Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chủ tịch Quảng Ninh lý giải vì sao liên tục dẫn đầu chỉ số PCI

Ông Nguyễn Tường Văn cho rằng con người, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin là những yếu tố giúp Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số PCI năm 2020.

Chu tich Quang Ninh ly giai vi sao tinh nay dan dau chi so PCI? anh 1

Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 với số điểm 75.09. Đây là năm thứ tư liên tiếp địa phương này giành vị trí quán quân, và cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI kể từ năm 2010.

Ông Nguyễn Tường Văn, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhìn nhận kết quả trên rất quan trọng, khẳng định quyết tâm của tỉnh trong thời gian qua.

“Quảng Ninh đã tập trung rất nhiều vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kinh tế tư nhân cũng là động lực quan trọng của sự phát triển”, ông Văn nói tại buổi công bố PCI 2020 diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Chu tich Quang Ninh ly giai vi sao tinh nay dan dau chi so PCI? anh 2

Ông Nguyễn Tường Văn, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương.

Con người, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin

Theo ông Nguyễn Tường Văn, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung vào 3 vấn đề chính. Về con người, tỉnh này quyết liệt trong sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, phát huy mô hình mới tạo đột phá. Tỉnh đã tổ chức thi tuyển lãnh đạo quản lý, kèm theo việc nhiều vị trí chức danh lãnh đạo được đảm nhiệm bởi 1 cá nhân, đảm bảo tinh gọn, tập trung chỉ đạo xuyên suốt.

Thứ hai là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, trong đó tập trung giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Từ đó, người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi.

“Nhiều dự án khi đến Quảng Ninh được cấp phép trong vòng 24 giờ. Gần đây, chúng tôi đã trao quyết định đầu tư cho một công ty tế bào quang điện với tổng mức đầu tư 500 triệu USD”, chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Bên cạnh đó, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, ban quản lý các khu kinh tế cũng được lan tỏa ở nhiều huyện, TP tại Quảng Ninh.

Chu tich Quang Ninh ly giai vi sao tinh nay dan dau chi so PCI? anh 3

Công trình cầu Bạch Đằng ở Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hà.

Thứ ba là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và xây dựng TP thông minh. Ông Văn cho biết Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên có trung tâm điều hành TP thông minh được kết nối và chia sẻ với trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng.

Nhìn lại năm 2020, cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp, doanh nhân, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả toàn diện và nổi bật. Dù là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng tiêu cực và sớm nhất bởi dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch an toàn, vừa đảm bảo đà tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh năm 2020 đạt 10,05%, quy mô kinh tế gần 10 tỷ USD, chỉ xếp sau Hà Nội và Hải Phòng. Tốc độ tăng trưởng trên 10% cao gần gấp 3 lần trung bình cả nước năm 2020.

Trong khi đó, thu ngân sách đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 10% so với dự toán Nhà nước giao và thuộc top đứng đầu; thu nhập bình quân của người dân là 6.700 USD/người/năm. Đến nay, số lượng doanh nghiệp của Quảng Ninh khoảng 20.000 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư 205.000 tỷ đồng.

Mục tiêu vượt qua chính mình

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã giúp cho địa phương này có những công trình giao thông đồng bộ, liên thông. Nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thúc đẩy, đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu tỉnh Quảng Ninh.

Trong lĩnh vực đầu tư, Quảng Ninh cũng được biết đến như một địa phương có mô hình sáng tạo trong huy động vốn đầu tư tư nhân, với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, một đồng vốn của ngân sách Nhà nước có thể thu hút được 9 đồng vốn ngân sách ngoài Nhà nước.

Tỉnh này đã huy động được các thành phần tư nhân đầu tư vào những công trình trọng điểm như sân bay Vân Đồn, cảng quốc tế Hòn Gai và nhiều dự án đường cao tốc, tạo dựng hệ thống hạ tầng khung đồng bộ kết nối trong nước và quốc tế.

Chu tich Quang Ninh ly giai vi sao tinh nay dan dau chi so PCI? anh 4
Đường cao tốc, cảng biển, sân bay... tạo bước ngoặt phát triển cho kinh tế Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hà.

Đồng thời, tỉnh đã và đang cải cách hành chính công một cách mạnh mẽ, với nhiều mô hình như lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư tư, sử dụng công; đầu tư công, quản lý tư. Hiện tại, nhiều trụ sở văn phòng của các cơ quan khối ủy ban, tỉnh ủy được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và được vận hành bằng các cơ quan quản lý Nhà nước.

“Mô hình này góp phần huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước, cung cấp kịp thời các công trình, dịch vụ có chất lượng hiệu quả, nhanh chóng đáp ứng được lợi ích của cả ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và tư nhân”, ông Văn nói.

Sau 4 năm đứng đầu liên tiếp, theo vị chủ tịch tỉnh, vấn đề với Quảng Ninh hiện tại là làm sao để giữ được vị trí này và vượt qua chính mình. Để cụ thể hóa nhiệm vụ trên, ban chấp hành đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và hướng tới 2030 với một số nhiệm vụ trọng yếu.

Trước hết là xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, nền hành chính công khai minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường một cách quyết liệt, thực chất, đồng bộ, hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch, hấp dẫn và thông thoáng.

Tiếp đó, ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo bước đột phá cho việc hiện đại hóa nền hành chính. Ứng dụng sâu, rộng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành.

VCCI cho rằng cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã đánh giá cao chính quyền tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Cụ thể, 89% doanh nghiệp đánh giá chính quyền tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; 79% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh; 97% doanh nghiệp nhận được phản hồi từ cơ quan chính quyền tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc và 81% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết của cơ quan chính quyền tỉnh.

Ngoài ra, yêu cầu “3 giảm” trong cải cách thủ tục hành chính (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư) được chính quyền Quảng Ninh thực hiện liên tục từ năm 2017 tới nay đã mang lại kết quả tích cực qua đánh giá của doanh nghiệp.

Theo khảo sát, 71% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản (năm 2019 là 66%), 84% doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn so với quy định (năm 2019 là 76%).

Gánh nặng chi phí không chính thức của doanh nghiệp tại Quảng Ninh cũng đã giảm bớt, khi chỉ có 3% doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho khoản chi này (năm 2019 là 5%). Chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể, với tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục sử dụng một số loại dịch vụ ở mức cao.

Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số PCI năm thứ tư liên tiếp

Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020 cho thấy Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị trí quán quân. Trong khi đó, Hà Nội xếp thứ 9, TP.HCM đứng thứ 14.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm