Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch nước: Làm TP.HCM sạch hơn là tạo thay đổi, chưa cần cơ chế

Nhìn nhận hạ tầng bất cập so với sự phát triển, nhất là quy hoạch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM quyết liệt trong cách làm, không để kìm hãm phát triển chung.

Trung tâm TP.HCM dọc sông Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM chiều 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại của đô thị lớn nhất cả nước về hạ tầng, môi trường đô thị.

"Cần tìm ra cách làm để thành phố sạch hơn, đẹp hơn, an toàn hơn. Chúng ta làm được những việc trước mắt như vậy là khiến thành phố thay đổi, chưa cần tới cơ chế mới, thể chế mới", Chủ tịch nước nói.

Không sạch, không đẹp

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nhìn nhận thành phố vẫn còn nhiều người nghèo, lao động có thu nhập thấp, an sinh xã hội chưa đảm bảo, lạm phát cao. Đáng chú ý, ông cho rằng cần phải có đột phá về thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

TP.HCM trở thành đầu tàu, thu nhập bình quân đầu người cao, nhưng hạ tầng đô thị lại không sạch, không đẹp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

“Có người nói không phải cứ tăng thu nhập là chống được tham nhũng, điều đó không đúng. Trong một triệu công nhân viên chức, có thể không đúng với 10% người gia cảnh tốt, nhưng với 80-90% còn lại, họ cần tăng lương để sống được bằng chính đồng lương của mình”, ông Nghĩa nêu bất cập và cho rằng với mức lương mà cán bộ, viên chức hiện nay không đủ để sống ở đô thị như TP.HCM.

Đại biểu này cũng nhìn nhận có sự mất cân bằng trong phát triển ở TP.HCM. Ông dẫn chứng vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp được đặt ra từ 30 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết xong; còn bất động sản chủ yếu phục vụ cho người có thu nhập trung bình và thu nhập cao.

Theo đó, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh phải có sự đột phá ở 6 yếu tố để TP.HCM trở thành đầu tàu, động lực tăng trưởng, lôi kéo phát triển cùng cả nước đến năm 2030 và xa hơn, đó là: Tài chính ngân sách; nguồn lực đất đai, nhà cửa; mở cửa hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy; nhân lực.

Về tài chính ngân sách, ông đề nghị phải có mức độ tự chủ cao hơn mặt bằng pháp lý và cơ chế hiện hữu. “Thời điểm khi bàn chi tiết về Nghị quyết 54, TP.HCM muốn thế này nhưng các bộ, ngành Trung ương lại muốn thế kia, cuối cùng phải chọn giải pháp trung du, dẫn đến không làm được gì cả”, đại biểu Quốc hội TP.HCM nói.

co che TP.HCM anh 1

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: HMC.

Mặt khác, ông Nghĩa đánh giá vấn đề nhân lực tại TP.HCM đang rất khó khăn. Với yêu cầu của Trung ương giao, yêu cầu phát triển của thời đại và yêu cầu của 10 triệu người dân TP thì nhân lực hiện nay không thể đáp ứng.

“Chúng ta thiếu những người ngang tầm nhiệm vụ từ cấp sở trở xuống. Do đó, TP cần tự chủ về vấn đề này”, ông Nghĩa nói thêm vừa qua TP thu hút nhân tài “chỉ được mấy người”. Nhiều cán bộ được đưa đi nước ngoài đào tạo, kể cả con của cán bộ, nhưng số này hoặc ở lại nước ngoài, hoặc về làm cho khu vực tư nhân, trong khi đó bộ máy Nhà nước lại rất cần đội ngũ này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đánh giá TP.HCM sở hữu tiềm năng, trở thành đầu tàu, thu nhập bình quân đầu người cao, “xài sang”, nhưng khi nhìn về hạ tầng đô thị lại không sạch, không đẹp và chưa đủ an toàn.

