Báo cáo trước Chủ tịch nước, ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Tuy nhiên, một số đối tượng xấu đã kích động, làm xảy ra các vụ lợi dụng đập phá, cướp tài sản của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn, gây nhiều thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
“Những người này là ai thì cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ”, ông Cung cho hay. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn và xử lý một số phần tử cầm đầu quá khích.
Tiếp đó, tỉnh Bình Dương cũng thực hiện những biện pháp nhằm giải quyết hậu quả. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã cử một số đoàn công tác đi thăm các chủ doanh nghiệp có thiệt hại, động viên và chia sẻ với nhà đầu tư.
Ông Cung cho hay, tỉnh Bình Dương đã thành lập Ban chỉ đạo cùng với doanh nghiệp thống kê, phân tích và đánh giá tình hình thiệt hại. Đến nay, việc thống kê sơ bộ thiệt hại các khu công nghiệp đã xong. Cuối tuần sau Bình Dương hoàn thành thống kê thiệt hại ở những nơi khác và tỉnh sẽ giải quyết những phần thuộc thẩm quyền của tỉnh.
“Tỉnh cam kết với nhà đầu tư đảm bảo an toàn cho họ. Một số nhà đầu tư đã an tâm trở lại làm việc với công suất đạt 70%”, ông Cung cho biết.
Đối với số công nhân mất việc làm sau vụ đập phá, tỉnh đang xem xét hỗ trợ bằng trợ cấp thất nghiệp và giải quyết tiền lương cho công nhân giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại.
Trước sự cố này, tỉnh Bình Dương kiến nghị, sẽ miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp bị thiệt hại, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tạo niềm tin và môi trường đầu tư thông thoáng trở lại. Tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn để thực hiện các đơn hàng, đảm bảo công ăn việc làm. Đồng thời, cho phép khoanh nợ vay trở lại, không tính nợ quá hạn và giảm lãi suất.
“Sự việc vừa qua diễn ra quá nhanh, gây thiệt hại không nhỏ, tỉnh xin nhận thiếu sót này và hứa, sẽ dùng mọi biện pháp không để tình trạng này tái diễn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng trở lại”, ông Cung nói.
Thiệt hại lòng tin
Trước phát biểu của Chủ tịch tỉnh Bình Dương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, sự cố xảy ra vừa rồi là một việc hết sức đáng tiếc. Việc đập phá manh động, cực đoan tạo tâm lý không tốt. “Đây không chỉ là thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư mà còn là thiệt hại cho người lao động. Một thiệt hại nữa là nhà đầu tư mất niềm tin - điều không thể chấp nhận được”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương. |
Chủ tịch nước nhấn mạnh, khi đất nước gặp khó khăn, bị phương hại về chủ quyền, hành xử của người công nhân để tỏ thái độ bảo vệ chủ quyền quốc gia là một quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của công dân. Nhưng từ việc tỏ thái độ yêu nước dẫn đến đập phá nhà máy thì nhà đầu tư hiểu thế nào về chính sách của Việt Nam ?
“Đây là hành động cần phải ngăn chặn. Chúng ta phải khẳng định với nhà đầu tư nước ngoài rằng, họ là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế nhiều thành phần của nền kinh tế thị trường Việt Nam”, ông Trương Tấn Sang nói.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh Bình Dương nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi khôi phục nhanh sản xuất, thu hút đầu tư mới. Còn đối với những người gây rối, xúi giục công nhân đạp phá nhà máy và cướp tài sản phải trừng phạt thích đáng.
“Những người bị xúi giục cũng phải nhận trách nhiệm. Thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại lòng tin là nguy hiểm ghê gớm lắm. Người ta đang xem thái độ chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp thế nào đây”, Chủ tịch nước nói.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương đến thăm các khu công nghiệp, các nhà máy bị thiệt hại nặng trong vụ diễu hành quá khích của công nhân vừa qua.