"Tinh thần là TP.HCM đi trước, thí điểm những cơ chế bằng chủ trương của Bộ Chính trị. Ai cũng nói chiếc áo về cơ chế cho một siêu đô thị như TP.HCM đã quá chật hẹp. Chính vì thế Tổng bí thư đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng nghiên cứu một số kiến nghị của thành phố trong buổi làm việc lần trước”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND thành phố về tình hình kinh tế - xã hội và việc thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, diễn ra chiều 13/10.
Chủ tịch nước cho biết ông đã hội ý với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí Thư Võ Văn Thưởng. Các lãnh đạo cấp cao đều thống nhất tinh thần cần cho TP.HCM cơ chế thuận lợi hơn để năng động hơn, cụ thể có thể thay đổi Nghị quyết 16 của Bộ chính trị và hoàn thiện Nghị quyết 54 Quốc hội sau này. Theo đó, Chủ tịch nước nhìn nhận cần sớm sửa Nghị quyết 16, 54, không chờ đến 31/12/2023, nhằm đem lại cơ chế tốt, mới mẻ, đón đầu hơn cho TP.HCM.
Báo cáo với Đoàn đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn mãi cho biết ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm cho ý kiến về báo cáo tổng kết Nghị quyết 54, chấp thuận kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết đến 31/12/2023 và khẩn trương chuẩn bị nghị quyết mới thay Nghị quyết 54.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu báo cáo tình hình kinh tế xã hội TP.HCM 9 tháng đầu năm tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội chiều 13/10. Ảnh: HMC. |
Về phía TP.HCM, địa phương đã chuẩn bị nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với những cơ chế chính sách vượt trội, đột phát trên một số lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị đất đai, về tổ chức bộ máy biên chế, quản lý văn hóa xã hội, cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức và một số cơ chế cho trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, ngoài những năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.
Sau khi kinh tế thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và giảm 6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, quý III đạt 30,62%; bình quân 9 tháng đạt 9,71%.
Bên cạnh những thuận lợi, TP.HCM dự báo đối mặt với nhiều khó khăn mới ngoài khó khăn chung của cả nước. Ông Phan Văn Mãi đề nghị Trung ương quan tâm, giúp thành phố nhận diện, phân tích, tìm giải pháp tháo gỡ vượt qua khó khăn, đảm bảo vai trò đầu tàu, cực tăng trưởng trong năm 2023 và thời gian tới.