Sáng 19/6, hàng trăm cử tri quận 1, 3 và 4 dự buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì.
Nhiều cử tri bày tỏ sự không hài lòng với việc người quá khích lợi dụng việc phản đối dự án luật Đặc khu, nhưng họ cũng cho rằng việc tuyên truyền của cơ quan Nhà nước không tới người dân, khiến nhiều người thiếu nhận thức, dẫn đến có hành động không hay.
Một số ý kiến cho rằng những dự luật ảnh hưởng đến người dân thì cần tuyên truyền rộng rãi, để những kẻ phản động khó lợi dụng, lôi kéo, kích động bà con tụ tập gây rối như thời gian qua. Đồng thời, chính quyền phải kiểm soát, xử lý những kẻ tung tin giả, kích động người dân trên các trang mạng xã hội.
Cử tri Đoàn Đình Dũng phát biểu về dự án luật Đặc khu. Ảnh: Thuận Lâm. |
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước cho rằng cử tri TP.HCM rất quan tâm đến những vấn đề nóng của đất nước. Việc xây dựng luật Đặc khu là thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng thể chế mang tính đột phá, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo đảm độc lập chủ quyền và an ninh đất nước. Dự luật này được trình ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4 và 5 của Quốc hội khóa 14.
“Sau khi thảo luận, chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia, cán bộ lão thành, đại biểu cử tri và nhân dân cả nước. Chính vì lẽ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi trao đổi đã thống nhất lùi thời hạn thông qua dự án, để lại thông qua ở kỳ họp sau”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước thông tin thêm một trong những vấn đề người dân quan tâm nhất của luật Đặc khu là thời hạn cho thuê đất kéo dài không quá 99 năm. Thủ tướng đã rút lại điểm này, chỉ quy định theo luật đất đai hiện hành, tối đa 70 năm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thuận Lâm. |
Nói về luật An ninh mạng, Chủ tịch nước khẳng định sự tiện ích của Internet là cần thiết cho sự phát triển cho đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh ưu điểm, phát triển Internet cũng mang lại nhiều tác động tiêu cực. Nhiều quốc gia đang tìm cách quản lý, hạn chế tối đa tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của quốc gia và cả cộng đồng.
“Các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng Internet vào các hoạt động xâm hại đến lợi ích tổ chức, cá nhân và của Nhà nước. Chính vì lẽ đó, cần khẳng định việc xây dựng luật An ninh mạng là cấp thiết đối với chúng ta trong thời điểm hiện nay”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.
Chủ tịch nước hỏi thăm cử tri TP.HCM. Ảnh: Thuận Lâm. |
Cũng theo Chủ tịch nước, hiện nay có những phần tử xấu, thù địch, lợi dụng việc Quốc hội thảo luận, thông qua dự án luật Đặc khu, luật An ninh mạng để kích động người dân gây rối, làm mất an ninh trật tự ở một số địa phương trong cả nước.
Cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng cầm đầu kích động, kêu gọi người dân xuống đường gây rối; tạm giữ, xử lý nghiêm những đối tượng quá khích, chống người thi hành công vụ, vi phạm pháp luật.