Chủ tịch REE Nguyễn Thị Mai Thanh: Khởi nghiệp từ lính quân y
Là con của một gia đình có truyền thống quân đội, bà Mai Thanh sớm gia nhập bộ đội vào tháng 5/1968. Khi đó, bà chủ của công ty cổ phần Cơ điện Lạnh (REE) mới chỉ là cô nữ sinh 16 tuổi, với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư Đoàn 9 tại chiến đấu khu Đ, miền Đông Nam Bộ. Sau đó, công việc của một người lính quân y theo bà đến suốt 6 năm, trước khi được cử ra miền Bắc học văn hóa vào năm 1973.
Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) năm 1982, bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh, 5 năm sau doanh nghiệp này được thành lập. Bà giữ chức Phó giám đốc đến tháng 7/1987 và chính thức trở thành Giám đốc vào 1993.
Khi bà Mai Thanh nắm quyền điều hành REE, người tiền nhiệm của một trong những nữ CEO quyền lực nhất châu Á đã từng nói: "Cô ấy là một nhân viên xuất sắc, không bao giờ thỏa mãn với thành quả hiện tại mà luôn cố gắng. Cô ấy làm việc cật lực như những đồng nghiệp nam. Và tôi không quan tâm đến việc cô ấy có là con của một vị trung tướng hay không khi quyết định giao quyền lãnh đạo”.
Thời điểm 1993 ghi nhận dấu mốc quan trọng khi Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh tiến hành cổ phần hóa, trở thành công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh. Từ đây, bà Mai Thanh chính thức trở thành nữ CEO kiêm Chủ tịch của công ty cổ phần Việt Nam đầu tiên phát hành ra thị trường chứng khoán. Dưới sự điều hành của bà Thanh, từ một xưởng cơ khí cũ kỹ, chuyên sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, REE hiện là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là dòng điều hòa ReeTech.
Nói về sự thành công của mình, nữ tướng Mai Thanh chia sẻ rằng bà biết điểm mạnh của mình ở đâu, phải xây dựng giá trị nào để có quyền kiêu hãnh về những gì đã làm, đã trải qua. "Để thành công, bạn cần có tham vọng và dấn thân để đạt xuất sắc cái mình đang làm. Để trở thành một người đặc biệt, bạn cần có những điều để mọi người chiêm nghiệm", người phụ nữ lọt vào danh sách quyền lực nhất châu Á chia sẻ.
CEO Vinamilk: Khởi nghiệp bằng con đường dẫn tới định mệnh
Bà Liên là nữ doanh nhân Việt đầu tiên có tên trong danh sách những CEO quyền lực nhất châu Á năm 2013 của Forbes. Với sự nghiệp gần 40 năm gắn liền với công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), ít ai biết rằng, bà Mai Kiều Liên từng không muốn theo học ngành chế biến sữa. Ngày đó, năm 1969, khi còn là một cô học sinh 17 tuổi được phân công học ở Nga, bà chẳng hề có khái niệm gì về ngành học này, trong bối cảnh ngành sữa ở Việt Nam chưa phát triển và đất nước còn chìm trong chiến tranh.
"Đã có lúc tôi muốn chọn lại ngành, có thể là sư phạm hoặc bác sĩ như mong ước từ nhỏ", người phụ nữ quyền lực nhất Vinamilk chia sẻ. Thế nhưng, như một định mệnh, ngành học từng khiến bà trăn trở nhiều về đường hướng sau khi tốt nghiệp đã mang lại cho bà những thành công lớn ở thị trường nội địa cũng như vang danh thế giới.
Sau 5 năm tu nghiệp, trở về nước, bà được phân công làm kỹ sư theo ca tại nhà máy sữa Trường Thọ. Sau đó, trải qua nhiều vị trí khác nhau như Phó giám đốc kỹ thuật, Phó tổng giám đốc, tới năm 1992, bà Mai Kiều Liên trở thành người đứng đầu Công ty Sữa Việt Nam.
Forbes đánh giá Vinamilk là một trong những doanh nghiệp kiến tạo lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, đồng thời cổ phiếu được xếp hàng blue-chips trên thị trường chứng khoán. Vinamilk đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận kể từ khi niêm yết (2006) đến nay.
Năm 2013, Vinamilk đạt doanh thu ấn tượng 1,5 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2012. Bà Mai Kiều Liên kỳ vọng mức doanh thu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017 khi Vinamilk được "toàn cầu hóa". Hiện Vinamilk đã rót vốn đầu tư vào hàng loạt công ty sữa ở nước ngoài, đưa Mỹ vào danh sách 30 thị trường xuất khẩu sản phẩm sữa.
Trái ngược với hình ảnh nữ doanh nhân quyền lực trên thương trường, ngoài đời, người phụ nữ này vẫn đảm trách việc nữ công gia chánh trong gia đình. "Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình", bà Liên tiết lộ.
Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga: Nữ đại gia sân golf - ngân hàng
Sinh năm 1955, là người Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân), bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch tập đoàn BRG, đã học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc. Người phụ nữ này cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ), do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton, phu nhân cựu Tổng thống Bill Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế. Chồng bà là Tiến sĩ, được mời ở lại làm việc tại Đức, nhưng ông bà đã quyết định trở về Việt Nam.
Điển hình nhất là vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo của Tập đoàn BRG diễn ra êm thấm năm 2012. Bên cạnh đó là sự xuất hiện đầy bất ngờ với vị trí đại diện nhóm cổ đông lớn sở hữu 46,05% vốn điều lệ của công ty Cổ phần Intimex trong đại hội cổ đông đầu tiên năm 2009. Được xem là nữ đại gia sân golf và ngân hàng đình đám tại Việt Nam, nhưng bà Nga lại chỉ cho rằng mình là người may mắn và dám làm.
"Để thành công như hôm nay, tôi đã phải hy sinh nhiều thú vui cá nhân, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Ngoài công việc, đã là phụ nữ, tôi cũng không thể quên gia đình của mình, người chồng và những đứa con", nữ doanh nhân này tâm sự.