau.
Ông cũng mong đại biểu thống nhất để lần này nghị quyết chất vấn có nội dung nói trên theo tinh thần nếu chuyển về cho địa phương phải thực hiện thống nhất, còn ngành y tế chỉ quản lý về chuyên môn.
Phân cấp theo địa bàn sẽ hiệu quả hơn
Giải trình về nội dung này theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận việc phân cấp hệ thống y tế trên địa bàn còn nhiều vướng mắc. Bà đồng tình với một số ý kiến cần rà soát, xem xét căn cơ, cụ thể trong vấn đề quản lý Nhà nước đối với hệ thống y tế cấp tỉnh, huyện.
“Giao trung tâm y tế cho UBND cấp huyện quản lý, gồm trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường, thị trấn, là rất phù hợp yêu cầu”, bà Trà thể hiện quan điểm.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hồng Phong. |
Sau kỳ họp này, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để thực hiện phân cấp ngay vì không có gì vướng mắc.
Nhắc lại việc Bộ Y tế đã ban hành thông tư thực hiện nhưng Bộ trưởng Nội vụ đánh giá trong vận hành có rất nhiều bất cập, nhất là về quản lý cơ sở y tế trên địa bàn, nên tới đây sẽ tiếp tục rà soát để phân cấp cơ sở khám chữa bệnh y tế mà hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế quản lý để giao cho các tỉnh, tức là phân cấp theo địa bàn.
“Như thế sẽ hiệu quả hơn, vừa sát yêu cầu thực tiễn, vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm của địa phương với cơ sở sự nghiệp y tế trên địa bàn”, bà Trà nói.
Cũng theo yêu cầu từ lãnh đạo Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ làm rõ chất vấn của đại biểu về việc có thể tách bạch giữa quản trị và quản lý chuyên môn không, vì “bác sĩ giỏi nhưng chưa chắc đã quản trị giỏi”.
Bà thừa nhận dù đã có văn bản quy định, thực tiễn vẫn có những vấn đề phát sinh ở một số cơ sở y tế, đó là người quản lý cơ sở y tế có năng lực về chuyên môn nhưng chưa có năng lực quản trị.
Dưới góc độ của ngành, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này, để làm sao đảm bảo như mong muốn vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực quản trị là tốt nhất.
“Còn trong trường hợp cụ thể, ta nên cân nhắc để xem xét, nhất là khi đang đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp chung thì rất cần thiết có năng lực quản trị để đáp ứng yêu cầu tự chủ đơn vị sự nghiệp y tế. Bên cạnh đó, cần làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị sự nghiệp”, bà Trà nói.