Theo ông Nghĩa, hạ tầng của TP.HCM phát triển không đồng bộ, trong đó có sự chậm trễ của hệ thống đường sắt đô thị khiến người dân bức xúc.

Chưa khai thác đúng mức không gian ngầm

Tương tự, vấn đề quy hoạch, phát triển không đồng bộ tại TP.HCM cũng được Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề cập trong nội dung góp ý TP.HCM.

Ông Nghị cho rằng với tiềm năng về hệ thống sông ngòi, điều kiện tự nhiên, vị trí và nguồn lực, thành phố cần quan tâm, có tầm nhìn quy hoạch để khai thác hiệu quả. Trong đó, thành phố cần chú trọng các giai đoạn điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM; quy hoạch TP Thủ Đức; nghiên cứu lập quy hoạch phân khu khu đô thị Tây Bắc và quy hoạch không gian ngầm thành phố.

Thay đổi những thí điểm về cơ chế để TP.HCM phát triển tốt hơn, thuận lợi hơn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

"Cả Hà Nội, TP.HCM chưa khai thác đúng mức không gian ngầm. Với 4 quy hoạch này nếu làm tốt sẽ khai thác hiệu quả nguồn lực của TP.HCM, đồng thời khắc phục được những khó khăn, bất cập, sắp xếp tốt không gian”, ông Nghị góp ý.

Đồng thời, ông Nghị cho rằng thành phố cần rà soát lại quy hoạch phân khu, xem quy hoạch có khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp, xóa những quy hoạch treo.

Sau nhiều ý kiến đóng góp cho TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định bên cạnh sự nỗ lực tăng trưởng sau đại dịch, TP.HCM không thể quá lạc quan vì mới chỉ lấy lại những gì đã mất.

Theo Chủ tịch nước, TP.HCM đối mặt với nhiều thách thức căng thẳng, vị thế đầu tàu suy giảm dần. Hạ tầng kỹ thuật, giao thông bất cập so với sự phát triển mạnh mẽ của giai đoạn mới, đặc biệt là công tác quy hoạch, di dời nhà ven kênh rạch 20 năm qua.

co che TP.HCM anh 2

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị góp ý vấn đề quy hoạch tại TP.HCM. Ảnh: HMC.

Trong khi đó, giá trị từ ứng dụng công nghệ cao, sự đột phá công nghệ cao của thành phố chưa được phát huy, trung tâm khoa học công nghệ chưa phát triển. Mặt khác, điểm nghẽn về thủ tục hành chính và ách tắc trong triển khai dự án hầu như không tiến bộ. Nhiều dự án nghẽn lâu năm, quy hoạch treo kéo dài...

Qua đó, Chủ tịch nhìn nhận thành phố cần tập trung điều chỉnh quy hoạch, xây dựng kế hoạch, quyết liệt trong cách làm, không để ảnh hưởng uy tín và kìm hãm sự phát triển của TP.HCM.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước lưu ý với quy mô lớn của TP.HCM, việc ổn định, kiểm soát vĩ mô thị trường rất quan trọng; đồng thời thành phố cần tiếp tục hỗ trợ định hướng lao động, đối thoại để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, người dân.

Đối với các vấn đề xung quanh Nghị quyết 54, Chủ tịch nước nhìn nhận thời gian qua, thành phố triển khai có hiệu quả, giải quyết nhiều vấn đề nhưng vẫn chậm, chưa đồng bộ. "Do đó, chúng ta cần tổng kết lại Nghị quyết 54, thay đổi những thí điểm về cơ chế để TP.HCM phát triển tốt hơn, thuận lợi hơn", Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước: Chiếc áo cơ chế quá chật so với siêu đô thị TP.HCM

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận cần sớm sửa Nghị quyết 16, 54, không chờ đến 31/12/2023, nhằm đem lại cơ chế tốt, mới mẻ, đón đầu hơn cho TP.HCM.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm