Theo Goal phiên bản tiếng Thái, ông Somyot cạnh tranh ghế Chủ tịch cùng Pinyo Niroj. Cuộc bỏ phiếu đồng thời xác định 5 người giữ chức phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) và 13 thành viên còn lại trong hội đồng.
Kết quả là Somyot thắng thuyết phục với 51/69 phiếu đồng ý, có một phiếu bị gạt do không hợp lệ. Somyot sẽ có nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp giữ chức chủ tịch FAT đến năm 2024. Ông được trao cương vị này từ tháng 2/2016.
Ông Somyot gắn bó thêm 4 năm trên cương vị chủ tịch FAT. Ảnh: Siam Sports. |
Trong thời gian Somyot làm chủ tịch FAT, bóng đá Thái Lan trải qua một loạt biến động và phần lớn diễn ra theo chiều tiêu cực. Đó là lý do khiến Somyot nhận nhiều chỉ trích từ truyền thông trong nước và CĐV.
Sự thất vọng của CĐV Thái Lan đối với Somyot lên tới đỉnh điểm khi Kiatisak rời ghế HLV trưởng. Sự tác động của Somyot được cho là nguyên nhân khiến “Zico Thái” ra đi, khi Thái Lan có tham vọng chiêu mộ HLV đẳng cấp. Milovan Rajevac được bổ nhiệm, nhưng thất bại ê chề tại AFF Cup 2018 và VCK Asian Cup 2019.
Sau trận thua Ấn Độ 1-4 ngày ra quân VCK Asian Cup 2019, HLV Rajevac bị sa thải và truyền thông Thái Lan đổ lỗi cho Chủ tịch Somyot. Thairath bình luận: “Sau khi bị Việt Nam vượt mặt ở AFF Cup 2018, chúng ta tiếp tục gây thất vọng tại Asian Cup 2019. Somyot ngồi vào ghế chủ tịch FAT, nhưng không phải vì tình yêu bóng đá”.
Với sự xuất hiện của Akira Nishino, bóng đá Thái Lan có bước khởi sắc. “Voi chiến” chơi không tồi tại vòng loại thứ hai World Cup 2022, trong khi đội U23 Thái Lan giành quyền vào tứ kết giải U23 châu Á 2020. Dẫu vậy, người Thái ca ngợi tài năng của Nishino, hơn là ghi nhận đóng góp của Somyot.
Danh tiếng của Somyot còn ảnh hưởng nghiêm trọng khi dính nghi vấn tham nhũng trong bộ máy FAT. Theo SMM Sport, một số CLB tại Thai League và các ngân hàng đâm đơn kiện Somyot. Các bên đang tiếp tục làm rõ vụ việc.