“Đã có lúc buồn muốn rớt nước mắt”
Năm 2008, lần đầu tiên Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ nặng. Đó là cái giá phải trả của một sự kỳ vọng quá lớn vào lĩnh vực đầu tư tài chính.
“Giá cổ phiếu đã lên, nhưng chúng tôi còn kỳ vọng sẽ lên nữa. Năm 2008 là năm sai lầm lớn nhất của ban giám đốc và HĐQT khi chúng tôi đã lên kế hoạch cắt lỗ từ đầu năm, nhưng không kiên quyết thực hiện”, bà Thanh nói về kỷ niệm của lần đầu gặp thất bại lớn.
Trên thực tế, trước đó, REE cũng đã một lần bị thua lỗ trong dự án thầu cơ điện của bệnh viện do không kiểm soát chặt chẽ chi phí trong quá trình triển khai. “Tôi đã buồn muốn rớt nước mắt, tự vấn mình thấy mình kiểm soát không tốt công việc, dù đáng lẽ mình có thể làm tốt hơn và phải nhận trách nhiệm trước cổ đông và buộc tìm ra hướng đi mới cho Công ty để không phụ lòng tin của cổ đông, nhà đầu tư”, bà Thanh nói.
Ấn tượng lớn nhất với bà Thanh các kỳ họp ĐHCĐ sau này lại chủ yếu đến từ trách nhiệm nặng nề khi nhận niềm tin của cổ đông. |
Điều hành một doanh nghiệp đã khó, điều hành một doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn như REE có lẽ càng khó hơn, bởi câu chuyện không chỉ là doanh nghiệp lãi bao nhiêu, mà phải duy trì được sự ổn định trong tăng trưởng, để tránh tạo nên những cú sốc về giá cho cổ đông. Với hơn 10.000 cổ đông, sẽ là rủi ro cho các nhà đầu tư ưa giao dịch nếu công ty liên tục trồi sụt về lợi nhuận.
Ý thức được câu chuyện này, từ sau cú sốc năm 2008, REE đã xây dựng cho mình một định hướng phát triển tương đối bền vững, chấm dứt với đầu tư tài chính để tập trung nguồn lực cho cơ cấu phát triển mới là cơ điện lạnh, điện lạnh, bất động sản và đầu tư lĩnh vực năng lượng, hạ tầng nước. Vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng với cơ cấu đã tương đối hoàn chỉnh, REE tự tin về một kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 10 -15% mỗi năm trong giai đoạn tới.
Những kỳ ĐHCĐ đáng nhớ
15 năm niêm yết, REE đã có rất nhiều cuộc họp ĐHCĐ, với không ít kỷ niệm. Những ai tham dự các kỳ họp của REE đều ấn tượng bởi một điểm rất chung qua các thời kỳ, đó là thay vì dành thời gian cho việc đọc báo cáo, Ban lãnh đạo công ty ưu tiên phần lớn thời gian để trả lời các câu hỏi của cổ đông liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Minh bạch, chia sẻ tầm nhìn, thẳng thắn, chi tiết và hiệu quả là cách để Ban lãnh đạo REE giữ niềm tin cổ đông. Thế nhưng, mỗi kỳ họp là một kỷ niệm khác nhau.
Nhớ lại cuộc họp ĐHCĐ đầu tiên, bà Thanh cho hay, đó là trước thời điểm niêm yết cổ phiếu REE, cuộc họp đã được tổ chức tại chính nhà xưởng của REE với sự tham gia của các cổ đông và toàn thể hơn 200 cán bộ công nhân viên. “Đó là cuộc họp có quy mô nhà đầu tư tham dự ít nhất nhưng đầy sự tin tưởng, lạc quan vào tương lai”, bà Thanh nói.
Sau này, nhiều cuộc họp diễn ra, với số lượng cổ đông ngày một tăng lên, khiến phòng họp của REE luôn quá tải. Thậm chí, do tính đại chúng quá lớn, để đảm bảo quyền lợi tiếp cận thông tin của của cổ đông, REE còn là đơn vị đầu tiên của Việt Nam tổ chức họp ĐHCĐ trực tuyến hai đầu TP HCM - Hà Nội, nhưng ấn tượng lớn nhất với bà Thanh các kỳ họp sau này lại chủ yếu đến từ trách nhiệm nặng nề khi nhận niềm tin của cổ đông.
“Có những cổ đông tôi đã gặp suốt các kỳ họp ĐHCĐ. Tôi hiểu được sự tin tưởng của cổ đông với mình và điều đó khiến Ban lãnh đạo càng tự thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc đảm bảo an toàn và sinh sôi đồng vốn cho cổ đông”.
“Cổ phiếu xuống cũng băn khoăn, nhưng…”
Trả lời câu hỏi của Đầu tư chứng khoán về tâm trạng của bà như thế nào khi cổ phiếu lên xuống, bà Thanh cho rằng cổ phiếu REE nếu tăng lên ở mức độ phù hợp thì cũng thấy vui, vì thấy cổ đông công ty giàu có lên. "Nhưng nếu cổ phiếu xuống giá, mình cũng không lo, dù cũng có băn khoăn, vì quan trọng là vận hành công ty cho tốt, chứ không phải là can thiệp vào giá cổ phiếu”.
Theo bà Thanh, mức định giá hiện tại của REE khá thấp so với mặt bằng chung, nhưng vấn đề quan tâm của ban lãnh đạo là làm sao để công ty vận hành hiệu quả, an toàn, vì giá cổ phiếu ngoài phụ thuộc vào chất lượng của doanh nghiệp, còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác.
“Có giai đoạn, khi giá cổ phiếu lên tới mức 180.000 đồng, cổ đông REE cũng vui lắm thì thấy mình giàu có. Nhưng ngày đó, thay vì bán ra khi giá tăng cao, nhiều nhà đầu tư còn mua vào thêm do kỳ vọng cổ phiếu sẽ còn tăng nữa. Bản thân tôi và REE cũng phải trả giá cho sự kỳ vọng tương tự. Sau thì tham gia thị trường lâu, mình cũng rút ra được kinh nghiệm là phải bán khi cổ phiếu tăng cao và mua vào khi cổ phiếu bị giảm giá; để sau đó, khi cổ phiếu ngân hàng tăng cao, tôi bán đi đầu tư vào REE”, bà Thanh cho biết.
Với không ít doanh nghiệp, niêm yết là cơ hội để cổ đông nội bộ, cổ đông lớn thoái một phần khoản đầu tư vào doanh nghiệp. Nhưng với bà Mai Thanh, với REE, niêm yết là cơ hội để cùng với các nhà đầu tư làm lớn hơn chiếc bánh lợi ích của REE. Có lẽ, sự khác biệt này đã giúp REE giữ được vai trò tiên phong của mình trong nhóm các doanh nghiệp niêm yết suốt gần 15 năm qua, dù trong khoảng thời gian ấy, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự xuất hiện và thoái lui của nhiều doanh nghiệp niêm yết khác.