Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Quốc hội: 'Có trường hợp vừa phong anh hùng đã phải xử lý'

Trong công tác thi đua khen thưởng, ông Vương Đình Huệ yêu cầu khắc phục bằng được tính hình thức và tình trạng “chạy” danh hiệu, bằng khen, "chạy" anh hùng.

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV diễn ra sáng 17/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là phiên thường kỳ đầu tiên, xem xét, quyết định nhiều nội dung từ xây dựng pháp luật, giám sát đến quyết định vấn đề quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những sản phẩm đầu tiên về công tác lập pháp trong nhiệm kỳ này sẽ là cơ hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thực hiện lời hứa tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương về công tác lập pháp.

Với Dự án Luật Thi đua khen thưởng, Chủ tịch Quốc hội quán triệt việc sửa luật phải tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất kinh doanh. Việc sửa luật cũng phải khắc phục được tình trạng khen thưởng kiểu "gối đầu". "Bác Hồ nói có thành tích đến đâu thì khen. Nhưng hiện nay có tình trạng là tích lũy để khen”, ông Huệ nói.

vua phong anh hung da bi xu ly anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu khắc phục bằng được tính hình thức trong công tác thi đua khen thưởng và tình trạng “chạy” danh hiệu, bằng khen, "chạy" anh hùng. Ảnh: Quốc hội.

Theo lãnh đạo Quốc hội, mục tiêu quan trọng khác là đảm bảo tính công khai, minh bạch, khắc phục là tính hình thức trong công tác thi đua khen thưởng. Đặc biệt, khắc phục chuyện trong thi đua khen thưởng cũng “chạy”.

“Chạy danh hiệu, chạy bằng khen, giấy khen, chạy anh hùng. Thậm chí có trường hợp vừa phong anh hùng xong đã phải xử lý rồi", Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế.

Ông cũng yêu cầu việc sửa đổi luật cần phải khắc phục hiện tượng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội “cứ đóng tiền là muốn danh hiệu gì cũng có”.

Nói về công tác giám sát, ông Huệ cho biết phiên họp này sẽ quyết định việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2019-2021; xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Ông Huệ cho biết tình trạng khiếu nại, tố cáo ra Trung ương vẫn rất phức tạp. “Lâu nay ít là do giãn cách xã hội chứ không phải đã làm tốt chuyện này. Hiện có hàng trăm vụ việc phức tạp, và phần lớn trong số đó liên quan đất đai, tài nguyên môi trường”, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra và yêu cầu công tác giám sát phải tạo được chuyển biến căn bản.

Nhấn mạnh việc Ban Dân nguyện báo cáo tại phiên họp về kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội là một bước để tổ chức giám sát tối cao, ông Huệ khẳng định sẽ duy trì nội dung này.

“Từ phiên họp này trở đi, công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ được Ủy ban Thường vụ xem xét định kỳ hàng tháng, không phải chờ đến kỳ họp Quốc hội. Ban Dân nguyện hàng tháng phải báo cáo kết quả công tác, như thế mới giải quyết vấn đề căn cơ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Vương Đình Huệ: Quốc hội làm hết việc chứ không phải hết giờ

Theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội đã chủ động đổi mới, linh hoạt trong cách thức làm việc. Có những văn bản được lãnh đạo Quốc hội ký lúc 2h sáng.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm